Bí đất san lấp, dự án 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia huyện Quỳ Châu có nguy cơ ‘đóng băng’
(Baonghean.vn) - Quỳ Châu hiện đang tập trung thực hiện các công trình, dự án hạ tầng cơ sở công cộng theo 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Nhưng những công trình dự án thuộc các chương trình này đều cần thiết phải có đất san lấp mặt bằng, đất đắp nền. Trên địa bàn huyện Quỳ Châu dẫu đã được quy hoạch 4 mỏ đất tại các xã Châu Bình, Châu Tiến, Châu Phong, Châu Thắng, nhưng đáng buồn lại không có tổ chức, cá nhân nào dám lập hồ sơ xin cấp phép khai thác, dù cấp ủy, chính quyền động viên, kêu gọi. Lý do vì huyện Quỳ Châu và các địa phương lân cận số lượng công trình có nhu cầu đất san lấp thấp, không có khả năng thu hồi vốn. Đây là một vấn đề thực sự nan giải cần phải có giải pháp tháo gỡ để địa phương này hoàn thành các dự án 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Một số hình ảnh công trình, dự án trên địa bàn huyện Quỳ Châu đang chờ đất san lấp do phóng viên Báo Nghệ An ghi lại ngày 18/11/2022.
Cầu tràn xã Châu Thắng vừa hẹp, vừa thấp nên mỗi khi có mưa lớn kéo dài, thủy điện xả lũ thì chìm sâu trong nước, gây cô lập cục bộ các khu dân cư. Trong ảnh: Trong đợt mưa lũ cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai huyện Quỳ Châu phải đặt biển cấm người dân, các phương tiện qua lại cầu treo Châu Thắng. Ảnh: Vi Trang |
Dự án cầu cứng vĩnh cửu Châu Thắng đã ra đời, dự kiến đến khoảng tháng 9/2025 sẽ hoàn thành, thay thế được cầu tràn cũ, hoàn thành được mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, góp phần tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho địa bàn huyện Quỳ Châu. Trong ảnh: Khu vực thi công cầu cứng Châu Thắng (nằm phía dưới cầu tràn cũ chừng 1 km). Ảnh: Nhật Lân |
Hiện nay, cầu Châu Thắng đang được thi công chân móng. Ảnh: Nhật Lân |
Vật liệu sử dụng thi công cầu đã được chuyển đến. Ảnh: Nhật Lân |
Điều khiến huyện Quỳ Châu lo lắng là mặt bằng thi công cầu Châu Thắng thấp hơn Quốc lộ 48 khoảng từ 5 - 6m, cần một lượng đất khá lớn, chừng 35.000 m3 để đắp đường dẫn vào cầu, trong khi trên địa bàn huyện mới chỉ được quy hoạch 4 mỏ đất nhưng không có tổ chức, cá nhân nào dám xin cấp phép khai thác. Ảnh: Nhật Lân |
Bí đất san lấp mặt bằng cũng đang là thực trạng ở dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Hiếu, đi qua thị trấn Tân Lạc (giai đoạn 2). Trong ảnh: Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Hiếu, khu vực sát chân cầu Kẻ Bọn. Ảnh: Nhật Lân |
Thời gian hoàn thành dự án kè chống sạt lở bờ sông Hiếu đoạn qua thị trấn Tân Lạc dự kiến vào cuối tháng 12/2022. Để hoàn thành cần khoảng 28.000 m3 đất san lấp, nhưng hiện đang trong tình trạng bế tắc. Ảnh: Nhật Lân |
Điểm trường Tiểu học thị trấn Tân Lạc là 1 trong 41 công trình, dự án hạ tầng cơ sở theo 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Để xây dựng được trường, huyện Quỳ Châu đã quy hoạch địa điểm xây dựng với diện tích 17.000 m2. Trong ảnh: Đường vào khu vực quy hoạch điểm Trường Tiểu học Tân Lạc nằm phía bên trái, là vùng thấp trũng so với bề mặt đường chừng 2m. Ảnh: Nhật Lân |
Theo tính toán của huyện Quỳ Châu, với thực trạng thấp trũng của khu vực quy hoạch xây dựng điểm Trường Tiểu học thị trấn Tân Lạc, sẽ cần 42.776 m3 đất để san lấp mặt bằng. Dự kiến, việc san lấp mặt bằng phải hoàn thành đầu tháng 3/2023. Thế nhưng, do không có đất san lấp nên việc san lấp không thể thực hiện. Ảnh: Nhật Lân |