Cô trò vùng lũ Quỳ Châu mong những sự sẻ chia

Mỹ Hà 29/09/2023 19:56

(Baonghean.vn) - Sau 15 năm, người dân Quỳ Châu mới phải tiếp tục hứng chịu một cơn lũ lịch sử. Lũ về bất ngờ, lại xảy ra trong đêm, rất nhiều người không kịp trở tay. Sau lũ, những khó khăn, vất vả vẫn bộn bề khi rất nhiều tài sản, nhà cửa, sách vở, đồ dùng học tập đã bị trôi theo dòng nước.

Thoát lũ trong đêm

Dãy phòng trọ của học sinh Trường THPT Quỳ Châu tại khối 4, thị trấn Tân Lạc chỉ cách hàng rào nhà trường có vài chục bước chân, nếu tính theo đường thẳng. Khu nhà xuống cấp, chật hẹp với gần 10 phòng trọ là nơi ở của 40 học sinh, chủ yếu từ các xã Châu Phong, Châu Thuận, Diên Lãm ra trọ học. Hoàn cảnh các em rất khó khăn, nhiều em là hộ nghèo, vì vậy dù điều kiện sinh hoạt ở đây rất chật chội, thiếu thốn nhưng các phòng trọ vẫn luôn kín người. Trung bình mỗi phòng trọ có từ 3 – 4 em, kinh phí ở trọ 1 tháng giao động từ 200.000 - 250.000 đồng/người.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (13).JPG
Hai ngày sau lũ, dãy phòng trọ của 40 học sinh thoát lũ trong đêm ở khối 4, thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu vẫn bộn bề, ngổn ngang. Ảnh: Mỹ Hà

Ở tuổi 17, lần đầu tiên cậu học trò Cầm Bá Đạt (lớp 11 C6) trải qua cảm giác hoảng loạn khi chứng kiến cơn lũ lịch sử tràn vào dãy nhà trọ các em đang sống.

Đạt nhớ, lúc ấy khoảng gần 5 giờ sáng, Đạt và ba bạn cùng phòng là Cầm Ngọc Vinh, Lương Văn Toan, Cầm Bá Nghĩa đều đang say giấc ngủ. Bỗng nhiên, các em nghe tiếng hô to "lũ đến rồi, chạy nhanh đi". Mở mắt ra, nước đã ngập đến gần ngang đùi, xung quanh nước lênh láng, đồ đạc trong phòng bắt đầu trôi tứ tung. Chưa kịp nghĩ đến cách thoát lui, chỉ trong tích tắc, nước bắt đầu dâng lên nhanh chóng. Sau 10 phút thì nước dâng lên gần sát mái nhà.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (11).JPG
Những phòng trọ cũ kỹ, tồi tàn. Sau lũ lại càng trở nên rách nát. Ảnh: Mỹ Hà

"Khi nước bắt đầu dâng cao, chúng em không biết xoay xở như thế nào. Sau đó, nghe các bạn ở phòng bên cạnh hét to lên: Dỡ ngói mà chui ra! Quả thật, đó là giải pháp duy nhất nhưng làm sao để dỡ ngói thì tụi em không biết. May sao, xung quanh chúng em có mấy con dao nhỏ để nấu ăn hàng ngày bị nước cuốn dâng lên. Sau đó cả mấy người hùa nhau, lấy tay dỡ ngói. Đoạn nào vướng đinh thì dùng dao để gỡ rồi trèo ra." - Cầm Bá Đạt kể thêm về giây phút ngặt nghèo trong đêm lũ.

Thời điểm nước dâng lên quá đầu người, Đạt cũng là cậu học sinh kém may mắn nhất vì khi trèo qua mái nhà, Đạt bị mắc lại và phải mất hơn 5 phút mới tìm được lối ra thoát lũ an toàn. Cùng phòng với Đạt, cậu học trò Cầm Ngọc Vĩnh cũng nói rằng: Em ở miền núi cao, chưa bao giờ thấy lũ nên không khi nào nghĩ lũ ở ngay sau lưng mình. Cảm giác lúc đó thực sự hốt hoảng khi xung quanh toàn là nước và nước lên rất nhanh.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (12).JPG
Phụ huynh Trường THPT Quỳ Châu đến thu dọn phòng trọ cho các con. Ảnh: Mỹ Hà

Ở khu nhà trọ này, trong đêm lũ vừa qua, chỉ có ít học sinh kịp chạy nước lũ và nhanh chân tìm được chỗ trú ở một vài nhà dân trong vùng. Còn lại, khi nước bất ngờ ập đến, cách thoát lũ duy nhất là dỡ ngói trèo lên mái nhà. Một điều may mắn ở khu trọ này đó là tất cả học sinh đều biết bơi và bơi rất thành thạo. Vì vậy, khi lũ bất ngờ ập đến, tuy không có chỗ trú ngụ nhưng các em tin rằng mình vẫn có thể cố gắng bơi để níu vào một nơi an toàn. Thực tế, dù lũ đến rất nhanh và phải dỡ cả mái ngói nhưng các học sinh ở khu trọ xử lý khá nhanh và leo lên nóc nhà thuận lợi. Thậm chí, sau khi đã ở trên mái nhà an toàn, các em còn tiếp tục vận chuyển được 8 xe máy của các bạn học khác sang khu vực bên trường học và thoát lũ thành công.

Học sinh Lô Thị Giang (bản Lầu, xã Châu Phong) nay đang học ở lớp 11 C1 nói thêm: Khoảng hơn 3 giờ, chúng em phát hiện nước bắt đầu vào khu trọ. Lúc đó, cả khu trọ còn ngủ yên, chủ nhà cũng chưa dậy. Hốt hoảng, chúng em chỉ cầm được một ít tư trang nhưng vừa đi vừa chạy nên cũng rơi hết, một số bị ngấm nước mưa không còn sử dụng được nữa. Hiện, bố mẹ đã biết tin em bị mất hết tài sản nhưng vì đường đang bị sạt lở nên cũng chưa ra được.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (17).JPG
Nhóm học sinh Trường THPT Quỳ Châu vượt lũ thành công và còn kịp di chuyển nhiều xe máy cho các bạn cùng trường. Ảnh: Mỹ Hà

Cần lắm sự sẻ chia

Gần hai ngày sau lũ, trở lại dãy phòng trọ, tất cả vẫn còn ngổn ngang. Việc thu dọn dù đã rất nỗ lực nhưng dường như đã không còn khả thi vì toàn bộ sách vở, áo quần và đồ dùng học tập đã chìm trong nước lũ và hư hỏng nặng. Phía trong các phòng trọ, toàn bộ bức tường phía sau đã bị lũ đánh sập. Nhiều phòng trọ, mái nhà bị hở toang, bong ra thành từng mảng lớn.

Hiện, thời tiết ở Quỳ Châu vẫn chưa chuyển biến tốt. Trời âm u, mưa to liên tục và kéo dài trong nhiều ngày khiến việc khắc phục hậu quả mưa lũ càng trở nên khó khăn. Từ thị trấn Tân Lạc, ngược Quốc lộ 48 lên xã Châu Thắng, Châu Hạnh, nơi đâu cũng thấy ngổn ngang bùn lầy, sạt lở. Nơi khu vực đông dân cư sinh sống, dấu ấn của cơn lũ vẫn còn hiện rõ trên các bức tường nhà, nhiều nơi vạch nước lũ lên đến sát mái ngói. Công tác khắc phục tuy được tiến hành khẩn trương nhưng vì chưa có nắng nên việc thu dọn vẫn còn rất bộn bề.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (27).JPG
Toàn bộ Trường mầm non Châu Thắng đã bị ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (6).JPG
Đây là lần đầu tiên mực nước lên cao đến sát mái nhà, rất nhiều tài sản bị ngâm trong nước lũ đã bị hư hỏng. Ảnh: Mỹ Hà

Trong cơn lũ vừa qua, trường học cũng là nơi chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Trường Tiểu học Châu Thắng, các giáo viên ở trường nói rằng, từ cơn lũ năm 2007 đến nay, đây là lần thứ hai họ phải chứng kiến thiên tai khủng khiếp đến vậy.

Chia sẻ về điều này, cô giáo Vạn Thị Nga – chủ nhiệm lớp 2A cho biết: Lũ năm nay, nước lên nhanh hơn cơn lũ năm 2007 rất nhiều. Hôm qua, từ Tân Lạc lên đây, nhìn trường lớp ngập trong bùn đất, nhiều người không cầm được nước mắt. Không chỉ tài sản của lớp, của trường bị hư hỏng mà hơn một nửa học sinh trong lớp tôi cũng mất hết nhà cửa. Thương học trò mà không biết làm sao.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (2).JPG
Các lực lượng đang cùng chung tay để thu dọn lại đồ dùng học tập ở các nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (8).JPG
Việc ổn định trường lớp sẽ còn mất một thời gian dài. Ảnh: Mỹ Hà

Trong cơn mưa tầm tã, sáng hôm nay, dù nhà cửa chưa khắc phục hoàn toàn nhưng nhiều phụ huynh, giáo viên trong trường và nhiều giáo viên khác trên địa bàn huyện Quỳ Châu cũng đã tập trung tại Trường Tiểu học Châu Thắng để thu dọn lại khuôn viên trường lớp. Hiện, công tác vệ sinh trong các lớp học đã hoàn thành, bàn ghế đã được dọn rửa sạch sẽ.

Trong hai ngày qua, để có thể tận dụng lại các tài sản cũ, các giáo viên cũng đã cố gắng tìm kiếm lại và lau dọn cẩn thận một số đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Nhưng, rất nhiều tài sản có giá trị như ti vi, máy vi tính, toàn bộ hồ sơ của nhà trường và sách vở của học sinh sau một đêm ngâm trong nước lũ đã hư hỏng hoàn toàn.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (5).JPG
Cô giáo Sầm Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Châu Thắng bàng hoàng trước biến cố xảy ra cho bản thân và nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (4).JPG
Toàn bộ máy vi tính của Trường mầm non Châu Thắng đã bị nước cuốn trôi. Đây là tài sản lớn đối với ngôi trường vùng cao khó khăn này. Ảnh: Mỹ Hà

Cách trường Tiểu học Châu Thắng không xa, Trường Mầm non Châu Thắng cũng là một trong những ngôi trường bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Gặp đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo, cô giáo hiệu trưởng Sầm Thị Huyền đã nghẹn ngào khi cùng lúc trong một thời gian ngắn, chị gặp nhiều biến cố. Nay, trường học lại bị ngập trong nước lũ, hư hỏng gần như toàn bộ, chị thấy mình bất lực.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (25).JPG
Tấm bảng ở Trường Tiểu học Châu Thắng vẫn ghi rõ buổi học cuối trong ngày 27/9. Tối hôm ấy, lũ đến bất ngờ khiến ngôi trường bị ngập sâu trong nước. Tài sản hiện vẫn đang còn giữ lại nhưng không thể sử dụng được. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (20).JPG
Đoàn Sở Giáo dục và Đào tạo đi kiểm tra công tác thiệt hại do mưa lũ tại các trường của huyện Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Để cố gắng vớt vát lại một số tài sản có giá trị, hai ngày nay, các thầy cô trong trường đang cố gắng bám trường, bám lớp sắp xếp lại đồ dùng, dọn dẹp các phòng học… Trước mắt, nếu thời tiết ủng hộ, sang tuần, việc dạy học ở nhà trường sẽ được trở lại. Tuy nhiên, những khoảng trống, những thiếu hụt đang hiện hữu trước mắt chưa biết khi nào sẽ được bù đắp được.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (19).JPG
Giáo viên Trường Tiểu học Châu Thắng đang dọn lại các phòng học. Ảnh: Mỹ Hà
bna_Ảnh - Mỹ Hà (24).JPG
Mỗi một đồ dùng học tập còn sót lại đều được lau chùi, giữ gìn cẩn thận. Ảnh: Mỹ Hà

Theo thống kê của ngành giáo dục Quỳ Châu, chỉ trong trận lũ đêm 27/9, hàng trăm tài sản có giá trị của toàn ngành với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng đã bị trôi theo nước lũ.

Hiện, công tác khắc phục đang được toàn huyện tiến hành khẩn trương nhưng để các trường có thể trở lại hoạt động bình thường đang cần rất nhiều sự giúp đỡ, chung sức, chung lòng.

Hơn bao giờ hết, vùng lũ Quỳ Châu, mong một sự sẻ chia…

Mới nhất

x
Cô trò vùng lũ Quỳ Châu mong những sự sẻ chia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO