Cấm vận dầu mỏ có kiềm chế được Triều Tiên?

01/12/2017 17:22

(Baonghean.vn)- Với việc Triều Tiên tiến hành vụ thử vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tân tiến hơn, Trung Quốc đang chịu sức ép lớn hơn để áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn nhằm vào Bình Nhưỡng, trong đó có việc cắt đứt nguồn cung dầu mỏ.

Sau nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) trừng phạt Triều Tiên, Trung Quốc đã cam kết hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế từ dầu cho Bình Nhưỡng. Tuy vậy, ngày 29/11, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết trong cuộc điện đàm, đích thân Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi người đồng cấp Trung Quốc cắt nguồn cung dầu mỏ cho Triều Tiên.

 Bình Nhưỡng đang chạy nước rút để hoàn thiện năng lực đánh chặn bằng hạt nhân đáng tin cậy. Ảnh: AP
Bình Nhưỡng đang chạy nước rút để hoàn thiện năng lực đánh chặn bằng hạt nhân đáng tin cậy. Ảnh: AP

Song việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung dầu mỏ sẽ là một bước đi quyết liệt. Cộng đồng quốc tế không còn nhiều thời gian để đối phó với Triều Tiên. Tuy nhiên đó không phải lý do để hấp tấp đưa ra các biện pháp mà không đưa ra đánh giá toàn diện về tác động tiềm tàng của những biện pháp này.

Vấn đề đầu tiên cần cân nhắc là tác động trực tiếp của biện pháp này tới chương trình vũ khí và hạt nhân của Triều Tiên. Một số nghiên cứu cho rằng về cơ bản, Triều Tiên có thể ngừng việc sử dụng dầu cho mục đích phi quân sự để đảm bảo mục đích quân sự không bị ảnh hưởng trong trung hạn.

Một số nghiên cứu khác cho rằng Triều Tiên đã đạt được công nghệ thay thế dầu bằng các nguồn hydrocarbon tự sản xuất trong nước khác. Hơn nữa, xét việc quân đội có thể sở hữu kho dự trữ dầu đáng kể, và chương trình tên lửa và hạt nhân dường như được ưu tiên hàng đầu, nên khó có khả năng việc cắt đứt nguồn cung dầu mỏ sẽ gây ra bất kỳ tác động trực tiếp nào tới các chương trình này.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley. Ảnh: Reuters
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, nguồn cung dầu mỏ không phải là biện pháp kiềm chế đáng kể chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chạy nước rút để hoàn thiện năng lực đánh chặn bằng hạt nhân đáng tin cậy, thì nước này đã hoàn tất giai đoạn, vốn có thể bị kiềm chế bởi một lệnh cấm vận nhiên liệu. Do đó, việc ngừng cung cấp dầu mỏ có khả năng càng củng cố quyết tâm chính trị của Bình Nhưỡng nhằm đạt được vũ khí hạt nhân, hơn là làm nản lòng quốc gia Đông Bắc Á này.

Một lệnh cấm vận dầu mỏ có thể gây suy yếu hệ thống kinh tế của Triều Tiên, từ đó tạo ra sự bất ổn chế độ. Tuy nhiên tác động của nó sẽ không ngay lập tức. Có thể Triều Tiên sẽ chọn việc lùi bước.

Song thậm chí nước này có thể chọn cách hành xử khiêu khích và gây hấn hơn, đưa chính sách “bên miệng hố chiến tranh” tới mức đỉnh điểm. Xét tới hệ tư tưởng chính trị hiện nay của Triều Tiên, có đủ lý do để nghi ngờ hậu quả này dễ xảy ra nhất. Khi đó, một chính quyền Triều Tiên hung hăng hơn có thể ngày càng đe dọa Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam (Mỹ) và thậm chí lục địa Mỹ.

Kiềm chế cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên cũng là điều quan trọng cần phải làm. Ảnh: Getty
Kiềm chế cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên cũng là điều quan trọng cần phải làm. Ảnh: Getty

Thời điểm này, Mỹ, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực cần theo đuổi hai mục tiêu cấp bách. Một là buộc Triều Tiên ngừng cải thiện năng lực vũ khí của mình.

Thứ hai là nghiêm túc theo đuổi các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Thiết lập đường dây nóng trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng và trao đổi phái đoàn cấp cao, công khai hoặc bí mật, là một số biện pháp hữu ích có thể thực hiện.

Thêm vào đó, kiềm chế cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên cũng là điều quan trọng cần phải làm, ngang với việc kiềm chế sự phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng./.

Lan Hạ

(Theo CNN)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cấm vận dầu mỏ có kiềm chế được Triều Tiên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO