Bất cập cảnh trẻ mầm non học ở 'phân hiệu'... nhà văn hóa xóm
(Baonghean.vn) - Đó là thực trạng đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay ở xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên). Xã này hiện chưa có trường mầm non, nên tất cả các trẻ em trong xã trong độ tuổi mầm non đều đang phải học ở các “phân hiệu” tại nhà văn hóa xóm.
Nhà văn hóa xóm 10, “phân hiệu” của lớp 3-4 tuổi hiện chưa có nhà vệ sinh và nước dùng sinh hoạt. |
Năm học mới 2016 – 2017 này, cũng như nhiều năm trước, trẻ em Trường Mầm non Hưng Yên Nam lại tiếp tục phải học ở các nhà văn hóa của mỗi xóm tại xã này.
Xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc được tách ra từ xã Hưng Yên năm 2009. Khi chưa chia tách, xã Hưng Yên vốn chưa có trường mầm non. Đến nay, dù đã tách ra được hơn 7 năm, xã Hưng Yên Bắc đã có trường mầm non riêng, thì Hưng Yên Nam vẫn giữ nguyên tình trạng ban đầu.
Vì không có trường học nên các lớp mầm non phải học trong các nhà văn hóa xóm, thậm chí có lúc phải học trong nhà kho cũ được mượn của xóm... Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, các nhà kho hư hỏng nặng nên các trẻ được tập trung học tại hầu hết các nhà văn hóa xóm.
Lớp học tại Nhà văn hóa xóm 10 đã xuống cấp. Cửa sổ đã lâu đời, cũ kỹ. |
Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống cơ sở vật chất tại các “lớp học” đặt tại nhà văn hóa khá tạm bợ, một số chỗ đã và đang xuống cấp dần. Tại nhà văn hóa xóm 8A, hệ thống xà ngang đã rỉ sét, các cửa sổ chớp được lắp tạm bởi một miếng gỗ ghép, tường nhà được xây lâu đời nên đã cũ kĩ, một số chỗ đã bị nứt nẻ.
Anh Nguyễn Quốc Vương, xóm trưởng xóm này cho biết, nhà văn hóa 8A được xây dựng từ những năm 1989. Tuy nhiên, hiện tại xóm này đã huy động công sức và đóng góp kinh phí từ người dân, phụ huynh và giáo dục hóa để nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa.
Tường nhà văn hóa cũng là lớp học trong tình trạng nứt nẻ. |
Đến thời điểm này, nhà văn hóa của xóm đã được xây bờ rào vây quanh, sân bãi nâng cao lên, mái che sân chơi...Phần hệ thống điện đang được gấp rút sửa lại để bảo đảm ánh sáng, an toàn cho trẻ bước vào năm học mới.
Hệ thống điện đang được tu sửa lại tại "phân hiệu" xóm 8A |
Tại “phân hiệu” xóm 10 hiện có khoảng 34 cháu vào độ 3-4 tuổi đang học. Ở đây, chưa có nhà vệ sinh, nước sinh hoạt cho trẻ và giáo viên cũng không có. Hàng ngày, các cô giáo phải tự chạy đi mua nước đóng bình về cho trẻ uống. Vòi nước duy nhất tại bể chứa cũng đã bị hư hỏng. Phòng học có 2 quạt điện treo tường, 2 bóng đèn thì đã hỏng mất 1 quạt và 1 bóng đèn.
Vòi nước tại bể chứa duy nhất tại "phân hiệu" xóm 10 cũng đã hỏng |
Mái che sân chơi, cổng ra vào đều chưa có. Chị Nguyễn Thị Thơ, phụ huynh có con đang học ở đây cho biết, những hôm mưa to sân chơi bị ngập lụt nặng, như ngày khai giảng vừa rồi, ngập lụt nên các phụ huynh cùng cô giáo phải cùng nhau tát nước. “Thương nhất là các cháu không có nhà vệ sinh và nước dùng. Chúng tôi chỉ mong được các cấp quan tâm đầu tư cho hai “khoản” này trước tiên đã”, chị Thơ tâm sự.
Tình trạng các mái ngói lợp đã lâu đời, mưa lớn có thể bị dột nước. |
Còn tại phân hiệu xóm 2 (thường được gọi là lớp mầm non Khe Mây) đồng thời cũng là nhà văn hóa phải dùng phên để ngăn cách chia ra 2 lớp học. Mỗi lớp đều trên 30 cháu. Các cô giáo ở đây cho biết, vì lớp học liền nhau, cách nhau chỉ có tấm phên nên việc dạy và học của cô trò rất bất cập.
Và khi mưa lớn, nước sẽ dột từ trên mái và tràn từ sân vào lớp học. Chính vì thế, những hôm nào chuẩn bị mưa to, các cô phải khiêng hết đồ dùng học tập, đồ chơi của trẻ bỏ vào bao tải và gác lên cao hoặc đi gửi. Vì học tại nhà văn hóa xóm, nên mùa hè bàn ghế, bảng, đồ dùng...đều phải gửi hết vào nhà dân. Vì để lại đây cửa ngõ không an toàn, sẽ dễ bị thất thoát, mất trộm.
Đồ chơi cho trẻ chỉ có tại một số ít phân hiệu, số còn lại không có. |
Trường mầm non Hưng Yên Nam hiện có 7 “phân hiệu” được đặt tại nhà văn hóa các xóm 1, xóm 2, xóm 6A, 8A, xóm 9, 10 và 11. Các “phân hiệu” đặt tại nhiều xóm khác cũng trong tình trạng tương tự như xóm 10. Chỉ riêng nhà văn hóa xóm 11 mới chỉ đạt tương đối về cơ sở vật chất đảm bảo việc dạy và học cho cô trò, có chỗ ăn ngủ vào buổi trưa. Những "phân hiệu" còn lại phải học hết buổi, đến 10 giờ trẻ lại về nhà, 2 giờ chiều lại được bố mẹ chở lên học tiếp.
Nhiều lớp học xuống cấp và thiếu ánh sáng. |
Cô Đặng Thị Thiện, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Yên Nam chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong có một ngôi trường tập trung để nâng cao công tác dạy và học cho cô và trò ở đây thôi. Chứ cứ như thế này thì khổ lắm”.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết, vì chưa có ngân sách nên chưa thể xây dựng trường mầm non được nên đành phải để các cháu học trong các nhà văn hóa xóm. Hiện tại đã quy hoạch được đất xây trường, nhưng phía địa phương vẫn đang chờ đợi tấm lòng của các Mạnh Thường Quân để sớm có kinh phí đầu tư xây dựng nơi dạy học ổn định cho các cô trò.
Thiên Thiên