Cây nhân trần ở bản Quyn

18/10/2016 09:34

(Baonghean) - Tôi cảm nhận như cái vị man mát, ngòn ngọt của bát nước nhân trần trên mảnh đất ấy có sự hòa lẫn của nắng gió ngàn xanh để tạo nên dư vị riêng khác. Phải rồi! Bát nước tưởng như tầm thường ấy nhưng không ở đâu có được...

Theo tuyến đường Châu Thôn - Tân Xuân đến đoạn chạy qua xã Quang Phong (Quế Phong), chúng tôi dừng chân ở bản Quyn. Đã hẹn trước, nên cán bộ xã và bản đã đợi đầu con dốc nhỏ. Đỡ ba lô của tôi đặt trước xe máy, anh Vi Văn Lái - Trưởng bản Quyn thân tình: “Đường dốc, để lên đây cho nhà báo đỡ mỏi”. Khi tôi đã yên vị sau xe, trưởng bản Lái nghiêng đầu nói: “Cán bộ xã nói rồi, giờ đưa các anh đi thăm vườn nhân trần nhé!”...

Xưa kia xã Quang Phong và xã Cắm Muộn (Quế Phong) là cùng một đơn vị hành chính có tên gọi là Cắm Muộn. “Cắm muộn” trong ngôn ngữ của đồng bào Thái có nghĩa là “vàng vui”, là đất vàng. Mảnh đất “vàng vui” nằm dọc theo dòng sông Quàng nhiều nước, giàu phù sa cũng như vàng sa khoáng. Về sau xã Quang Phong đã được tách ra song những giá trị đặc trưng, đặc hữu về tự nhiên và bản sắc thì vẫn không thay đổi. Trong đó nổi bật nhất ở Quang Phong có lẽ là vườn dược liệu tự nhiên phân bố rải khắp mảnh đất này. Lần này, tôi muốn đến bản Quyn là để “mục sở thị” người dân trồng giống cây nhân trần như thế nào.

Anh Vi Văn Thắng (giữa) giới thiệu về cây nhân trần.
Anh Vi Văn Thắng ở bản Quyn (Quang Phong, Quế Phong - áo xanh) giới thiệu về cây nhân trần.

Vừa ngồi xe máy, vừa leo bộ qua những quãng dốc, nhón chân qua vài con suối cạn chúng tôi cũng đến được vườn nhân trần được trồng bên triền núi. Đón chúng tôi là người đàn ông chừng 30 tuổi. Anh bận chiếc áo phông lấm lem đất và quần thì khâu đầy hoa cỏ may. Đó là Vi Văn Thắng, chủ khu vườn nhân trần. Thắng dẫn tôi vào khu vườn anh đã dày công tạo lập gần 2 năm qua.

Đưa tay ngắt một cành nhân trần, Vi Văn Thắng nói: “Anh xem, cây nhân trần của bản Quyn có màu hoa tím, nhiều tinh dầu nên mùi thơm rất nồng. Chỉ có bản ta mới có giống cây đặc biệt này thôi”. Tôi ngó quanh, vạt rừng dốc đã được cải tạo thành vườn nhân trần. Hỏi rộng bao nhiêu, ông Vi Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Phong ước lượng: “Khoảng hơn 1 ha đấy!”...

Cách đây vài năm, người dân ở bản Quyn và nhiều bản làng khác của xã Quang Phong ngày nào cũng bắt gặp Vi Văn Thắng mò mẫm trên rừng. Ban đầu nhiều người nghĩ anh đi hái măng, chặt lùng. Hóa ra không phải. Thắng vào rừng tìm cây nhân trần. Khi thấy nó, anh đào lấy mang về nhà trồng. Rồi mặc cho nhiều người bàn tán, hàng ngày Vi Văn Thắng vẫn trèo đèo lội suối tìm thêm cây nhân trần. Trên ngọn đồi Huôi Hà, mới đầu anh trồng 100m2. Đây cũng là khu trang trại của gia đình nằm độc lập giữa rừng cách khu dân cư bản Quyn hơn một cây số. Thắng trồng nhân trần và theo dõi nó mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng.

Trên vùng núi rừng, cuộc sống hãy còn nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo vẫn thường trực với dân bản thì việc Thắng “ngồi không” ngắm vườn nhân trần chẳng phải rỗi hơi đó sao! Không phải vậy. Chàng trai từng tốt nghiệp trung cấp nông lâm - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An (nay là Đại học) có lý do riêng của mình. Người cựu cán bộ 30a của xã Quang Phong cho rằng cây nhân trần trên mảnh đất này là một thứ đặc sản không đâu có được.

Nhiều vùng, nhiều địa phương cũng có giống cây này nhưng về chất lượng, mùi vị, dược tính không thể bằng nhân trần Quang Phong. Khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, nguồn nước… chính là điều kiện làm nên sự khác biệt của cây nhân trần Quang Phong so với nhiều nơi khác. Hơn thế, lâu nay người dân các bản làng ở Quang Phong như: bản Quyn, bản Ca, bản Pảo, bản Cào, bản Tỉn Cằng vẫn vào rừng tìm nhổ nhân trần, phơi khô rồi đem ra chợ bán. Mỗi bó nhân trần từ 7 - 10 cây được bán với giá 50.000 đồng. Người dân, khách khứa đi qua về lại Quang Phong vẫn thường dừng lại mua nhân trần về sắc uống. Đây chính là lý do khiến Vi Văn Thắng mất ăn, mất ngủ nhiều đêm trước khi quyết định vào rừng tìm cây nhân trần gom trồng trên sườn đồi đã được cải tạo của gia đình mình.

Chẳng có sách vở, tài liệu nào dạy kỹ thuật trồng, chăm sóc nhân trần. Với kiến thức của một người từng học qua ngành nông lâm, Thắng vừa trồng, vừa theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, vừa rút kinh nghiệm. Dần dà, Thắng mở rộng diện tích trồng nhân trần lên 500m2 và đến nay là hơn 1 ha. Qua quá trình thực nghiệm loài dược liệu đặc biệt này, anh Thắng cho hay, mỗi năm anh có thể trồng được 2 vụ. Vụ thứ nhất vào tháng 2, tháng 3, còn vụ thứ hai vào tháng 5, tháng 6. Và đặc trưng của cây nhân trần ở Quang Phong là mỗi năm nó chỉ ra hoa duy nhất một lần vào vụ gieo trồng tháng 6, và vào vụ này anh Thắng ngoài việc thu hái cây bán còn lấy hạt làm giống.

Hỏi cái lợi do cây nhân trần mang lại, Vi Văn Thắng chỉ cho biết, từ vườn cây của anh đã có 16 hộ dân đến tìm hiểu, tiếp cận và mua giống về trồng. Đặc biệt không chỉ có người dân ở bản Cà, bản Pảo, bản Quyn của xã Quang Phong mà có cả người dân ở một số bản làng của 2 xã “hàng xóm” là Cắm Muộn, Châu Thôn cũng tìm đến tìm hiểu cách làm để nhân rộng mô hình. Thắng nói, ban đầu anh trồng cây nhân trần với mong muốn vừa bảo tồn giống cây quý của rừng quê, vừa tìm hướng phát huy giá trị đặc hữu của loài dược liệu này. Và Thắng đã bất ngờ vì sức lan tỏa từ mô hình của mình. Chỉ riêng hạt giống mà anh cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu đã có thể trồng được hơn 100 ha nhân trần.

Tiếc rằng, năm 2015 vì thời tiết quá khắc nghiệt, khu vực miền Tây xứ Nghệ trải qua giá lạnh kỷ lục nên phần lớn diện tích cây trồng nói chung trong đó có cây nhân trần Quang Phong bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù vậy, cây dược liệu ngắn ngày này vẫn cho thấy thế mạnh của nó.

Bà Lô Thị Thanh, người dân bản Quyn, một trong những hộ dân trực tiếp mua giống cây nhân trần từ anh Vi Văn Thắng cho biết, hiện nay bà có 3.000m2 nhân trần trên diện tích vườn đồi của gia đình. Bà khẳng định: “Năm ngoái vừa bán, vừa khuyến mại nhà ta cũng kiếm được gần 10 triệu đồng với cây nhân trần. Dễ bán lắm. Không đủ cho người ta mua...”. Và bà Thanh còn cho hay rằng, chỉ một vụ nhân trần bà có thể thu trên dưới 20 triệu đồng. Đây là nguồn lợi không rẫy lúa nào sánh được.

Anh Vi Văn Thắng ở bản Quyn (Quang Phong, Quế Phong) và cây nhân trần vừa thu hái.
Anh Vi Văn Thắng và cây nhân trần vừa thu hái.

Với riêng Vi Văn Thắng, anh ấp ủ làm cho nhiều người biết đến cây nhân trần Quang Phong, bảo tồn giống cây dược liệu và phát triển kinh tế bằng chính tiềm năng của mảnh đất này. Thắng cũng cho biết, anh đã từng trồng cây bon bo và một số loài cây trồng khác khi tìm kiếm hướng làm ăn cho gia đình mình, nhưng cuối cùng chỉ cây nhân trần là phù hợp hơn cả.

“Nhân trần bản Quyn không cần phải bón phân, phun thuốc, chỉ cần khoanh vùng, làm hàng rào ngăn trâu bò, vào mùa nắng nóng thì tưới nước” - Vi Văn Thắng chia sẻ. Và để tìm khách hàng cũng như quảng bá sản phẩm của mình, của bản Quyn, Thắng đã đưa từng bó nhân trần khô ký gửi bán tại những quán hàng trong xã, rồi đưa ra thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) cách đó hơn 30 cây số trao tận tay khách hàng. Tuy vậy, việc này cũng khiến Vi Văn Thắng lấy làm trăn trở. Rằng, đã đành cây nhân trần Quang Phong chưa có “đối thủ” cạnh tranh, nhưng vì chưa đủ lực nên vẫn phải loay hoay trong việc tiếp cận với người tiêu dùng.

Thực ra vào khoảng năm 2012, huyện Quế Phong đã từng có đề án bảo tồn, nhân rộng cây nhân trần ở xã Quang Phong nhưng vì nhiều lý do đã không thể thành công. Vào đầu năm nay cũng trong đề án bảo tồn, phát triển cây dược liệu tại địa phương này, cây nhân trần ở Quang Phong tiếp tục được đưa vào nhóm thực vật cần phát huy thế mạnh. Một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, chất lượng cây nhân trần ở Quang Phong đã được kiểm nghiệm và khẳng định qua thời gian; huyện cũng đang tìm cách để phát triển, nâng cao giá trị của loài cây này.

Chia tay anh Vi Văn Thắng với vườn nhân trần tím ngắt một màu hoa, chúng tôi trở ra con đường dốc chạy vắt qua bản Quyn. Đến đoạn thoải dốc, Trưởng bản Vi Văn Lái chợt dừng xe, 2 chân vẫn chống xuống đất, tay chỉ về một túp lều nhỏ nói với tôi: “Thực ra người gom trồng nhân trần đầu tiên ở bản Quyn là cụ bà Vi Thị Ngân. Trước đây khi cụ ông chưa qua đời, chính nhờ mảnh vườn nhân trần mà 2 cụ vẫn có cái ăn, cái mặc. Cụ ông mất, cụ Ngân về sống với con rồi. Nay may mà nhờ có bí thư Thắng làm được”. Ô! Đến giờ tôi mới biết, Vi Văn Thắng là Bí thư Chi bộ bản Quyn. Thêm ấn tượng với một bí thư chi bộ bản “tay làm” thật nhiều việc!...

Đào Tuấn - Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cây nhân trần ở bản Quyn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO