Chấn thương - nỗi ám ảnh không chỉ với Văn Đức, Trọng Hoàng

Phú Châu 17/03/2022 10:13

(Baonghean.vn) - Thông tin về việc tiền vệ Văn Đức được HLV Park cho phép trở lại CLB dưỡng thương, bỏ lỡ 2 trận đấu cuối cùng Vòng loại thứ 3 World Cup với ĐT Oman và ĐT Nhật Bản là một thông tin gây lo lắng cho nhiều người về hành trình tới đây của đội tuyển.

Trước đó, trường hợp chấn thương của các trung vệ Tiến Dũng hay Đình Trọng cũng đã buộc ông thầy người Hàn Quốc phải bấm bụng gạch tên các nhân tố quan trọng này. Rõ ràng, đây có vẻ không phải là câu chuyện riêng biệt của một vài cá nhân, mà trở thành “duộc” rất đáng nói, sau khi những ngôi sao này đã “chiến đấu” hết mình trong suốt một thời gian dài tập trung và thi đấu với cường độ cực cao và đến lúc nhận được câu trả lời của… cơ thể, của sức khỏe từng người?

Phan Văn Đức buộc phải chia tay ĐT Việt Nam trước thềm 2 trận đấu với Oman cùng Nhật Bản. Ảnh: VFF

Ngược dòng thời gian, chúng ta cũng sẽ có câu trả lời tương tự sau chiến dịch thi đấu cực kỳ thăng hoa của U23 Việt Nam tại Thường Châu 2018. Sau màn thể hiện kỳ diệu đó, U23 Việt Nam lần lượt gánh chịu tình trạng chấn thương, thậm chí kéo dài của Đình Trọng, Văn Hậu, Văn Đức, Xuân Mạnh, Duy Mạnh…Tất nhiên, không chỉ vì chiến dịch Thường Châu mà cả nhiều đợt tập trung, thi đấu khác, kể cả thi đấu trong nước, bóng đá Việt sớm mất đi vị trí hậu vệ biên tấn công Văn Hậu và chưa biết lúc nào ngôi sao này mới trở lại? Hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam cùng như Hà Nội FC mất đi vị trí trung vệ của Đình Trọng, một người luôn vào trận với cái đầu tỉnh táo, xử lý khôn ngoan, hiệu quả trước mọi tình huống.

Sau thời kỳ Thường Châu, ở SLNA lần lượt Văn Đức, Xuân Mạnh gặp chấn thương (tất nhiên có lỗi của cả đội chủ quản SLNA) để rồi sau đó cả 2 tuyển thủ đều rất khó khăn trong việc tìm lại phong độ vốn có. Văn Đức dù được ông Park Hang-seo rất cưng chiều, nhưng dư luận thì tuyệt đối không để, rồi Văn Đức hết sức lận đận trong suốt thời gian thi đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup. Bàn thắng tuyệt hảo trong trận gặp ĐT Trung Quốc có thể đã lấy lại vị thế vốn có của anh, nhưng nên nhớ thời điểm đó Văn Đức chỉ được vào sân từ ghế dự bị và đang tụt sâu xuống đáy của sự thất vọng.

Khi V. League 2022 diễn ra, đến trận đấu ở vòng 4 Văn Đức mới thực sự chơi tốt với bàn thắng để đời vào lưới HAGL. Nhưng gần như sau đó ít phút, Văn Đức phải rời sân và sự thể câu chuyện dẫn đến điều gì hiện nay thì ai cũng rõ?

Phan Văn Đức chia tay ĐT Việt Nam vì chấn thương.

Xuân Mạnh cũng vậy, sau bàn thắng mở hàng mùa giải trong trận gặp HAGL là… ốm và trận sau chỉ vào sân từ ghế dự bị. Khi được gọi vớt lên ĐT Việt Nam, Xuân Mạnh nói chung không được bố trí chơi đúng sở trường mà như một trường hợp thế chân khi cần nên rất khó để phát huy hết phong độ cũng như thế mạnh vốn có. Mùa giải này ở SLNA tiền vệ này cũng lại được giao trái sở trường, dù rất cố gắng nhưng vẫn không lọt vào “mắt xanh” của ông thầy Hàn Quốc, kể cả việc loại một số cầu thủ chấn thương hay xuống phong độ, vẫn không hề thấy tên Xuân Mạnh ở đâu?

Tất nhiên, không ai đổ lỗi cho ông Park Hang-seo, bởi đó là yêu cầu bắt buộc của bóng đá đỉnh cao. Nhưng giá như ông Park Hang-seo đừng cố tin, cố gọi bằng được những cầu thủ chưa lành chấn thương lên tuyển, chờ đợi bằng được mà không chịu thay thế để rồi sau đó gánh chịu những hậu quả không thể đong đếm. Trường hợp Trọng Hoàng là minh chứng thuyết phục nhất, không kém một phân là Đình Trọng, Văn Hậu? Phải chăng chính ông Park Hang-seo cũng tự rút ra những bài học nhãn tiền nên đợt tập trung này đã không cố giữ lại Tiến Dũng hay Văn Đức mà cho họ về sớm khi mọi việc còn trong tầm với, để thay thế bằng những nhân tố mới trong quá trình làm lại, làm mới lâu nay?

Việc “đóng khung” đội hình, chỉ tin cậy vào một số lượng cầu thủ nhất định dường như cũng phải đón nhận hậu quả không tránh khỏi. Phải liên tục cày ải ở những trận đấu khó khăn, đối thủ trên tầm đòi hỏi các tuyển thủ phải cố gắng hết mức, y học gọi là “gắng sức” thì đương nhiên điều gì đến sẽ đến. Thành công nào cũng có “giá” của nó là vậy, vấn đề là trả giá đắt hay quá đắt, giá rẻ hay quá rẻ, giá mềm chấp nhận được hay không mà thôi?

Xuân Mạnh trong buổi tập của SLNA mới đây. Ảnh: Đức Anh

Câu chuyện cũng liên quan đến cả các đội bóng chủ quản của các tuyển thủ quốc gia. Rõ ràng đó là những trụ cột của đội bóng, cần được sử dụng một cách hiệu quả nhất để họ đóng góp được nhiều nhất có thể. Phải chăng, chính CLB cũng nên “lắng nghe” tình trạng thể lực, quá trình hồi phục của từng người và chính cầu thủ cũng nên “lắng nghe” cơ thể để thực hiện chế độ luyện tập, thi đấu sao cho phù hợp, hiệu quả. Ở đây, không chỉ chuyện tình cảm chung chung mà thực ra là chuyện lý trí, khoa học, cụ thể là y học thể thao.

Sau mỗi kỳ chấn thương và hồi phục, không ai dám chắc mọi việc sẽ trở lại như cũ, thậm chí rất nhiều người gần như “mất hút” sau đó. Hy vọng mỗi một “ngày đàng” bóng đá Việt ngày càng rút ra được nhừng “sàng khôn” cần thiết, vượt qua mọi nỗi ám ảnh để nuôi quân, giữ quân và dụng quân một cách hiệu quả nhất, khoa học nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào./.

Mới nhất
x
x
Chấn thương - nỗi ám ảnh không chỉ với Văn Đức, Trọng Hoàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO