'Chém' đứt tình làng nghĩa xóm từ...chén rượu được rót không đều!
(Baonghean.vn) - Chỉ vì chén rượu được rót không đều nhau, hai người đàn ông xảy ra lời nói qua lại. Bức xúc hành động tục tĩu của hàng xóm, Lữ Văn Tường dùng dao chém nhiều nhát vào đầu và người nạn nhân. Người hàng xóm không chết nhưng di chứng nặng nề theo hết phần đời còn lại, còn Tường phải ngồi tù. Hai người phụ nữ bỗng dưng phải đứng ra cáng đáng gánh nặng gia đình.
Đổ máu vì rượu chén đầy chén vơi
Bản Tặm, xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) vốn yên bình, người dân chăm chỉ làm lụng. Thỉnh thoảng có việc gì, anh em trong bản thường tụ tập lại giúp nhau. Xong công việc, cánh đàn ông thường khề khà bên mâm rượu, không ai ngờ có ngày cuộc nhậu là căn nguyên dẫn đến đổ máu giữa 2 người vốn coi nhau như anh em.
Trưa ngày 30/9/2019, một nhóm đàn ông bản Tặm tổ chức uống rượu. Những chén rượu được rót đầy, sau mỗi lần cạn ly là những cái bắt tay tỏ tình đoàn kết. Khi sang chai rượu thứ 4, nhiều người đã bắt đầu ngấm hơi men. Lúc này, từ “đồng khởi”, những người trong cuộc nhậu chuyển sang chúc riêng.
Bị cáo Lữ Văn Tường. Ảnh: Như Bình |
Mâu thuẫn cũng bắt đầu nảy sinh khi Lữ Văn Tường rót rượu mời Hà Văn Ngọc. “Rót thì rót cho đều, răng chén của chú lưng mà chén của anh đầy rứa. Uống cho bằng nhau, có say thì say cùng nhau. Rót thế này là không được”, Ngọc lên tiếng. Thay vì rót thêm rượu vào chén mình cho đầy thì Lữ Văn Tường cũng nóng mặt, bảo anh Ngọc “không uống thì thôi”. Thấy tình hình có vẻ căng, những người trong mâm rượu quyết định dừng bữa nhậu, ai về nhà nấy.
Chấp nhặt nhau từng chén rượu, anh Hà Văn Ngọc trở thành người tàn phế. Ảnh: Như Bình |
Khi Tường vừa bước xuống dưới đất thì anh Ngọc đứng trên nhà sàn, thò cổ qua cửa sổ tuyên bố “Tau không anh em chi với cái loại nhà bây nữa” và có hành động tục tĩu. Tức mắt trước hành động của Ngọc, Tường chạy ngược lên nhà, tiện tay cầm theo con dao dựng bên vách. Thấy Tường cầm dao chạy lên, Ngọc đứng trên đầu cầu thang vung tay nhưng cú đấm hụt khiến người đàn ông này lỡ đà.
Ngay lập tức, Lữ Văn Tường vung dao chém liên tiếp vào đầu, vào người Ngọc. Sự việc xảy ra quá nhanh khiến những người ở đó không kịp can ngăn. Chỉ khi Tường và Ngọc vật lộn, ngã xuống cầu thang, các nhân chứng mới kịp chạy vào kéo Tường ra. Anh Ngọc được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương đầu, mặt, tay.
Nát tình làng xóm, khánh kiệt gia sản
Cú chém vào vùng đầu khiến anh Ngọc bị chấn thương sọ não, bất tỉnh cả tháng trời. Khi tỉnh lại cũng là khi người đàn ông sống bằng nghề mộc bàng hoàng bởi cánh tay trái đã gần như mất khả năng lao động. Sức khỏe giảm sút nghiêm trọng do di chứng chấn thương, từ chỗ trụ cột gia đình, anh Ngọc trở thành gánh nặng của vợ con. Hai tháng trời anh Ngọc nằm viện, tiêu tốn gần 100 triệu đồng, gia cảnh vốn không khá giả gì lại càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, vì cảnh nghèo, Lữ Văn Tường quyết định lấy một người phụ nữ hơn mình gần nửa con giáp và chấp nhận ở rể. Khi đứa con chào đời, hai vợ chồng quyết định ra ở riêng. Ngoài căn nhà bé xíu xập xệ và vài thước ruộng thì hầu như vợ chồng Tường không có gia sản gì đáng giá.
Vợ bị cáo Lữ Văn Tường lo lắng trước gánh nặng nợ nần từ tội lỗi của chồng. Ảnh: Như Bình |
“Bình thường anh Tường ai thuê chi thì làm, còn tôi đi bóc vỏ keo ở xã bên. Bữa đó đang ở trong rừng thì có người gọi bảo chồng mi chém người ta, về mà lo. Chạy về đến nơi thì anh Ngọc được đưa đi cấp cứu rồi. Đến tối chồng tôi đi đầu thú, tôi vay mượn được 2 triệu đồng đến bệnh viện để chăm sóc anh Ngọc”, chị vợ của Lữ Văn Tường kể. Sau khi mua cho anh Ngọc một vài vật dụng, chị mời người thân anh này đi ăn bát phở gọi là thể hiện sự quan tâm, mong người ta thông cảm cho hoàn cảnh của mình. Lần đầu tiên người đàn bà ấy dám ăn một bát phở ở thành phố nơi cổng bệnh viện trị giá 25 nghìn đồng...
“Sau này tôi có đưa thêm cho vợ anh Ngọc 9 trăm nghìn nữa. Quả thật tôi không dư ra lấy một đồng chứ không phải không muốn giúp chồng khắc phục hậu quả. Gần 3 triệu ấy cũng vay mượn cả”, vợ Lữ Văn Tường phân trần. Hôm nay tòa xử nhưng chị xuống một mình bởi thêm một người đi là thêm một phần tốn kém. Người phụ nữ khốn khổ này cho biết chỉ gom góp được một ít tiền gửi cho chồng 300 nghìn tiền lưu ký thêm vào tiền ăn ngoài chế độ của trại giam. Chừng đó tiền gửi cho chồng 3 mẹ con cũng phải thắt lưng buộc bụng.
Giờ còn phải lo tiền bồi thường cho nhà người ta, chị không biết làm thế nào. “Chồng mình gây nên tội, mình phải đền bù thay, biết là thế nhưng không làm khác được. Không có tiền, tôi cũng không dám qua lại bên ấy vì sợ người ta đòi không có mà đưa”, chị nhìn người chồng trẻ như trách móc cơn nóng giận của anh đẩy 3 mẹ con vào cảnh khốn cùng này.
Anh Ngọc bị tổn hại 65% sức khỏe. Nạn nhân không chết nhưng hành vi dùng hung khí tác động vào vùng đầu, cổ người khác của Lữ Văn Tường đủ cấu thành tội “Giết người”. Tại phiên xử, Lữ Văn Tường thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng không nhận tội “Giết người” như cáo trạng của Viện KSND tỉnh truy tố. Theo cái lý của người đàn ông mù chữ này thì người chưa chết thì chưa thể gọi là phạm tội giết người được. “Anh Ngọc bị thương thì bị cáo chỉ bị tội Cố ý gây thương tích thôi chứ. Bị cáo không đồng ý với truy tố của Viện kiểm sát”, Lữ Văn Tường tranh luận tại phiên tòa. Phải mất khá nhiều thời gian giải thích nhưng HĐXX vẫn không thể thay đổi được nhận thức của bị cáo Tường đối với tội danh.
Với tư cách là người bị hại, anh Ngọc đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tường bản án thật nghiêm khắc, đồng thời buộc Tường phải bồi thường tổn thất về tinh thần, sức khỏe, chi phí điều trị do hậu quả việc làm của bị cáo gây ra.
“Trong vụ án này không phải là bị hại không có lỗi. Việc uống vài ba chén rượu với nhau cho vui không ai cấm nhưng uống đến mỗi người một chai, vừa hại sức khỏe vừa không kiểm soát được hành vi, vừa mất tình làng nghĩa xóm. Nhiều vụ án mạng cũng từ rượu mà ra. Bị hại là người lớn tuổi hơn, hành vi không chuẩn, khi người ta đã ra về rồi còn có lời nói, hành vi tục tĩu, vô văn hóa như thế để xảy ra cơ sự như bây giờ. Sự việc xảy ra, anh không chết là may mắn nhưng hậu quả để lại lâu dài, sức khỏe bị ảnh hưởng, mất khả năng lao động. Chỉ vì mấy giọt rượu hơn thua mà đẩy cả gia đình lâm vào cảnh khó khăn, bị hại thấy có đáng không?”. Nghe vị hội thẩm già phân tích lỗi của mình, Hà Văn Ngọc cúi đầu im lặng.
Từ hôm xảy ra chuyện, người vợ phải cáng đáng kinh tế cho gia đình, lại phải chạy vạy lo chi phí điều trị, gánh nặng kinh tế, gánh nặng gánh vác gia đình khiến chị già thêm cả chục tuổi. Mặc dù đã trải qua một đợt đại phẫu nhưng hiện anh Ngọc vẫn cần thực hiện một ca mổ ghép vỏ não nhưng chị vẫn chưa biết xoay đâu ra tiền. Nhìn gia cảnh vợ bị cáo Tường, chị biết số tiền bồi thường mà HĐXX sẽ tuyên không biết đến bao giờ mới nhận được, mà có khi cũng chẳng bao giờ nhận được để có thêm chi phí đi chữa trị tiếp cho chồng.
Bị cáo Lữ Văn Tường bị HĐXX tuyên phạt 12 năm tù cho tội “Giết người”. Ảnh: Như Bình |
Mặc dù bị cáo Lữ Văn Tường không đồng ý với tội danh Viện KSND tỉnh truy tố, nhưng căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu điều tra, lời khai của bị cáo, bị hại và các nhân chứng, HĐXX nhận định Viện KSND truy tố Lữ Văn Tường tội danh trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc anh Hà Văn Ngọc không chết là nằm ngoài ý chí chủ quan của bị cáo. Cân nhắc toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Lữ Văn Tường 12 năm tù, buộc bị cáo phải bồi thường chi phí điều trị, tổn hại tinh thần, sức khỏe cho anh Hà Văn Ngọc hơn 120 triệu đồng.
Hậu quả của rượu đối với gia đình bị cáo Lữ Văn Tường và bị hại Hà Văn Ngọc đã quá rõ ràng. Thế nhưng có lẽ, bài học nhãn tiền này không làm vắng bóng chai rượu ở nhiều bản làng vùng cao trong thời gian tới!