'Bóng ma' Covid-19 trở lại bao trùm châu Âu

Mỹ Nga 18/10/2020 11:07

(Baonghean.vn) - Mặc dù là quốc gia trình làng vaccine chống Covid-19 sớm nhất trên thế giới, thậm chí loại vaccine thứ 2 cũng đã được tổng thống phê chuẩn, thế nhưng Nga đứng thứ 4 trên thế giới và đứng đầu châu Âu về số ca nhiễm. Còn tại khu vực Liên minh châu Âu (EU), số ca mắc ngày càng gia tăng nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong thời gian tới.

Vật lộn đối phó với đại dịch

Sự chuẩn bị cho trận chiến với Covid-19 tại Nga đang được tăng cường hơn bao giờ hết. Nga đã lập kỷ lục mới về số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước tới nay, với hơn 14.200 trường hợp hôm 14/10.

Hầu hết các lệnh hạn chế trên toàn quốc đã được dỡ bỏ trong mùa hè. Nhưng trong tình hình mới, các quan chức ở khoảng 35/85 khu vực đã đặt ra nhiều biện pháp hạn chế khác nhau để cố gắng làm giảm sự lây lan của dịch bệnh. Hiện tổng đài nóng hỗ trợ người dân của thủ đô Moskva đã phải mở cửa trở lại, vì số bệnh nhân nhiễm mới tăng chóng mặt.

Người dân Nga được khuyến cáo tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: AFP
Người dân Nga được khuyến cáo tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: AFP

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý, người bệnh sẽ được hỗ trợ tâm lý, trở nên bình tĩnh hơn và hiểu rằng không có gì đáng lo ngại, bởi có nhiều người đang giúp đỡ họ. Ông Artem Aleeksev, Giám đốc Tổng đài hỗ trợ Covid-19 tại Moskva cho biết, 7.000 người có thể thực hiện cứu trợ trực tiếp cho người dân như mua nhu yếu phẩm hay thuốc. Hiện trung tâm còn có thêm 3.000 người trong danh sách dự phòng để luôn sẵn sàng công việc nếu cần.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn nghiêm trọng, và nhiều người dân chưa tuân thủ các chỉ dẫn về phòng dịch. Moskva, tâm chấn của đợt bùng phát Covid-19 của Nga cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ giữa tháng 5. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin mô tả những biện pháp hạn chế của thành phố còn nhẹ và kêu gọi người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trước khi vaccine được triển khai diện rộng. Người cao tuổi nên tự cách ly ở nhà và yêu cầu doanh nghiệp sử dụng lao động phải để 30% nhân viên làm việc tại nhà. Chính quyền thủ đô Moskva sẽ áp dụng hình thức học trực tuyến cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 11 từ đầu tuần sau và kéo dài trong 2 tuần.

Trước đó, hồi tháng 8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine chống Covid-19, mang tên Sputnik V. Các nhà khoa học vẫn lo ngại về động thái này, cho rằng Sputnik V chưa đủ an toàn và hiệu quả để phân phối cho người dân. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định các liều tiêm không để lại tác dụng phụ nghiêm trọng. Theo Bộ Y tế Nga, khoảng 400 bệnh nhân có nguy cơ cao đã được tiêm vaccine Sputnik V.

accine EpiVacCorona của Nga được phê duyệt hôm 14/10. Ảnh: La Noticia
Vaccine EpiVacCorona của Nga được phê duyệt hôm 14/10. Ảnh: La Noticia

Và cũng trong hôm 14/10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã phê chuẩn vaccine thứ 2 mang tên EpiVacCorona, do Trung tâm Nghiên cứu virus học Vektor ở Siberia bào chế. Trước đó, ngày 5/10, Cơ quan Liên bang Giám sát bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng cho biết gần 30.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine EpiVacCorona. Đây là thử nghiệm kết hợp giai đoạn đầu và giai đoạn 2 của sản phẩm. Kết quả đến nay vẫn chưa được công bố. Thử nghiệm giai đoạn 3 cũng chưa bắt đầu.

Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình sản xuất vaccine Covid-19 nhưng rõ ràng hiện tại Nga đang đối diện với nhiều thách thức trong phòng, chống dịch trước khi vaccine được phổ biến. Tuy nhiên, bất chấp sự bùng phát trở lại nhanh chóng, các nhà chức trách Nga đã bác bỏ các đề xuất về việc tái đóng cửa quốc gia lần thứ hai.

Thắt chặt các biện pháp hạn chế

Tại EU, các ca mắc mới được xác nhận tăng mức cao kỷ lục ở Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức, Cộng hòa Séc, Italia. Hầu hết các phần còn lại của khu vực cũng đang chứng kiến những dấu hiệu nguy hiểm tương tự.

Dịch Covid-19 tại EU tiếp tục lan rộng và có xu hướng xấu đi trong mùa đông năm nay.

Sự lây lan Covid-19 ngày càng gia tăng nghiêm trọng trên khắp “lục địa già”. Thậm chí, Hội nghị thượng đỉnh EU đã cố gắng tập trung và chủ đề Brexit, tránh chủ đề Covid-19 nhưng không thể. Đại dịch đang bùng phát dữ dội trở lại trên khắp châu Âu. Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng thiếu vắng một số nhà lãnh đạo, như Cao ủy về An ninh và Đối ngoại châu Âu đang phải tự cách ly do tiếp xúc gần và lâu với một người nhiễm Covid-19.

Dù dịch bệnh lan tràn, lãnh đạo châu Âu vẫn không muốn họp trực tuyến vì quá nhiều chủ đề khẩn cấp cần được giải quyết. Mục tiêu lớn nhất là bằng mọi giá tránh phong tỏa diện rộng và giảm rối loạn như hồi mùa hè. Đầu tuần này, các ngoại trưởng đã nhất trí nhiều quy tắc chung. Theo đó, công dân châu Âu từ nay hiểu theo 1 cách khi xem bản đồ chung về cấp độ dịch bệnh.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ, trong khi châu Âu vẫn chưa thống nhất được tiêu chuẩn cách ly. Có quốc gia áp đặt cách ly 2 tuần nhưng có nước chỉ cần 1 tuần. Việc triển khai vaccine Covid-19 vẫn là thẩm quyền của mỗi nước, trong khi đây là việc cần phải có sự đồng bộ thì mới có hiệu quả.

Bất chấp tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, Hội nghị Thượng đỉnh EU tiến hành họp tập trung thay vì trực tuyến, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách.

Trong bối cảnh rối ren khắp châu Âu, Đức là quốc gia nổi lên về hình mẫu kiểm soát tốt đại dịch. Số ca nhiễm mới hàng ngày tính trên triệu dân của Đức thấp hơn bất kỳ quốc gia láng giềng nào, trong khi tỷ lệ tử vong, ngay từ khi dịch bùng phát hồi mùa xuân, luôn nằm trong nhóm thấp nhất ở Tây Âu.

Ở thủ đô Berlin, chính thức áp lệnh giới nghiêm đầu tiên trong 70 năm với các hoạt động kinh tế đêm. Các quán bar, nhà hàng sẽ đóng cửa lúc 11 giờ đêm, trừ hiệu thuốc và trạm xăng dầu. Thị trưởng Berlin Michael Muller cho rằng, đây không phải là lúc để tiệc tùng, mà dành thời gian để đối phó với những điều nghiêm trọng hơn.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giành được nhiều lời khen ngợi bởi đã thành công trong việc làm chậm quá trình lây lan của virus trong làn sóng thứ nhất, song bây giờ quốc gia này cũng đang phải vật lộn với làn sóng bùng phát mới. Nhiều chủ doanh nghiệp đã chỉ trích các biện pháp hạn chế mới của nhà chức trách, do lo ngại lệnh giới nghiêm sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Kiên định với đường lối, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh, các khu vực có khả năng lây nhiễm cao sẽ có 10 ngày để xử lý các trường hợp nhiễm mới, hoặc phải đối mặt với các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn. Các thành phố lớn trở thành “đấu trường” để kiểm soát đại dịch.

“Những ngày này và tuần tới sẽ quyết định nước Đức sẽ trải qua mùa đông như thế nào trong đại dịch này. Mùa hè đã diễn ra rất tốt, nhưng bây giờ chúng ta thấy một bức tranh đầy lo ngại”

Thủ tướng Đức Angela Merkel


Cảnh sát kiểm tra ID của khách do các hạn chế chống Covid 19 ở Hamburg, Đức.

Giới quan sát nhận định, bí quyết thành công trong ứng phó với đại dịch của Đức nằm ở 4 yếu tố: may mắn, khả năng học hỏi và phản ứng nhanh, phản ứng cấp địa phương và lắng nghe khoa học. Ngoài ra, việc người dân Đức đặt niềm tin vào các cơ quan y tế cũng là yếu tố tác động lớn tới thành công của chiến lược chống dịch ở Đức. Người dân Đức còn tin tưởng các chính trị gia bởi “họ không nói dối ngay từ đầu và đã xây dựng niềm tin” theo khoa học và không phủ nhận nó.

Mới nhất

x
'Bóng ma' Covid-19 trở lại bao trùm châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO