Chàng trai giúp đồi hoang Hầm 7 hồi sinh
(Baonghean.vn) - Sau gần một tiếng vượt qua những con dốc khúc khuỷu dẫn về xóm 1 (xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ), chúng tôi mới có mặt tại trang trại của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Cường. Không giấu được niềm tự hào, Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Kỳ Hoàng Thị Trang tự hào chia sẻ: “Sở hữu mô hình kinh tế rộng gần 9 ha, Cường là điểm sáng đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp tại địa phương”.
Căn nhà 5 gian của Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1990) nằm lọt thỏm giữa bao la núi đồi, xung quanh là màu xanh hút mắt của hơn 4 ha keo, 3 ha cây ăn quả, nuôi cá của gia đình tại vùng đồi hoang có tên Hầm 7, xóm 1, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ. Nâng niu những chùm bưởi da xanh đơm trái lúc lỉu đầu mùa, Cường chậm rãi kể lại quãng thời gian “khai sơn khởi thủy” ở xứ Hầm 7 này.
Trang trại của đoàn viên Nguyễn Văn Cường tại xóm 1,xã Nghĩa Bình (huyện Tân Kỳ). Ảnh: Thanh Quỳnh |
Là cử nhân chuyên ngành Cơ khí của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, thời điểm Cường tốt nghiệp năm 2012 thì Hầm 7 vẫn còn là mảnh đồi xác xơ, nằm sâu trong những khu rừng hoang hóa, người dân đã quen cảnh không điện, không đường. Dù mang trong mình khát khao vực dậy kinh tế của gia đình, nhưng trong tay không một đồng vốn buộc chàng thanh niên phải chọn con đường xuất khẩu lao động. Sau 3 năm bôn ba xứ người, Cường trở về quê và dùng toàn bộ số tiền dành dụm được để cải tạo đất đồi để tiến hành đào ao thả cá.
Giống cá rô phi đơn tính được Cường chọn nuôi xem ra đã không mang về kết quả như mong muốn bởi thị trường không đón đợi, giá bán thấp trong khi chi phí thức ăn, thuê nhân công lại quá cao. Vì thiếu kinh nghiệm, năm đầu tiên Cường chấp nhận hòa vốn.
Sau thất bại đầu tiên, Cường bắt đầu tìm hiểu thị trường, liên kết với các đầu mối tiêu thụ và nghiên cứu kỹ thuật để tiến hành xây dựng mô hình nuôi cá trắm cỏ. Sau 7 tháng chăm sóc, vụ cá đầu tiên cho gần 2 tấn thành phẩm. Cá bán được giá, tư thương đến tận ao nhập hàng trong khi chi phí thức ăn giảm gần 50% do tận dụng được nguồn cỏ tự nhiên đã mang về thắng lợi đầu tiên sau 2 năm khởi nghiệp.
Số tiền lãi thu được Cường tiếp tục cải tạo đất đai để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình này dần đi vào bế tắc khi đất đồi Hầm 7 luôn thiếu nước vào mùa khô nhưng lại dư nước vào mùa mưa. Mùa mưa, nước khe dâng tràn gần khiến vùng đất này trở nên biệt lập. Con đường dài hơn 1km dẫn từ trang trại đến trung tâm xóm lại là lối mòn nhấp nhô, trơn trượt. Để vận chuyển được cây giống, phân bón ra, vào trang trại, Cường phải thuê nhân công và trực tiếp gánh gồng nhiều ngày liền.
Trang trại được trang bị hệ thống tưới tiêu hiện đại để tránh khô hạn cho cây ăn quả vào mùa nắng. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Qua nhiều trăn trở, Cường quyết định vận động 4 hộ ven đồi cùng mình khai quang bụi rậm, tiến hành đào đất, san lấp con đường rộng gần 1,5m, dài gần 1km dẫn vào khu trồng trọt. Cùng với hệ thống điện, máy bơm và hệ thống tưới tiêu được đầu tư bài bản, diện tích đất cằn cỗi ngày nào đã dần được hồi sinh.
Sự táo bạo và kiên trì của Cường sớm giúp cho 500 gốc bưởi, 150 gốc mít và hơn 100 gốc xoài bén rễ và đơm hoa, kết trái khiến nhiều bà con Hầm 7 giật mình. “Hóa ra những con đồi ở đây không “bạc” như người ta vẫn nghĩ. Đất xấu, nông dân phải chịu cảnh nghèo khó là do bản thân không biết cách cải tạo đất, “bắt” đất làm giàu. Sau thành công từ trang trại của Cường, nhiều bà con và đoàn viên, thanh niên trong xóm đã không còn ôm mộng đổi đời ở nơi xa xứ.
Không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm của mình, Nguyễn Văn Cường đã dẫn dắt nhiều đoàn viên, thanh niên trẻ trong vùng cùng mình vượt khó bám đất làm giàu. Nhiều trang trại, gia trại hình thành và bắt đầu cho những “trái ngọt” đầu tiên đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây” - ông Phan Văn Hòa - Xóm trưởng xóm 1 vui vẻ cho hay.
Thành công của chàng trai Nguyễn Văn Cường đã tiếp lửa cho tuổi trẻ Nghĩa Bình nói riêng, huyện Tân Kỳ nói chung trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Giờ đây, sau gần 7 năm “ăn sương, nằm gió” để mang lại màu xanh cho xứ Hầm 7, gia đình Nguyễn Văn Cường còn tiến hành mở rộng diện tích keo lên tới gần 4 ha và hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà với tổng đàn lên tới 2.500 con.
Với tổng diện tích gần 9ha, trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt của Cường đã mang về nguồn thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đó là tín hiệu đáng mừng để thúc đẩy thế hệ trẻ khai phá tiềm năng vùng Nghĩa Bình, góp phần nâng cao kinh tế hộ, làm thay đổi bộ mặt của làng quê.
Từ kinh nghiệm, uy tín của mình, Nguyễn Văn Cường đã được đoàn viên thanh niên địa phương bầu làm Chủ nhiệm CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ.
Đề cập đến phong trào lập thân, lập nghiệp tại địa phương, Bí thư Huyện đoàn Tân Kỳ Nguyễn Mạnh Phong cho biết: Hiện toàn huyện có hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên, trong đó có 83 mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Cùng đó, tuổi trẻ Tân Kỳ đã thành lập 1 câu lạc bộ kinh tế cấp huyện có tổng số 30 thành viên và 5 câu lạc bộ cấp xã với 10 thành viên mỗi câu lạc bộ. Các câu lạc bộ đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phong trào lập thân, lập nghiệp của địa phương ngày càng sôi động, hiệu quả.