'Bí quyết' sống lâu trăm tuổi của hai cụ bà ở Nghệ An

Công Khang 14/02/2021 16:36

(Baonghean.vn) - Đã bước qua ngưỡng tuổi bách niên, cụ Phan Thị Quý và Ngũ Thị Du ở thôn Đồng Thượng, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) vẫn minh mẫn, nhớ rõ những chặng đời đã đi qua. Bước vào mùa Xuân mới, hai cụ lại có niềm vui sum vầy cùng con cháu và anh em, họ hàng.

Khỏe nhờ ăn cơm vơi nhút, uống nước khe

105 tuổi, cụ Phan Thị Quý (SN 1916) vẫn chống gậy đi lại trong nhà, vẫn tự phục vụ ăn uống và vệ sinh cá nhân, cụ chưa muốn làm phiền đến con cháu. Chỉ cái tai hơi “nặng”, phải nói to và rõ cụ mới nghe được. Nhưng trí nhớ của cụ Quý vẫn còn khá tốt, vẫn nhớ rõ cả những năm tháng trẻ thơ của mình.

Ảnh: Công Khang
Cụ Phan Thị Quý 105 tuổi nhưng vẫn khá minh mẫn. Ảnh: Công Khang

Cụ kể: “Bố mẹ tôi ngày trước nghèo lắm, làm quần quật suốt năm nhưng vẫn không đủ ăn, cơm phải độn sắn, độn khoai, không khi nào được ăn thịt, cá. Tôi phải đi ở đợ, làm việc cho một nhà giàu trong làng, lớn lên lấy chồng, cuộc sống cũng vất vả lắm…”.

Cụ Phan Thị Quý kể tiếp về những năm tháng ngược dòng sông Trai, lên tận vùng biên giới Hoa Quân (xã Thanh Hương) chặt nứa bán để kiếm tiền nuôi đàn con nhỏ. Lúc đi thì cuốc bộ men theo bờ sông, trên lưng mang theo những nắm cơm và nhút được gói sẵn để ăn cả ngày; lúc về, dùng nứa kết thành bè thả trôi xuôi theo dòng sông, ra vùng trung tâm huyện bán cho thương lái.

Ảnh: Công Khang
Cụ Phan Thị Quý vẫn chống gậy đi lại trong nhà. Ảnh: Công Khang

Mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 3 – 5 ngày, có khi gặp mưa gió phải đến cả tuần lễ. Có khi hết gạo và thức ăn mang theo, phải ăn củ mài, củ chuối và rau rừng để chống chọi với cái đói; gặp trời mưa phải dựng lều tạm để tránh trú, không thể kể hết những cực khổ, gian nan. Ước mong lớn nhất là có những bữa cơm không độn khoai, sắn, có thêm thịt, cá để đàn con nhỏ được ăn thỏa nỗi khát thèm, chỉ vào dịp Tết mới có được.

Ảnh: Công Khang
Giấy mừng thọ của Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng cụ Phan Thị Quý nhân dịp 100 tuổi (năm 2016). Ảnh: Công Khang

Những năm chiến tranh ác liệt, chồng đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường, cụ Quý ở nhà vừa cấy cày, vừa chăm sóc đàn con, không ít lần đối mặt với hiểm nguy khi bom rơi gần hầm trú ẩn. Các con lớn dần theo năm tháng, lần lượt dựng vợ, gả chồng.

Năm 1999, cụ Đinh Văn Dũng (chồng cụ Quý) mất, từ đó đến nay cụ sống cùng vợ chồng con trai trưởng là ông Đinh Văn Quý. Cụ có 6 người con (nay còn 3), gần 20 cháu và đã có 13 chắt; con cháu đều đã trưởng thành và hiếu thuận, luôn quan tâm chăm sóc tới bậc sinh thành.

Ảnh: Công Khang
Cụ Phan Thị Quý hiện sống cùng vợ chồng con trai trưởng là Đinh Văn Quý ở thôn Đồng Thượng, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). Ảnh: Công Khang

"Nhiều người hỏi bí quyết sống thọ, tôi trả lời không có bí quyết gì hết, chỉ có ăn cơm nguội với nhút, uống nước khe (suối) mà thôi!”. Cụ Quý chia sẻ thêm rằng, mỗi dịp Tết đến, Xuân về cảm thấy rất vui vẻ, bởi con cháu ở xa về sum vầy, đoàn tụ. Đại gia đình có dịp cùng ăn bữa cơm tất niên, nhìn các cháu, các chắt ngày một không lớn, trưởng thành, lòng càng thêm phấn khởi và tự hào, thêm mừng vui vì cuộc sống ngày càng no ấm, đủ đầy".

Cụ Phan Thị Quý

Không thể nhớ hết tên của các chắt

Kém cụ Phan Thị Quý 3 tuổi, cụ Ngũ Thị Du (SN 1919), thường gọi cụ Huyền ở cùng thôn Đồng Thượng chưa phải dùng gậy để đi lại, tai vẫn còn tỏ và trí nhớ cũng rất minh mẫn. Và cũng như cụ Quý, cụ Du nhớ tường tận, chi tiết những sự kiện lớn trong cuộc đời, nhất là những năm khó khăn, gian khổ khi thực hiện nhiệm vụ trên sông nước.

“Tôi là dân vạn chài, sinh ra và lớn lên trên sông nước, gần trọn cuộc đời lênh đênh cùng những con thuyền xuôi ngược dòng sông để mưu sinh. Thời chiến tranh, cùng chồng làm nhiệm vụ chở lương thực, vũ khí đến các điểm tập kết, bom đạn ác liệt lắm” – cụ Ngũ Thị Du kể lại.

Ảnh: Công Khang
Cụ Ngũ Thị Du kể về những năm tháng làm xã viên HTX Vận tải. Ảnh: Công Khang

Trước đây, vợ chồng cụ Du là xã viên của HTX Vận tải, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí tiếp tế vào chiến trường miền Nam. Gửi 8 người con đủ cả lớn, bé cho Ban Quản lý HTX trông coi, hai vợ chồng chèo thuyền khắp các con sông ở miền Bắc, từ sông Lam, sông Mã đến sông Hồng, sông Đà… để làm nhiệm vụ. Có lúc, hai cụ ngược sông Đà lên tận Thủy điện Hòa Bình, vượt qua những thác nước dữ dội, gặp mưa, bão phải lên bờ tìm nhà dân trú ẩn.

Nhớ nhất là những lần bị máy bay địch phát hiện và oanh kích, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ. Có lúc bom rơi với khoảng cách khá gần, con thuyền chao đảo nhưng cụ Du và chồng quyết không rời thuyền để giữ bằng được hàng và vũ khí.

Ảnh: Công Khang
Thiếp mừng thọ 100 tuổi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng cụ Ngũ Thị Du năm 2019. Ảnh: Công Khang

Rồi những khi qua đoạn sông có bom từ trường và bom nổ chậm, hai cụ phải chuyển hàng lên bờ, dùng dây thừng giong thuyền đi sát qua bờ để qua khu vực nguy hiểm, đến điểm an toàn lại chuyển hàng lên thuyền và tiếp tục hành trình. Cụ Du chia sẻ: “Sống sót sau những phen như thế chỉ có thể nói là may mắn, vì bom tránh người chứ người không tránh được bom”.

HTX Vận tải giải thể, vợ chồng cụ Ngũ Thị Du tiếp tục bám sông nước để mưu sinh, cuộc sống trải bao khó khăn, nhọc nhằn. Năm 1997, cụ ông Trần Đình Huyền qua đời, cụ Du sống với vợ chồng con trai út là Trần Đình Hậu (SN 1962). Hơn 10 năm trước, ông Hậu mua được đất ở và xây dựng nhà cửa, cũng từ đó cụ Du thỏa ước nguyện được lên bờ sinh sống, thoát cảnh sống tù túng, chật chội trên con thuyền nhỏ. Đến thời điểm hiện nay, cụ có 28 cháu, 53 chắt và 3 chít.

Ảnh: Công Khang
Cụ Ngũ Thị Du bên vợ chồng con trai út Trần Đình Hậu. Ảnh: Công Khang

“Tôi không thể nhớ hết tên của các chắt, vì đông lắm. Ngày Tết chúng về đông đủ, đứa nào cũng chào, tôi phải hỏi tên bố mẹ mới biết được con của đứa cháu nào. Thấy chúng chơi đùa vui vẻ, tôi càng thấy mình khỏe hơn” – cụ Du tâm sự.

“Cụ Phan Thị Quý và Ngũ Thị Du là những người tuổi cao gương sáng, nuôi dạy, chăm sóc con cháu trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội. Ngoài hai cụ, trên địa bàn xã còn có 7 cụ từ 100 tuổi trở lên, các cụ đều là những tấm gương trong gia đình và bà con làng, xóm học tập”.

Ông Bùi Văn Nhật – Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Lĩnh

Mới nhất

x
'Bí quyết' sống lâu trăm tuổi của hai cụ bà ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO