Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Những cơ hội vàng cho Nghệ An phát triển

Hà Châu (thực hiện) 06/02/2022 06:35

(Baonghean) - Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có những chia sẻ với Báo Nghệ An về nhiệm vụ của ngành trong thời gian sắp tới và những cảm nhận của Bộ trưởng về Nghệ An hôm nay…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh Quochoi.vn

P.V: Thưa đồng chí Bộ trưởng, với trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó, ngành Tài chính đã có những quyết sách kịp thời để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động sâu được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về điều này?


Đồng chí Hồ Đức Phớc: Năm 2021, dịch bệnh Covid- 19 tiếp tục tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Thực hiện chỉ đạo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính đã chủ động tham mưu và thực hiện các giải pháp đồng bộ, kết hợp linh hoạt chính sách tài chính và chính sách tiền tệ, các chính sách khác có hiệu quả để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch COVID 19. Bộ Tài chính tăng cường chống thất thu thuế bằng nhiều giải pháp hiệu quả, đồng thời đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm 30% thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế hộ kinh doanh và miễn phạt chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp có doanh thu thấp hơn năm 2019 với số tiền giảm của chính sách này khoảng 21.300 tỷ đồng; giảm 30% phí môi trường trong xăng dầu hàng không; miễn giảm 30 loại phí, lệ phí; giảm 50% thuế trước bạ ô tô sản xuất trong nước; giãn, hoãn nộp thuế đến 31/12/2021 khoảng 115.000 tỷ đồng và nhiều chính sách khác.

Cầu Cửa Hội nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Thắng

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tham mưu Quốc hội đồng ý để chi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ngoài kế hoạch đầu năm là 38 ngàn tỷ đồng. Bộ phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng tham mưu Chính phủ quy định gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng và tham mưu Thủ tướng thành lập Quỹ vắc -xin thu được 8.792 tỷ đồng. Bộ cũng đã chủ động nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương chi chống dịch, mua vật tư, sinh phẩm và đủ ngân sách để mua 150 triệu liều vắc- xin tiêm miễn phí cho toàn dân. Thực hiện cắt giảm 10% chi thường xuyên và 50% công tác phí trong, ngoài nước để chi cho công phòng, chống dịch; tham mưu Chính phủ đã cấp 142 ngàn tấn gạo và vật tư thiết bị chống dịch Covid -19 cùng với nhiều chính sách khác như quản lý tốt thị trường chúng khoán, thị trường bảo hiểm, quản lý giá, quản lý nợ, chống lạm phát và các cơ chế, chính sách để chống dịch và phục hồi kinh tế.

Một góc thành phố Vinh. Ảnh: Thành Cường

P.V: Việt Nam đang thực hiện Nghị quyết số 128 Chính phủ về tạm thời thích ứng an toàn và linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngành Tài chính sẽ có những giải pháp nào để đảm bảo nguồn lực cho chống dịch vừa hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế của đất nước, thưa Bộ trưởng?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Để thực hiện chủ trương vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ chuẩn bị đủ kinh phí để mua vắch xin tiêm cho toàn dân và tiêm cho trẻ em; chuẩn bị kinh phí mua thiết bị vật tư y tế và kinh phí chống dịch trong giai đoạn hiện nay và sắp tới; đồng thời ban hành các chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch.

Bên cạnh đó, Bộ đã tăng cường chỉ đạo giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, xây dựng 1 cửa Asean liên thông để thuận lợi cho xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư, thực hiện chuyển đổi số, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Bộ Tài chính luôn đứng đầu về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý. Tập trung chống trốn thuế, chống thất thu thuế, phát hành mạnh mẽ hóa đơn điện tử để tiết giảm kinh phí, tiện ích cho việc nộp và quản lý thuế, việc này cũng nhằm chống buôn bán hóa đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng, trục lợi thuế. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tích cực chống chuyển giá và thu thuế trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số, bán hàng online. Bên cạnh đó, thực hiện quản lý tốt giá; huy động vốn và minh bạch trên thị trường chứng khoán, chống thao túng cổ phiếu, quản lý tốt thị trường trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và thị trường phái sinh, thị trường bảo hiểm và nợ công. Cơ cấu lại nợ công theo hướng hiệu quả, tiết kiệm.

Ngành Tài chính chỉ đạo, phát huy hiệu quả chi ngân sách, đặc biệt chi đầu tư phát triển và tiết kiệm chi thường xuyên. Đối với chi đầu tư, cắt giảm dự án không hiệu quả, giải ngân chậm, thủ tục không đầy đủ. Đối với chi thường xuyên, cắt giảm 10% chi thường xuyên ngày từ khâu giao dự toán, 15% đối với đơn vị đang thực hiện cơ chế đặc thù. Bộ Tài chính phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước tham gia xây dựng chương trình phục hồi kinh tế, thiết kế gói kích cầu như hộ trợ lãi suất, chi đầu tư công trình trọng điểm, nhà ở xã hội, giải quyết việc làm... nhằm phục hồi phát triển kinh tế, tăng việc làm thu nhập. Với số tiền khoảng 461 nghìn tỷ đồng chi đầu tư, gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện các giải pháp miễn giảm, hoãn giãn thuế, miễn phí tiếp tục thực hiện năm 2022.

Bên cạnh đó, cùng với các giải pháp hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư, đột phá hạ tầng, hỗ trợ người lao động, kiểm soát lạm phát... của Chính phủ, chắc chắn kinh tế - xã hội nước ta sẽ phát triển trong các năm tới.

P.V: Là một người con của quê hương Nghệ An, từng là lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng có thể nói về cảm nhận của mình về Nghệ An hôm nay và đồng chí có thể gợi ý một số giải pháp để Nghệ An tiếp tục bứt phá trong thời gian tới?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt hiếm có, vùng đất có truyền thống văn hóa và cách mạng hào hùng. Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế, đất đai rộng lớn, nhân lực dồi dào (xếp thứ 4 toàn quốc), nhân dân cần cù lao động, sáng tạo và có khát vọng phát triển cháy bỏng.

Nghệ An cũng là tỉnh có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực Bắc Trung Bộ; đóng vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn có sứ mệnh giao thương giữa Việt Nam và các thị trường quốc tế (Cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, các tuyến đường bộ, đường sắt huyết mạch quốc gia, có sân bay quốc tế Vinh) có khu kinh tế và nhiều khu công nghiệp, có nhiều tài nguyên du lịch, khoáng sản, đất đai rộng lớn.

Khu công nghiệp WHA thuộc KKT Đông Nam. Ảnh: Thành Cường

Nghệ An được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, với Nghị quyết 26 - NQ/TW, năm 2013 của Bộ Chính trị (Nghị quyết đầu tiên ban hành cho một tỉnh) và nay có Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An mà Quốc hội mới thông qua, có hiệu lực 1/1/2022 là minh chứng sinh động nhất về sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước.

Nghệ An hôm nay đang vươn mình phát triển với sự đổi mới mạnh mẽ, điều kiện và thời cơ hết sức thuận lợi.

Theo tôi, để Nghệ An phát triển nhanh cần biến khát vọng phát triển kinh tế của lãnh đạo tỉnh thành khát vọng làm giàu của toàn dân, tạo nên phong trào phát triển kinh tế đầy sáng tạo, đổi mới. Đối với các giải pháp cần ưu tiên thực hiện, Nghệ An cần tập trung vào các đột phá sau: Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, kể cả hạ tầng CNTT, coi đây là mũi đột phá trọng yếu. Mở rộng phát triển sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đầu tư hệ thống đường giao thông hiện đại; phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, ngân hàng, trường học, siêu thị, bệnh viện và hạ tầng CNTT.

Thứ hai, tăng cường cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn, công khai, minh bạch để phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong giải quyết dịch vụ công, thu hút đầu tư, quản lý thuế, đất đai…

Thứ ba, tập trung đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ cao trog công nghiệp, y tế, nông nghiệp.

Một giải pháp nữa là tập trung lôi kéo đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, những tập đoàn có thương hiệu, có công nghệ hiện đại, tạo ra được những dự án tầm cỡ cho tỉnh. Ngoài thu hút đầu tư công nghiệp, chú trọng du lịch, dịch vụ và phát triển nông, lâm nghiệp công nghệ cao, biến vùng miền Tây Nghệ An thành vùng nông nghiệp trù phú cung cấp nguyên liệu và sản phẩm cho cả nước và xuất khẩu.

Tàu cập cảng quốc tế Vissai. Ảnh: Mạnh Hùng

Khi khơi dậy và duy trì phát huy được tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khát vọng cống hiến của nhiều tầng lớp nhân dân cộng với định hướng, giải pháp đúng sẽ trở thành phong trào phát triển kinh tế rộng lớn, làm cho kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ nhanh chóng phát triển.

Tôi tin tưởng một ngày không xa Nghệ An sẽ trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước!

P.V: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Mới nhất
x
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Những cơ hội vàng cho Nghệ An phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO