Bóng đá Việt và chuyện ‘sánh vai cường quốc’

Hoa Bùi 01/09/2023 14:56

(Baonghean.vn) - Đoạt ngôi vô địch V.League 1-2023 ngay mùa giải đầu tiên lên hạng trở lại, Công an Hà Nội càng có cơ hội và điều kiện để thúc đẩy mạnh mẽ khát vọng về quá trình vươn tầm, sánh vai với các đội bóng hàng đầu trong và ngoài nước.

Trong buổi lễ tổng kết mùa giải 2023, Công an Hà Nội đã bày tỏ sự quyết tâm phấn đấu để “thể hiện hình ảnh bóng đá ngành Công an không chỉ ở trong nước, mà còn ở đấu trường khu vực, châu lục”. Theo đó, chắc chắn Công an Hà Nội sẽ đặt ra mục tiêu, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, trước hết cho quá trình tham gia thi đấu tại AFC Champions League, tạm gọi là Cúp C1 châu Á theo quy định vào mùa giải tới.

Nhung-buoc-ngoat-giup-cahn-vo-dich-v-league-2023-1-1693200832.jpg
Trước khi vô địch ngay mùa đầu ở V-League, Công an Hà Nội đã chiêu mộ hàng loạt tuyển thủ, hai lần thay HLV, thua đối thủ trực tiếp nhưng có chiến thắng tranh cãi ở giai đoạn quyết định. Nguồn: VnExpress

Hiện tại, từ kết quả mùa trước, Hà Nội FC cũng đang ráo riết chuẩn bị mọi mặt để tham dự giải đấu danh giá bậc nhất châu lục này. Đây là giải đấu quy tụ các đội bóng vô địch quốc gia của châu lục nên đương nhiên Hà Nội FC hiện nay cũng như Công an Hà Nội mùa tới sẽ gặp không ít thách thức, khó khăn từ vòng đấu bảng cho tới các vòng đấu knock-out tiếp theo. Tương tự, Hải Phòng sẽ thi đấu ở AFC Cup, sân chơi số 2 châu lục, tương tự như Cúp C2 châu Âu, do trước đó từng thi đấu play-off tranh vé dự AFC Champions League nhưng không thành công.

Chúng ta đều biết, trong lịch sử AFC Champions League cho đến nay chưa có đội bóng V-League nào vượt qua vòng bảng. Dù Bình Dương hay Hoàng Anh Gia Lai từng thắng giòn dã một số đội bóng mạnh của châu lục nhưng con đường đi đến vòng đấu knock-out vẫn còn cách một khoảng cách khá xa. Ở AFC Cup, Bình Dương từng vào đến vòng bán kết hồi 2009, tương tự Hà Nội FC cũng vào đến chung kết liên khu vực 2020 nhưng đều không thể nhận được kết quả tốt như mong đợi. Viettel cũng từng lọt qua vòng bảng AFC Cup hồi năm trước, nhưng thua ở bán kết… Để thấy, thử thách ở các sân chơi cấp châu lục này thật sự khắc nghiệt đối với các đội bóng V-League, cho dù có tiềm năng, có tham vọng thực sự để vươn tầm.

bna_z4634413302510_0caf26c7be3af1acebf02eea7ea525a3.jpg
Đình Tiến thường xuyên dính chấn thương, ảnh hưởng nhiều đến phong độ trong mùa giải vừa qua. Ảnh: Chung Lê

Tất nhiên, những kết quả khiêm tốn nêu trên đã là một bước phát triển mới của bóng đá Việt nếu so sánh với tình trạng “bỏ của chạy lấy người” của nhiều đội bóng nhiều năm trước. Có hai lựa chọn cho những đội bóng “lỡ” lọt vào các giải đấu tốn kém nói trên là nộp phạt hoặc thua trận để rời khỏi giải mà không ảnh hưởng tới kinh phí cũng như lực lượng cho các giải đấu trong nước.

Còn nhớ hồi năm 2000, Sông Lam Nghệ An từng đoạt ngôi vô địch quốc gia, được tham dự giải đấu này với đội Oxaca của Indonesia. Lượt đi trên sân khách, Hữu Thắng và đồng đội đã kiên cường cầm hòa 0-0 vô cùng đáng khen. Đông đảo khán giả sau đó đã đến chật cứng sân Hàng Đẫy để rồi chứng kiến cách đội bóng xứ Nghệ dâng cao cho đối phương phá bẫy việt vị ghi một lúc 4 bàn thắng và chỉ đáp trả được 1 bàn gỡ, để rời giải mà ai ai cũng biết là không thể đủ kinh phí để theo đuổi lâu dài. Cũng có chuyện đáng nhớ, đáng buồn liên quan đến trận thua 0-14 của Đà Nẵng trên đất Nhật Bản với nhiều lý do, trong đó có việc để đội hình chính ở nhà, mà giao cho đội hình 2 thi đấu như thủ tục cho xong chuyện…

bna_z4616890497007_e0b1d37168f29ff0bc799b774aaaa07c.jpg
Quế Ngọc Hải trong màu áo Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Chung Lê

Trong bối cảnh đó, việc các đội bóng như Hà Nội FC, Viettel hay mới nhất là Công an Hà Nội thể hiện khát vọng vươn tầm, “sánh vai cường quốc” là một điều hết sức đáng quan tâm và ủng hộ, cổ vũ. Một nền bóng đá phát triển đương nhiên phải dựa trên bước phát triển của các câu lạc bộ hàng đầu trước tiên. Nếu được cọ xát với các đội bóng hàng đầu châu lục, đương nhiên các cầu thủ Việt sẽ được cải thiện về mọi mặt, từ tâm lý, kỹ chiến thuật, đến ước vọng, khát vọng nâng cao thành tích cho cá nhân, đội bóng và cả giải đấu trong nước.

Không chỉ cầu thủ mà các huấn luyện viên nội cũng có dịp nâng cao năng lực cầm quân qua từng thất bại hay chiến thắng. Đông đảo khán giả hâm mộ cũng có dịp được chứng kiến tận mắt những ngôi sao châu lục, thậm chí ngôi sao thế giới thi đấu trên sân nhà của mình. Có thể câu chuyện còn xa, nhưng biết đâu Hà Nội FC hay một đội nào đó thi đấu tốt, lọt qua vòng bảng, tiến tới các vòng knock-out thì việc khán giả Thủ đô và phụ cận có dịp chứng kiến những Ronaldo, Neymar hay Benzema từ vùng Trung Cận Đông giàu có đến thi đấu đâu có gì là quá tầm với nhỉ?

Rõ ràng, câu chuyện vươn tầm, sánh vai của bóng đá Việt không chỉ do huấn luyện viên Troussier khởi xướng và tự mình xoay xở với U23 Việt Nam, Olimpic Việt Nam và Đội tuyển Việt Nam, mà luôn luôn phải song hành, nâng bước cùng nhiều lực lượng, cấp độ khác, trong đó quan trọng nhất là các đội bóng chuyên nghiệp thuộc V-League.

Hiện tại hy vọng được đặt vào màn thể hiện của Hà Nội FC tại AFC Champions League, Hải Phòng ở AFC Cup và bước chuẩn bị chu đáo, chất lượng của Công an Hà Nội cho mùa giải châu lục sắp tới. Tất nhiên, sức mạnh tài chính và khát vọng vươn lên sẽ giúp đảm bảo cho các đội bóng nói trên có được ngoại binh giỏi và các ông thầy ngoại giỏi để gánh vác nhiệm vụ, để từ đó tạo bệ phóng cần thiết cho các cầu thủ trong nước, nhất là các tài năng trẻ vốn được đào tạo bài bản, khoa học, đầy tiềm năng phát triển so với các thế hệ đi trước từng trải qua quá nhiều gian khó, cản trở.

Và tất nhiên, thể thao nói chung, bóng đá nói riêng luôn song hành cùng các ngành kinh tế-xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng để đất nước ta từng bước “sánh vai với các cường quốc năm châu”, để thực sự vươn tầm, tiến bước trong thời gian tới./.

Mới nhất

x
Bóng đá Việt và chuyện ‘sánh vai cường quốc’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO