Bế tắc trong việc xử lý vấn đề rác thải ở Nghĩa Đàn

Tiến Đông 06/04/2023 16:28

(Baonghean) - Do bế tắc trong việc ký kết hợp đồng lẫn nợ đọng tiền xử lý rác, hiện nay nhà máy xử lý chất thải rắn tại huyện Nghĩa Đàn đang dừng tiếp nhận rác thải. Điều này đã khiến cho rác thải trên địa bàn 24 xã, thị trấn của huyện Nghĩa Đàn bị ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường.

Vất vả đi đổ rác “nhờ”

Kể từ đầu năm 2023, 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn phải loay hoay tìm địa điểm để xử lý rác sinh hoạt do nhà máy xử lý rác đóng trên địa bàn đang từ chối tiếp nhận rác. Việc xử lý tạm thời tại các hố chôn lấp gây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thậm chí một số địa phương, kể từ khi trên địa bàn huyện xây dựng nhà máy xử lý rác đã không quy hoạch bãi chôn lấp rác nữa nên khi tình trạng này xảy ra không biết đem rác đi đổ ở đâu.

Nan giải nhất hiện nay vẫn tập trung tại thị trấn Nghĩa Đàn. Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của huyện, khu vực thị trấn có 7 khối, xóm. Bình quân mỗi tháng, lượng rác thải sinh hoạt xả ra khoảng 100 tấn. Kể từ đầu năm đến nay, do nhà máy xử lý rác dừng tiếp nhận, chính quyền địa phương này phải rất vất vả đi tìm địa điểm để đổ... “nhờ”.

Rác thải bị ứ đọng, tập kết bên đường ở xã Nghĩa Hồng. Ảnh: Minh Thái

Ông Hồ Trung Liêm – Chủ tịch UBND thị trấn Nghĩa Đàn cho biết: Do không quy hoạch hố chôn lấp rác nên thời gian đầu khi nhà máy dừng tiếp nhận rác, thị trấn đã phải xin đổ “nhờ” tại hố chôn lấp của xã Nghĩa Bình. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn, người dân địa phương đã phản đối nên hiện tại đang phải nhờ xã Nghĩa Lạc để đổ rác tạm thời.

Ông Liêm cũng cho biết, nếu vấn đề không được sớm giải quyết thì sắp tới thị trấn cũng sẽ không biết đổ rác ở đâu bởi tại các địa phương, không người dân nào muốn đưa rác nơi khác về đổ. Sắp tới huyện sẽ họp với nhà máy xử lý rác để bàn việc ký hợp đồng.

Trong đó, việc ký kết hợp đồng khả năng sẽ được giao cho các xã, thị trấn. Nếu theo phương án này thì các địa phương chắc chắn phải cân đối thêm ngân sách để chi trả, bởi với mức thu phí vệ sinh môi trường như hiện nay thì rất khó để chi trả được chi phí xử lý rác.

Hố chôn lấp tạm thời tại xã Nghĩa Đức đã đầy ắp rác. Ảnh: Minh Thái

Tại xã Nghĩa Bình, nơi đứng chân nhà máy xử lý rác, đồng thời cũng là địa điểm mà từ đầu năm 2023 thị trấn Nghĩa Đàn đã xin “đổ nhờ” rác thì nay rác thải cũng đang trở thành vấn đề bức xúc. Ông Phạm Hải – Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã mỗi tháng thu gom 4 lần với khoảng 20 tấn rác. Đến thời điểm hiện nay hố chôn rác tạm thời trên địa bàn cũng đã gần đầy. Nếu không sớm xử lý thì rác sẽ bị ứ đọng khắp nơi.

Ngay như tại xã Nghĩa Hồng, do chưa ký kết được hợp đồng với nhà máy rác nên rác thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn đang tạm thời phải mang đi xử lý tại hố chôn lấp của địa phương. Xã đang phải hợp đồng với một đơn vị có trụ sở tại TX.Thái Hoà để thu gom, vận chuyển rác đến điểm tập kết. Ông Nguyễn Văn Thuyết – Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện các xã đang chờ kết quả sau cuộc họp giữa huyện với đại diện nhà máy, khi đó mới tiến hành việc ký kết hợp đồng và xử lý rác tồn đọng.

Rác thải đang ùn ứ tại hai bên lối vào nhà máy xử lý. Ảnh: Tiến Đông

Được biết, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã có nhà máy xử lý rác thải rắn, do Công ty CP Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam làm chủ đầu tư, với công suất xử lý 75 - 100 tấn rác/ngày đêm. Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2017.

Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy đã tiến hành xử lý rác thải sinh hoạt cho 24 xã, thị trấn của huyện Nghĩa Đàn với khối lượng tính đến cuối năm 2022 là 56.287 tấn. Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, sau khi hợp đồng 5 năm giữa nhà máy với UBND huyện Nghĩa Đàn kết thúc, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong việc ký kết hợp đồng mới, dẫn đến việc xử lý rác thải mới phát sinh bị ảnh hưởng. Thậm chí tính đến hết năm 2022, huyện Nghĩa Đàn còn nợ tiền xử lý rác hơn 8,5 tỷ đồng.

Từ ngày 1/1/2023 nhà máy xử lý chất thải rắn Nghĩa Đàn đã dừng tiếp nhận rác trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Trong ảnh, một khối lượng lớn rác thải chưa được đốt đang chất đống trong nhà máy. Ảnh: Tiến Đông

Tìm hướng xử lý

Ông Phan Văn Ngân – phụ trách quản lý Nhà máy xử lý chất thải rắn Nghĩa Đàn cho biết: Trước đây, khi nhà máy đi vào hoạt động, việc ký kết hợp đồng xử lý rác do UBND huyện ký trực tiếp với nhà máy.

Tuy nhiên, do kinh phí xử lý không được địa phương chuyển trả kịp thời nên nhiều thời điểm, nhà máy cũng không có đủ tiền để chi trả lương cho công nhân, chi trả tiền điện, tiền duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua nhiên liệu, vì vậy có thời điểm đã phải tạm thời ngưng xử lý rác. Đỉnh điểm là từ ngày 1/1/2023, nhà máy đã tạm ngừng tiếp nhận rác.

Hiện tại, trong thời gian dừng tiếp nhận rác, nhà máy này cũng đang bảo trì máy móc. Ảnh: Tiến Đông

Cũng theo ông Ngân, ngoài việc bị nợ tiền xử lý rác, theo hồ sơ thiết kế quy hoạch được duyệt của dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Nghĩa Đàn và chủ trương đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận, tổng diện tích đất phải bàn giao cho nhà đầu tư để thực hiện dự án là 8,37ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, địa phương mới chỉ bàn giao 3,1ha. Diện tích này không đủ để bố trí hố chôn tro xỉ, mở rộng sân bãi tập kết và phân loại rác thải đầu vào.

Liên quan đến phương án nhà máy ký hợp đồng trực tiếp với 24 xã, thị trấn, ông Ngân cho rằng: Trước đây, khi nhà máy ký hợp đồng với huyện thì việc ký kết, nghiệm thu, thanh quyết toán thực hiện dễ dàng hơn. Ký riêng với từng xã, thị trấn đồng nghĩa với việc phải thêm đầu mối, phải có 24 bộ hợp đồng, định kỳ hàng tháng, hàng quý cũng phải đến tận từng xã, thị trấn để hoàn tất hồ sơ.

“Sắp tới, khi làm việc ký hợp đồng với riêng từng xã, thị trấn thì chắc chắn phương án quyết toán, thanh toán tiền cũng sẽ phải được thống nhất theo hướng quyết toán theo từng quý, chi phí xử lý cũng sẽ được trả qua tài khoản ngân hàng… chứ không chúng tôi sẽ không đủ người để làm việc” – ông Ngân chia sẻ.

Ngoài việc đang bị nợ kinh phí xử lý rác, hiện nay dự án này cũng chưa được cấp đủ đất nên đã không đủ để bố trí hố chôn tro xỉ, mở rộng sân bãi tập kết và phân loại rác thải đầu vào. Ảnh: Tiến Đông

Ông Trần Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ chủ trì buổi làm việc với phía chủ đầu tư để thống nhất. Về đối tượng ký kết hợp đồng, kiểm soát khối lượng, nghiệm thu…, cuối năm 2021 HĐND huyện cũng đã có Nghị quyết về phân loại, thu gom vận chuyển, kiểm soát khối lượng và quản lý kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện. Theo đó, việc ký kết hợp đồng, kiểm soát khối lượng, nghiệm thu sẽ do UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn cũng phải căn cứ tình hình dân số phân bố trên địa bàn để xây dựng dự toán và tổ chức thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định giá dịch vụ đã được UBND tỉnh ban hành. Việc tổ chức thanh, quyết toán cũng được thực hiện theo nguyên tắc đơn vị nào ký kết hợp đồng thì đơn vị đó chịu trách nhiệm quản lý thanh quyết toán theo quy định.

Nếu những vướng mắc liên quan đến việc ký kết hợp đồng và giải quyết nợ đọng không sớm được giải quyết thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình môi trường trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Tiến Đông

Ông Hà cũng cho rằng, huyện không thể cử người đến tận từng xã để cân, đo, đong đếm rác tại các xã, mà chỉ thông qua số liệu báo cáo, nếu vậy sẽ sai nguyên tắc. Nếu các xã ký thì việc giám sát khối lượng sẽ phù hợp hơn, các xóm và xã sẽ giám sát được khối lượng rác thải phát sinh, hạn chế tới mức thấp nhất những sai sót có thể xảy ra.

Vướng mắc về kinh phí xử lý rác, cộng với chưa bàn giao đủ đất cho nhà đầu tư là mấu chốt của vấn đề xử lý rác thải bị ứ đọng tại Nghĩa Đàn. Bởi việc chôn lấp rác tại các xã hiện nay cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chưa kể việc xử lý không hiệu quả sẽ gây nên những tác động xấu về môi trường. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cũng như nhà đầu tư cần phải sớm có giải pháp, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, vì môi trường và sức khoẻ của người dân./.

Mới nhất
x
Bế tắc trong việc xử lý vấn đề rác thải ở Nghĩa Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO