Nông dân Nghệ An 'biến' ao tôm kém hiệu quả thành ao cá đặc sản

Thanh Phúc 07/01/2024 11:51

(Baonghean.vn) - Những ao đầm nhiễm mặn, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp khiến nhiều vùng nuôi tôm để hoang hoá trong thời gian dài. Để tránh lãng phí ao nuôi, nhiều nông dân ở Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đã mạnh dạn chuyển sang nuôi các loại cá đặc sản.

bna-1-850.jpg
Đầu tháng 1/2024, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã đi kiểm tra các mô hình nuôi cá mú, cá chim vây vàng thay thế các ao tôm kém hiệu quả. Ảnh: Thanh Phúc

Gắn bó với con tôm thẻ chân trắng hàng chục năm nay nhưng 3 năm gần đây, nguồn nước nhiễm mặn, môi trường nuôi ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm hoành hành khiến gia đình ông Trần Văn Hoè (xóm Hồng Phong, xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu) thua lỗ nặng. 5 ao tôm với diện tích 1,5ha đành bỏ hoang 3 ao, chỉ còn duy trì 2 ao.

“Ao để không cũng lãng phí nên sau khi học hỏi, tham khảo một số mô hình ở các tỉnh khác, nhận thấy nuôi cá chim trắng vây vàng trong ao tôm khá hiệu quả nên tôi đã đặt mua giống từ Nha Trang về nuôi thử nghiệm. Trên diện tích ao 2.000m2, tôi thả 4.000 con cá chim trắng vây vàng. Sau 6 tháng nuôi thử nghiệm, nay cá đạt trọng lượng 400-500g/con, đến Tết này thì xuất bán”, ông Hoè chia sẻ.

bna-6-8913.jpg
Ông Trần Văn Hoè, một hộ dân tiên phong chuyển sang nuôi cá chim trắng vây vàng trong ao đất nuôi tôm trước đây. Ảnh: Thanh Phúc

Trước ông Hoè thì ông Hoàng Văn Tự cùng xóm đã nuôi thử nghiệm lứa cá đầu tiên và đã thu hoạch, bán cho thương lái. Theo tính toán, mặc dù lứa cá nuôi thử nghiệm nhưng cá sinh trưởng tốt, sạch bệnh, chi phí đầu tư không quá cao và cho lợi nhuận khá.

“So với cá hồng mỹ, cá chẽm, cá mú thì cá chim trắng vây vàng có nhiều ưu điểm vượt trội. Trong khi các loài cá khác phải đạt trọng lượng trên 1 kg mới cho chất lượng thịt ngon và xuất bán thì cá chim trắng vây vàng chỉ cần trên 0,3 kg/con đã cho chất lượng thịt đảm bảo để bán ra thị trường và được nhiều người ưa chuộng”, ông Hoè cho biết thêm.

bna-4-4077.jpg
Nuôi cá mú trong ao lót bạt ở Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Thanh Phúc

Đặc biệt, cá chim trắng vây vàng có thể nuôi cùng tôm hoặc nuôi xen vụ với tôm trên cùng diện tích ao nuôi. Ông Hồ Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND xã An Hoà (Quỳnh Lưu) cho biết: “Hiện, trên địa bàn xã đã có 2 hộ tiên phong nuôi thử nghiệm; 1 hộ đã thu hoạch và xuất bán. Ngoài đặc tính dễ nuôi, ít bệnh, ít rủi ro thì đầu ra cho cá chim trắng vây vàng rất tốt, thương lái thu mua tận ao với giá cao.

Theo tìm hiểu, cá chim có thể nuôi chung với tôm thẻ hoặc nuôi xen vụ. Từ mô hình thử nghiệm của 2 hộ, địa phương sẽ đánh giá hiệu quả để mở rộng đối tượng nuôi thay thế các ao tôm kém hiệu quả”.

bna-c-1274.jpg
Sau 3 tháng nuôi, con cá mú sinh trưởng tốt. Ảnh: Thanh Phúc

Ở phường Quỳnh Dị (TX.Hoàng Mai), ông Nguyễn Hồng Cương là người tiên phong đưa con cá mú vào nuôi thử nghiệm trong các ao lót bạt dùng để nuôi tôm trước đây.

Ông Cương cho biết, tháng 8/2023, ông nhập 30.000 con cá mú từ Indonesia về nuôi thử nghiệm trong ao đất nuôi tôm. Thấy cá phù hợp với môi trường nước, với khí hậu và sinh trưởng tốt nên đã nhập về 1 triệu con cá mú giống để ương nuôi. Đến nay, sau hơn 3 tháng nuôi thử nghiệm, cho thấy cá mú là đối tượng nuôi phù hợp để thay thế con tôm thẻ chân trắng.

bna-3-8377.jpg
Thức ăn cho cá mú là các loại cá tạp, giá rẻ, dễ mua. Ảnh: Thanh Phúc

“Cá nuôi ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, đặc biệt, thức ăn chính là loại cá tạp nên tiết kiệm được chi phí nuôi. Trong khi đó, thịt cá mú có chất lượng dinh dưỡng và giá bán cao hơn (trung bình 220 ngàn đồng/kg, có lúc lên đến 270 - 280 ngàn đồng/kg). Đặc biệt, thị trường tiêu thụ rộng.

Hiện cá mú xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và bán các nhà hàng trong nước. Với giá cá mú hiện tại 265 ngàn đồng/kg loại 1, người nuôi lãi khá. Do đó, đây là đối tượng nuôi hiệu quả, dần thay thế các ao tôm kém hiệu quả. Hiện 1 triệu con cá mú giống của chúng tôi đã được nông dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đặt mua”, ông Nguyễn Hồng Cương cho biết.

bna-5-3921.jpg
Ương nuôi cá mú giống ở phường Quỳnh Dị (Thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Thanh Phúc

Hiện nay, ở các vùng nuôi tôm ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai diện tích bỏ hoang khá nhiều. Một phần do nguồn tôm giống hiện nay không đảm bảo, thêm vào đó, do biến đổi khí hậu nên nắng mưa thất thường, người nuôi tôm luôn đứng trước sự lựa chọn “đánh bạc với trời”.

Đặc biệt, môi trường ngày càng không đảm bảo để tôm nuôi phát triển bình thường, trong khi đó, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa triển khai trên diện rộng do chi phí đầu tư cao.

Do đó, để không lãng phí diện tích ao nuôi, đòi hỏi người nuôi tôm phải mạnh dạn chuyển đổi đối tượng nuôi mới. Trước mắt, cá mú, cá chim trắng vây vàng là 2 đối tượng nuôi bước đầu cho hiệu quả khả quan.

bna-tom-bo-hoang-5286.jpg
Khó khăn về con giống, môi trường nuôi ô nhiễm khiến nhiều diện tích nuôi tôm phải bỏ hoang. Việc thay thế đối tượng nuôi mới là cần thiết. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy nhiên, người dân cần lưu ý về việc lựa chọn con giống chất lượng sạch bệnh; nắm chắc kỹ thuật nuôi và tìm hiểu kỹ thị trường. Không nên đầu tư ồ ạt, các địa phương cần thử nghiệm, đánh giá kỹ rồi mới nhân ra diện rộng./.

Mới nhất

x
Nông dân Nghệ An 'biến' ao tôm kém hiệu quả thành ao cá đặc sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO