Về lại ngôi làng giả sư ở Nghệ An

Tiến Hùng 18/03/2024 07:30

(Baonghean.vn) - Gần 20 năm trước, một ngôi làng ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) được gọi với cái tên chẳng mấy tự hào là “làng giả sư”, bởi người dân học theo nhau đóng giả nhà sư, đi rong ruổi xin tiền, khất thực. 

Hành nghề bằng ô tô

Trung tuần tháng 3, sau khi nhận được thông tin cơ quan Công an ở Đà Nẵng vừa phanh phui nhóm người cùng quê xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) đóng giả nhà sư đi xin tiền, chúng tôi quyết định ngược lên miền quê này. Bởi nhắc đến Nghĩa Đồng, lâu nay người ta vẫn nhớ đến cái tên “làng giả sư” mà người dân trong xã chẳng mấy tự hào. Có điều, sau nhiều năm, chúng tôi cứ ngỡ cái nghề này đã không còn đất sống.

Nghĩa Đồng là một xã trung du nghèo, nằm nép mình bên dòng sông Hiếu, cách thành phố Vinh hơn 100 km. Khi chúng tôi đưa hình ảnh, tên tuổi của 3 người giả sư đi xin tiền vừa bị phát giác, lãnh đạo xã này chẳng mấy bất ngờ. “Họ bị phát hiện suốt mà. Bị lộ ở tỉnh này, thì lại qua tỉnh khác hành nghề tiếp. Chúng tôi biết nhưng không thể cấm được, tuyên truyền nhiều lắm rồi mà cũng chịu”, vị cán bộ xã cười nói.

Nhóm 3 người chúng tôi đề cập đều có hộ khẩu ở xã Nghĩa Đồng. Vào cuối tháng 2, họ cạo trọc đầu, lái ô tô từ Nghệ An vào Đà Nẵng. Tại đây, 3 người khoác lên mình những chiếc áo tu hành, mang theo nhiều giấy tờ giả mạo nhà sư rồi rong ruổi đến các chùa, các doanh nghiệp trên địa bàn để xin tiền. “Nhóm 3 người này lái ô tô đến, đưa ra các giấy tờ chứng nhận nhà sư được làm giả. Họ nói vào Đà Nẵng bị mất hết tiền, nên xin để đổ xăng về”, trụ trì của một ngôi chùa ở Đà Nẵng cho biết.

bna-su1-7621.jpg
2 trong 3 nhà sư giả vừa bị cơ quan công an ở Đà Nẵng mời về trụ sở làm việc. Ảnh: CACC

Đến sáng 29/2, khi cả nhóm xuất hiện tại chùa Linh Ứng Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), nhận được tin báo của người dân, cơ quan công an đã phối hợp cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận Ngũ Hành Sơn mời 3 người về phường làm việc, tịch thu y hậu và giấy tờ chứng điệp giả. Tại đây, nhóm này thừa nhận giả mạo nhà sư để xin tiền. Trước đó, cả nhóm đã vào nhiều tỉnh, thành ở miền Nam để hoạt động cùng thủ đoạn giả dạng người tu hành.

Trong số này, V.D.N. (42 tuổi), được cho là có “thâm niên” trong nghề. Ngôi nhà của thầy tu này nằm cạnh con đường ở cuối xóm 10, trông khá khang trang so với hàng xóm. “Nó có đi tu gì đâu, nó đi kiếm ăn đấy. Mới đợt Tết còn tụ tập ăn nhậu, hát karaoke cả ngày đây. Lại bị phát hiện rồi hả”, một người hàng xóm lớn tuổi tỏ ra không mấy lạ lẫm khi chúng tôi đề cập đến N.

