Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân phiên định kỳ tháng 5

Thành Duy 05/05/2021 12:02

(Baonghean.vn) - Sáng 5/5, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân phiên định kỳ tháng 5.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Đức Cường - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Bùi Thanh An - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các ban, sở, ngành, địa phương liên quan.

Toàn cảnh phiên tiếp công dân. Ảnh: Thành Duy

Liên quan đến Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Công ty TNHH Mareep tại Khu C, Khu Công nghiệp Thọ Lộc, Khu Kinh tế Đông Nam, ông Phan Đăng Thiện đại diện cho 30 hộ dân xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu phản ánh quá trình thực hiện thu hồi đất của UBND xã Diễn Thịnh, UBND huyện Diễn Châu sai quy trình, không công khai, minh bạch, không lấy ý kiến của người dân.

Ông Thiện cũng phản ánh UBND huyện Diễn Châu dùng các biện pháp không phù hợp với quy định của pháp luật để cưỡng chế, thu hồi đất gây bức xúc cho nhân dân; quá trình xây dựng nhà máy giữa cánh đồng lạc không có đường đi cho nhân dân; thu hồi đất ngoài dự án để làm đường vào nhà máy không hợp pháp.

Ông Phan Đăng Thiện, đại diện cho 30 hộ dân xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu phát biểu. Ảnh: Thành Duy

Công dân cũng cho rằng, việc lựa chọn địa điểm thực hiện dự án không phù hợp làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân; đồng thời kiến nghị cần có chính sách bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng, đảm bảo cuộc sống của người dân khi bị thu hồi đất.

Các phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến dự án đã được tỉnh, huyện tổ chức đối thoại nhiều lần nhưng công dân vẫn chưa đồng ý kết quả giải quyết của cơ quan chức năng.

Ý kiến các địa phương, ngành liên quan tại cuộc làm việc cũng cho thấy, việc cấp phép thực hiện dự án là phù hợp với quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất của quy hoạch. Chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp được UBND huyện Diễn Châu thực hiện đúng theo quy định hiện hành.

Về một số kiến nghị của người dân liên quan đến hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cho biết: Hiện nay, chủ đầu tư đã có cam kết ưu tiên sử dụng lao động địa phương.

Đồng chí Tăng Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu phát biểu tại phiên tiếp công dân. Ảnh: Thành Duy

Phân tích những phản ánh, kiến nghị của công dân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông nhận định đây là đơn khiếu nại của người dân, tập trung vào 2 nội dung: Việc quy hoạch chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp thành đất hoạt động sản xuất công nghiệp và giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Do đó để giải quyết vụ việc cần xuất phát từ 2 nội dung trên, trong đó, đối với công tác quy hoạch tốt nhất là nên tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu đây là chủ trương lớn về công nghiệp hóa trên địa bàn.

Còn đối với phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, UBND huyện Diễn Châu giải thích cho nhân dân, nếu người dân không đồng tình thì tiến hành giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền về công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu ý kiến liên quan đến vụ việc của công dân Phan Đăng Thiện khiếu nại. Ảnh: Thành Duy

Kết luận nội dung này, trao đổi với công dân, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chia sẻ, việc dành một quỹ đất nông nghiệp chuyển sang phát triển công nghiệp là hướng đi đúng để phát triển tỉnh nhà và bày tỏ mong muốn người dân ủng hộ.

Đi vào cụ thể các khiếu nại của công dân, nhấn mạnh công việc phải giải quyết dựa trên quy định của pháp luật với trình tự thủ tục rõ ràng, người đứng đầu Tỉnh ủy mong các công dân ủng hộ giải quyết theo quy trình thủ tục giải quyết đơn thư khiếu nại.

Theo đó, UBND huyện Diễn Châu cần thành lập đoàn giải quyết lần 1 và có quyết định để trả lời công dân cụ thể. Nếu công dân không đồng ý kết quả giải quyết của UBND huyện Diễn Châu và có ý kiến cấp cao hơn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Thanh tra tỉnh giải quyết khiếu nại lần 2 đối với các nội dung về quá trình thực hiện thu hồi đất, cưỡng chế… liên quan đến dự án.

Ông Tô Anh Phương - Giám đốc Công ty TNHH Kiều Phương phát biểu kiến nghị. Ảnh: Thành Duy

Đối với phản ánh việc lựa chọn địa điểm thực hiện dự án không phù hợp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cần tập trung giải thích, tuyên truyền, làm rõ cho người dân công tác quy hoạch vị trí của nhà máy để nhân dân ủng hộ; đồng thời rà soát lại quá trình lấy ý kiến các huyện, thành, thị, trực tiếp là nhân dân trong quá trình quy hoạch.

Trao đổi chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với dự án, đồng chí Thái Thanh Quý cho biết, tỉnh đã áp mức tối đa theo nghị quyết HĐND tỉnh và mong muốn công dân đồng thuận, chia sẻ trong điều kiện của tỉnh; cùng với đó, người đứng đầu Tỉnh ủy ủng hộ, nhà đầu tư dự án trên hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng trên cơ sở tự nguyện của doanh nghiệp như thông tin tại cuộc tiếp dân đưa ra.

Đồng chí Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tiếp đó, ông Tô Anh Phương - Giám đốc Công ty TNHH Kiều Phương, khối 5, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ phản ánh công ty bị hơn 30 hộ dân ở xã Quang Thành, huyện Yên Thành lấn chiếm đất rừng kéo dài hơn 15 năm với diện tích khoảng 230 ha trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.

Mặc dù, UBND các huyện Yên Thành, Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An có nhiều văn bản chỉ đạo, mở nhiều hội nghị yêu cầu số hộ lấn chiếm trả lại đất cho công ty nhưng đến nay chưa có kết quả.

Tại cuộc làm việc, ý kiến các bên liên quan cho thấy, hiện nay có khoảng 80 hộ dân của xã Quang Thành (Yên Thành) lấn chiếm gần 1.500 ha đất thuộc địa giới hành chính xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Trong đó có hơn 33 hộ dân lấn chiếm 230 ha đất rừng của Công ty TNHH Kiều Phương.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu đề xuất hướng xử lý đối với vụ việc lấn chiếm đất tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Thành Duy

Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, UBND tỉnh cần thành lập đoàn liên ngành đánh giá tổng thể toàn bộ vụ việc này, trong đó đánh giá chi tiết từng thửa đất, thể hiện nguồn gốc sử dụng đất của 80 hộ để giải quyết tổng thể, trong đó có diện tích bị xâm lấn của Công ty TNHH Kiều Phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đánh giá bản chất của vấn đề là xung đột về kinh tế giữa doanh nghiệp và người dân, do đó đồng tình cao với ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cần rà soát xử lý tổng thể vụ việc, rồi mới đến việc cụ thể của doanh nghiệp; đồng thời lưu ý quá trình xử lý phải vừa đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và vừa đảm bảo sinh kế của nhân dân.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cam kết không để diện tích đất của xã Nghĩa Dũng tiếp tục bị lấn chiếm; Chủ tịch UBND Yên Thành tuyên truyền, giáo dục để công dân không tiếp tục lấn chiếm đất xã Nghĩa Dũng.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận. Ảnh: Thành Duy

Thấy rằng cần có giải pháp tổng thể, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý thống nhất đề nghị UBND tỉnh thành lập đoàn công tác do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, lãnh đạo các Sở Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường làm phó đoàn, cùng với các huyện vào cuộc rà soát tổng thể hiện trạng trước đây, bây giờ, hướng xử lý đối với toàn bộ diện tích đất bị xâm lấn ở xã Nghĩa Dũng, chứ không riêng diện tích bị xâm lấn của Công ty TNHH Kiều Phương.

Sau đó báo cáo tham mưu UBND tỉnh để giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo công tác quản lý của Nhà nước, cũng như kế sinh nhai của người dân, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, tránh tái diễn tình trạng xâm lấn. Trên cơ sở rà soát tổng thể mới xử lý việc cụ thể của Công ty TNHH Kiều Phương.

Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân phiên định kỳ tháng 5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO