Châu Âu yêu cầu Nga có bước đi cụ thể hạ nhiệt căng thẳng quanh vấn đề Ukraine
Nguyên thủ hai quốc gia Đức và Tây Ban Nha ra tuyên bố kêu gọi châu Âu cần đoàn kết yêu cầu Nga thực hiện các bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng hiện nay quanh vấn đề Ukraine.
Nguyên thủ hai quốc gia Đức và Tây Ban Nha ngày 17/1 ra tuyên bố kêu gọi châu Âu cần đoàn kết yêu cầu Nga thực hiện các bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng hiện nay quanh vấn đề Ukraine, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao đang tiếp tục được triển khai dồn dập để loại bỏ nguy cơ một cuộc chiến tranh tổng lực tại cửa ngõ châu Âu.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Đức và Tây Ban Nha. |
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 17/1 có chuyến thăm chính thức đến Tây Ban Nha và đã thảo luận với Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez về những chủ đề lớn của khu vực, trong đó trọng tâm là căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa các nước phương Tây với Nga và nguy cơ xung đột quân sự bùng phát ở biên giới giữa Nga và Ukraine.
Phát biểu trước báo giới tại Thủ đô Madrid, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định, nguy cơ bất ổn an ninh tại châu Âu đang tiếp tục dâng cao mỗi ngày sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và các nước phương Tây, bao gồm Mỹ và các quốc gia thành viên NATO vào tuần trước đã kết thúc trong bế tắc và châu Âu cần khẩn cấp yêu cầu Nga thực thi các bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
“Chúng tôi đã thảo luận về các cuộc khủng hoảng ở các khu vực lân cận châu Âu và việc này có liên quan rất lớn đến tình hình ở biên giới Ukraine. Chúng tôi cực kỳ lo ngại vì tình hình hiện tại là hết sức nghiêm trọng. Không có cách nào khác để diễn tả tình hình hiện nay. Do đó điều quan trọng là châu Âu cần đề nghị các bước đi rõ ràng từ phía Nga để hạ nhiệt căng thẳng. Việc của chúng tôi là làm tất cả những gì có thể để đảm bảo tránh được xung đột bởi nếu không thì kết cục là tất cả các bên đều sẽ gánh chịu hậu quả”.
Cùng thời điểm ông Olaf Scholz thăm Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock cũng đã có chuyến thăm đến Ukraine để gặp gỡ các lãnh đạo Ukraine và thảo luận về tình hình căng thẳng hiện nay trong quan hệ với Nga. Tại Thủ đô Kiev, bà Annalena Baerbock tiếp tục nhắc lại lời cảnh báo rằng Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng về chính trị và kinh tế nếu có hành động quân sự với Ukraine.Từ nhiều tuần qua, các nước phương Tây đã nhiều lần đe dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế “chưa từng có” nhằm vào Nga nếu Nga tấn công quân sự Ukraine. Một trong các biện pháp đó có thể sẽ là việc Đức hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 10 tỷ USD, vận chuyển trực tiếp khí đốt từ Nga sang Đức. Hiện tại, các nước châu Âu cũng như chính nội bộ chính phủ liên minh tại Đức vẫn đang tranh cãi về kịch bản trừng phạt này.
Trong lúc này, báo chí châu Âu đưa tin Nga tiếp tục dồn quân và khí tài quân sự về biên giới giữa Nga và Ukraine, đồng thời điều động quân sang tập trận tại nước láng giềng Belarus, làm gia tăng lo ngại về việc sẽ xảy ra kịch bản xung đột quân sự với Ukraine./.