Bước đầu xác định nguyên nhân tôm chết bất thường ở Nghệ An

Quang An 04/05/2024 15:35

(Baonghean.vn) - Các mẫu bệnh phẩm tại vùng tôm chết huyện Quỳnh Lưu chỉ có 1 mẫu cho kết quả dương tính với bệnh vi bào tử trùng EHP, ngoài ra đều âm tính với các dịch bệnh thường gặp. Do đó, nguyên nhân tôm chết có thể đến từ các bất cập trong quá trình nuôi tôm của các hộ dân nơi đây.

Bước đầu xác định nguyên nhân tôm chết

Trong tháng 4/2024, tại vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An xuất hiện tình trạng tôm chết bất thường. Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Kết quả xét nghiệm theo phương pháp Realtime PCR ở các hộ dân có hiện tượng tôm chết cho thấy, các mẫu bệnh phẩm đều âm tính với các bệnh thường gặp trên tôm bao gồm bệnh đốm trắng (WSSV), hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), phân trắng, đầu vàng…

bna_@.JPG
Cơ quan chức năng kiểm tra tôm nuôi tại xã Quỳnh Bảng. Ảnh: Quang An

Riêng có 1 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với bệnh vi bào tử trùng EHP trên tôm của gia đình anh Hồ Văn Trung, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, đây là bệnh thường gặp trên tôm, cũng gây nên hiện tượng tôm chết nhưng tỷ lệ thấp, chủ yếu khiến tôm chậm lớn, thời gian nuôi lâu, tăng chi phí đầu tư.

Ông Trần Võ Ba - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Các mẫu bệnh phẩm tại vùng tôm chết ở Quỳnh Lưu hiện đã cho kết quả âm tính với các dịch bệnh thông thường trên tôm, chỉ có 1 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng EHP, nhưng cũng chiếm tỷ lệ nhỏ và đây cũng không phải dịch bệnh mới, đã có phương pháp điều trị.

bna_1.JPG
Chi cục Chăn nuôi & Thú y và Chi cục Thú y vùng III làm việc với các hộ dân nuôi tôm. Ảnh: Quang An

Đại diện Chi cục Thú y vùng III cho biết: Ở Trung Quốc hiện nay đã xuất hiện dịch bệnh mới trên tôm được gọi là bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm TPD với các biểu hiện như gan tụy và ruột trắng, trong suốt, cơ thể mờ nhạt và teo nhỏ. Sau khi có hiện tượng tôm chết tại huyện Quỳnh Lưu, đơn vị cũng đã gửi mẫu ra Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để xét nghiệm với bệnh mới này nhưng cho kết quả âm tính.

Từ kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn có thể thấy, việc tôm chết ở Quỳnh Lưu nhiều khả năng cao không phải do dịch bệnh mà do các bất cập, yếu kém trong phương pháp nuôi cũng như hạ tầng nuôi tôm ở khu vực này.

bna_2.JPG
Nhiều tôm nuôi không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường. Ảnh: Quang An

Qua kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng cho thấy, khu vực xảy ra tình trạng tôm chết tại các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh… huyện Quỳnh Lưu có nhiều hạn chế trong quá trình nuôi. Theo báo cáo thực trạng của các xã nuôi tôm, tỷ lệ tôm được nhập về từ các công ty, trại giống uy tín, có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ chỉ chiếm khoảng 30 – 40%, số lượng tôm giống còn lại bà con mua trôi nổi trên thị trường. Do đó, việc thả tôm kém chất lượng, sức đề kháng yếu cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tôm chết.

Ngoài ra, tại vùng tôm xảy ra dịch bệnh đều có tình trạng chung là thả tôm sớm hơn so với lịch thời vụ mà cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Theo đó, lịch thả tôm chính vụ năm 2024 từ ngày 1/4, tuy nhiên vào giữa tháng 3/2024 đã có nhiều hộ thả tôm giống trước. Điều này đã khiến quá trình tôm sinh trưởng và phát triển bị ảnh hưởng. Việc người dân cũng như chính quyền các xã chậm báo cáo tình trạng tôm chết đến cơ quan chức năng cũng khiến cho việc cứu tôm khó khăn.

bna_3.JPG
Hạ tầng nuôi tôm tại Quỳnh Lưu tồn tại nhiều bất cập, tỷ lệ tôm nuôi công nghệ cao ít. Ảnh: Quang An

Hiện nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng 500ha tôm ở 14 xã, trong đó có khoảng 10% diện tích được nuôi theo công nghệ cao, được đầu tư lớn. Số diện tích còn lại vẫn nuôi theo kiểu truyền thống và hiện tượng tôm chết chỉ xảy ra ở vùng nuôi tôm này. Thực tế vùng nuôi tôm truyền thống trên địa bàn huyện đã có lâu đời, hạ tầng nuôi không còn đảm bảo, nhiều đầm tôm bị hư hỏng. Bên cạnh đó, nguồn nước, môi trường nuôi tôm những năm qua không đảm bảo, khiến tôm dễ nhiễm dịch bệnh và chết rải rác những năm qua.

Siết chặt quản lý tôm nuôi

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, diện tích thả tôm nuôi đến nay trên toàn tỉnh ước khoảng 1.304 ha; một số vùng nuôi thuộc phường Quỳnh Xuân, Quỳnh Lộc, Quỳnh Dị - thị xã Hoàng Mai đã xuất hiện tôm bị bệnh đốm trắng với diện tích khoảng 5,25 ha; tại vùng nuôi thuộc xã Quỳnh Bảng - huyện Quỳnh Lưu, xã Diễn Kim - huyện Diễn Châu có trên 2,2 ha diện tích nuôi tôm có hiện tượng chết khi mới thả giống được 3 -12 ngày.

bna_5 Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn xã Diễn Kim ảnh Quang An.jpg
Tôm nuôi cần được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Ảnh: Quang An

Ông Trần Xuân Học – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường, chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm, môi trường trong ao nuôi biến động đột ngột làm cho tôm nuôi dễ bị sốc và mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Do đó, việc nuôi tôm trong giai đoạn nhạy cảm này cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng như ý thức, sự đầu tư của các hộ dân nuôi tôm, đặc biệt là vấn đề kiểm tra môi trường, nguồn giống…

Hiện nay, Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đã ban hành Công văn số 1623/SNN-TSKN về việc tăng cường quản lý, phòng bệnh trong nuôi tôm nước lợ. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển chỉ đạo tổ chức, cá nhân tham gia nuôi tôm thực hiện tốt công tác vệ sinh ao đầm, môi trường vùng nuôi và thực hiện sản xuất đúng mùa vụ, tuân thủ quy trình, quy định của Nhà nước. Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quản lý vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường,...). Theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến trên tôm nuôi để có phương án phối hợp và tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời. Trích nguồn kinh phí dự phòng mua hóa chất, vôi để xử lý các ổ bệnh.

Tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh triển khai ứng dụng các quy trình công nghệ mới trong nuôi tôm trên địa bàn như quy trình nuôi nhiều giai đoạn, quy trình nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm công nghệ cao,... để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

bna_4.JPG
Các hộ dân cần báo cáo ngay với cơ quan chuyên môn khi tôm có biểu hiện bất thường. Ảnh: Quang An

Các cơ quan chức năng (Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư) cần tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống xuất tỉnh, nhập tỉnh và xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm về kiểm dịch tôm giống theo quy định hiện hành. Tổ chức kiểm tra, giám sát các bệnh nguy hiểm đang lưu hành trên tôm nuôi tại các vùng nuôi trọng điểm, vùng có nguy cơ cao, cơ sở sản xuất giống để cảnh báo và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả...

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và nắm bắt thông tin quan trắc môi trường vùng nuôi tôm, đặc biệt là môi trường tại các vùng nuôi tôm trọng điểm để kịp thời thông tin đến cơ sở nuôi các điều kiện bất lợi của môi trường và khuyến cáo các biện pháp xử lý môi trường phù hợp, giảm tối đa thiệt hại cho người nuôi tôm….

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng III cho biết: Hiện nay, Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp & PTNT đã có Công văn số 806/TY-TYTS việc rà soát, báo cáo hiện tượng tôm chết sớm nghi do TPD (bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm) và triển khai các biện pháp phòng, chống. Theo đó, dù chưa xuất hiện nhưng nguy cơ TPD xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn. Tại tỉnh Nghệ An, qua lấy mẫu xét nghiệm tại vùng tôm chết hiện đã cho kết quả âm tính với dịch bệnh này. Tuy nhiên, người nuôi trồng thuỷ sản và chính quyền địa phương không được chủ quan với dịch nguy hiểm này. Cần giám sát kỹ tôm nuôi, báo với cơ quan chức năng sớm nhất khi có các dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý, tránh tình trạng báo cáo muộn gây thiệt hại về tôm như thời quan qua.

Mới nhất

x
Bước đầu xác định nguyên nhân tôm chết bất thường ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO