BHXH chỉ ra bất thường trong sử dụng quỹ BHYT, cơ sở y tế cho rằng BHXH gây khó
(Baonghean.vn) - Nhiều cơ sở y tế lạm dụng quỹ BHYT dẫn đến Nghệ An vượt dự toán quỹ BHYT; BHXH tỉnh chậm thanh quyết toán tiền BHYT, gây khó khăn cho các cơ sở y tế… là những ý kiến được đại diện Sở Y tế, BHXH tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh nêu ra trong cuộc làm việc do UBND tỉnh tổ chức sáng 25/7.
Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc về thực hiện dự toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2018 và một số vấn đề trong khám chữa bệnh BHYT. Ảnh: Đức Dũng |
Có hiện tượng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế
Năm 2018, BHXH đã ký hợp đồng khám chữa bệnh với 546 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có 24 bệnh viện đa khoa, 10 bệnh viện chuyên khoa, 13 phòng khám đa khoa, 2 trung tâm chuyên khoa, 484 trạm y tế xã và tương đương. Trong quý I/2018, toàn tỉnh có 1.151.231 lượt khám chữa bệnh với số tiền chi trả BHYT trên 740 tỷ đồng.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, 6 tháng đầu năm thường sử dụng khoảng 45% tổng chi cả năm, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2018 tỉnh Nghệ An đã sử dụng 55,8% tổng dự toán năm 2018. Theo đó, số chi khám chữa bệnh của thẻ BHYT do Nghệ An phát hành trong 6 tháng đầu năm là 1.817 tỷ đồng, vượt 170 tỷ đồng so với dự toán.
Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH Nghệ An phân tích các nguyên nhân tăng chi BHYT, trong đó ông lưu ý: Tỷ lệ sử dụng thuốc trong chi trả BHYT ở toàn quốc chiếm 34%, Nghệ An chiếm 25%, trong khi đó tỷ lệ sử dụng chỉ định xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh ở mức cao so với cả nước… Điều này cho thấy chi BHYT ở Nghệ An đang lệch về những chi phí có kết cấu tiền lương, liên quan đến khoản thu của bệnh viện.
Giám đốc BHXH tỉnh chỉ ra những hiện tượng lạm dụng trong sử dụng quỹ BHYT. Ảnh: Đức Dũng |
Một số cơ sở khám chữa bệnh sử dụng quỹ BHYT chưa thực sự hiệu quả dẫn đến chi phí bình quân 1 lần khám chữa bệnh BHYT cao; tình trạng đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú, kéo dài thời gian điều trị bệnh không thực sự cần thiết làm cho chi phí giường bệnh cao nhưng chi phí sử dụng thuốc điều trị thấp; tình trạng sử dụng giường bệnh vượt kế hoạch xảy ra ở nhiều cơ sở y tế, việc kê thêm giường ngoài kế hoạch chưa đảm bảo các tiêu chí đáp ứng về nhân lực y tế và cơ sở vật chất; chỉ định dịch vụ kỹ thuật rộng rãi, không đúng theo quy trình của Bộ Y tế, thậm chí có bệnh án bệnh viện đề nghị thanh toán 1 bệnh chính kèm theo 10 bệnh phụ.
Cơ sở y tế gặp khó trong thanh toán BHYT
Tại cuộc làm việc, ông Đậu Huy Hoàn-Phó giám đốc Sở Y tế nêu ra những khó khăn của các cơ sở y tế khi thực hiện khám chữa bệnh BHYT, đó là: Việc thanh toán, tạm ứng kinh phí theo hợp đồng khám chữa bệnh BHYT còn chậm, gây khó khăn cho các đơn vị, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn; quá trình thanh toán BHYT còn nhiều khó khăn vướng mắc do những quy định chưa thống nhất.
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện một số cơ sở y tế cho rằng: Việc tăng chi phí BHYT, ngoài các nguyên nhân chủ quan đã nêu trên, ở Nghệ An còn có các nguyên nhân khách quan như: dân số đông, khi thông tuyến người dân mong muốn được khám chữa bệnh; Nghệ An có hệ thống y tế phát triển tốt, áp dụng nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao… dẫn đến chi phí khám chữa bệnh sẽ cao.
Phẫu thuật cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh. Ảnh: Từ Thành |
Việc thanh toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT chậm khiến cho các cơ sở y tế gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không có lương chi trả cho y, bác sỹ; nợ tiền thuốc, tiền vật tư...
Do đó, đề nghị BHXH, cùng với Sở Y tế Nghệ An cần báo cáo giải trình với BHXH Việt Nam để điều chỉnh dự toán hàng năm, đảm bảo chi phí khám chữa bệnh BHYT của người dân và hoạt động của các cơ sở y tế; đề nghị giao dự toán phải trên cơ sở thực hiện các năm, chứ không thể ép dự toán; cho phép các bệnh viện mở thêm các dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện, khám theo yêu cầu để giảm áp lực và chi của quỹ BHYT.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Thông đề nghị các đơn vị, cơ sở y tế kiểm tra, chấn chỉnh những hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT mà BHXH tỉnh đã chỉ ra; BHXH tỉnh cần thực hiện thanh toán quỹ BHYT theo quy định của nhà nước, không gây khó khăn cho các cơ sở y tế; phải quản lý tốt quỹ BHYT; trong điều kiện còn khó khăn cần phải "liệu cơm gắp mắm", đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như cơ sở khám chữa bệnh.