Theo người này, N. cưới vợ đã lâu, vợ hiện đã đi xuất khẩu lao động; còn anh ta, hành tung bí ẩn, chẳng mấy khi ở nhà. Con cái thường gửi ở nhà ông bà. Mỗi lần về quê, N. chẳng bao giờ thừa nhận mình làm cái nghề giả sư đi xin tiền, nhưng đối với hàng xóm, ai cũng rõ. “Nó làm cái nghề đấy lâu lắm rồi. Có điều vì xấu hổ nên không dám nhận thôi. Mỗi lần về quê, áo quần nhà sư dùng để hành nghề đều giấu kín”, người hàng xóm kể thêm.

bna-su3-5555.jpg
Người đàn ông giả nhà sư tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

“Thủ phủ" của nghề giả sư

Rời nhà N., chúng tôi tìm đến xóm 5, nơi được coi là "thủ phủ" của cái nghề giả sư ở xã Nghĩa Đồng. “Trước đây thì nhiều lắm, nhưng bây giờ nhờ xuất khẩu lao động nên ít người đi làm cái nghề này rồi”, ông Hoàng Văn Lợi, người hơn 20 năm làm Xóm trưởng xóm 5 nói.

Theo ông Lợi, trước đây vì quá đói nghèo nên người dân trong xóm đổ xô vào miền Nam làm thuê. Tại đây, người này học người kia đi đóng giả nhà sư để bán nhang, xin tiền, khất thực. Tình trạng này rộ lên vào khoảng 20 năm trước. “Vài năm trở lại đây, phần lớn đã lớn tuổi nên không làm nữa. Có người thì nhờ con cái đi xuất khẩu lao động, có tiền rồi nên nghỉ”, ông Lợi nói thêm.

Ông Lợi cũng không ước tính được cả xóm có bao nhiêu người đã và đang làm cái nghề này. Chỉ biết, thi thoảng đọc báo, lại thấy có người trong xóm bị phát hiện. “Làm cái nghề này, chẳng ai dám thừa nhận, nên tất cả chỉ là tin đồn của người dân. Họ cứ nói người này, người kia đi giả sư. Chúng tôi cũng không thể kiểm chứng, ngoại trừ những trường hợp bị công an phát hiện”, ông Lợi nói.

bna-su4-7217.jpg
Con đường giữa xóm 5 vắng hoe. Phần lớn người dân trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa. Ảnh: Tiến Hùng

Cách nhà ông Lợi không xa là cửa hàng của ông T.V.L (52 tuổi). Vợ chồng ông L. là những người có “thâm niên” với cái nghề giả sư, vừa mới “giải nghệ” cách đây vài năm. Phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục, ông L. mới chịu kể về chuyện nghề của mình.

“Nếu lần đó mà không bị công an phát hiện rồi bị đưa lên báo thì chắc không ai biết vợ chồng tôi làm cái nghề này đâu”, ông L. cười nói. Gần 20 năm trước, vợ chồng ông L. quyết định vào miền Nam làm thuê. Tại đất khách, ông tình cờ gặp người đồng hương đang đóng giả nhà sư đi khất thực, xin tiền. Sau khi hỏi han, biết cái nghề này dễ kiếm tiền, lại chẳng phải vất vả nhiều, vợ chồng ông L. liền xin nghỉ việc ở công ty.

Chỉ mất mấy trăm nghìn, thông qua người đồng hương, vợ chồng ông dễ dàng có được 2 bộ áo quần tu hành và giấy tờ giả mạo. Ông L. sau đó ra quán cạo trọc đầu, còn người vợ thì búi tóc cao, dùng khăn bịt kín. Kể từ đó, họ rong ruổi khắp các tỉnh miền Nam kiếm ăn. “Chúng tôi chỉ chọn đến mấy trụ sở doanh nghiệp, hoặc gõ cửa những ngôi nhà to để xin. Có khi thì mua ít nhang ở thành phố rồi mang đi bán giá cao. Khi thì lấy cớ vận động xây chùa…”, ông L. kể. Vì sợ gặp người quen, vợ chồng ông không hành nghề ở thành phố đông đúc, mà thường tìm đến những vùng quê ở tận miền Tây Nam Bộ. Dịp Tết, ông L. thường nghỉ từ sớm, chờ tóc mọc tốt để về quê, tránh người dân nghi ngờ.

“Ai cũng nghĩ chúng tôi làm công nhân. Nên mỗi lần về nhà là đồ nghề được giấu kín”, ông L. kể thêm. “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, cách đây ít năm, vợ chồng ông bị cơ quan công an ở một tỉnh miền Nam phát hiện và trục xuất khỏi địa phương. Sau đó, vợ chồng ông quyết định “nghỉ hưu”, dùng tiền tích góp sau nhiều năm hành nghề để về quê mở quán kinh doanh.

Cũng theo ông L., hiện nay vẫn còn rất nhiều người dân ở Nghĩa Đồng đang lựa chọn cái nghề này để mưu sinh. Họ hành nghề ngày càng tinh vi, khó bị phát hiện hơn. Vấn đề chỉ là không có một thống kê chính thức nào, và cũng chẳng ai thừa nhận bản thân đang giả nhà sư để kiếm ăn.

bna-su5-7632.jpg
Căn nhà của một người hành nghề giả sư ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). Ảnh: Tiến Hùng

Dấu hiệu nhận biết

Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An cho biết, tình trạng người giả sư lộng hành chính là vấn nạn nhức nhối nhiều năm nay, làm ảnh hưởng đến uy tín của giáo hội. “Cả huyện Tân Kỳ đến nay còn chưa có ngôi chùa nào được xây dựng. Vì thế, người đi tu rất ít”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói.

Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, việc nhận biết người giả sư thật ra rất dễ. Ở ngoài miền Bắc nói chung và Nghệ An nói riêng thì không có nhà sư nào đi khất thực cả. Trong Phật giáo chỉ có phái Nam tông và hệ Khất sĩ ở các tỉnh miền Nam lúc trước có đi khất thực (đắp y quấn, màu vàng hoặc vàng sẫm); còn chư tăng ni thuộc hệ phái Bắc tông không đi khất thực.

Vì thế, các “sư” nào khất thực mà mang y phục Bắc tông, tức mặc áo tràng (màu vàng, lam hoặc nâu) và các “sư” nữ trùm khăn đều là người giả sư. Đó là chưa nói đến khi Giáo hội chính thức ban hành lệnh tạm ngừng các hoạt động khất thực thì tất cả những ai đi khất thực đều có thể xem là giả sư. Khất thực đúng pháp vốn không nhận tiền bạc, chỉ nhận vật thực vừa đủ cho một bữa ăn. Do đó, những ai khất thực mà nhận tiền bạc là phi pháp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nhận diện người giả sư, vì họ rất chú trọng đến việc xin tiền bạc hơn là xin đồ ăn uống.

bna-su2-9552.jpg
Một phụ nữ quê xã Nghĩa Đồng giả nhà sư đi xin tiền bị phát hiện ở huyện Quỳnh Lưu. Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, các "sư nữ" trùm khăn đi khất thực như thế này đều giả sư. Ảnh: NDCC

Ngoài ra, thời gian khất thực đúng pháp là trong buổi sáng và chấm dứt trước 12 giờ trưa. Những ai khất thực kéo dài sau 12 giờ trưa đến chiều tối đều phi pháp, là giả sư. Hành vi của hành giả khất thực đúng pháp luôn đoan chánh, tuân thủ các oai nghi của người xuất gia như: Bước đi khoan thai, từ tốn; không nhìn ngang, liếc dọc, chỉ nhìn xuống đất; không mở lời xin xỏ bất cứ điều gì; không đánh chuông, gõ mõ hay tụng kinh ồn ào để gây sự chú ý; tuyệt đối không bước vào nhà thí chủ, chỉ đứng ngoài cổng (đợi một lát nếu không được bố thí thì lập tức phải bước đi nhà khác)...

“Các nhà sư cũng không ai đi bán nhang dạo cả, nếu có bán thì cũng chỉ được phép bán trong khu văn hóa phẩm trong chùa, chứ không rong ruổi ngoài đường”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc nói và cho rằng, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận biết, cũng như tăng cường xử lý nghiêm vấn nạn giả sư này.

Mới nhất
x
Về lại ngôi làng giả sư ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO