Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: Đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân
(Baonghean) - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV tháng 12/1976, Đảng ta đã nhận định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tinh thần thời sự sâu sắc".
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 kết thúc thắng lợi đã thực hiện trọn vẹn tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào". Đây là chiến dịch có những nét đặc sắc về tạo thời cơ, về cách đánh, về cường độ tiến công, về hợp đồng tác chiến, hợp đồng quân binh chủng, biểu hiện rõ nét của truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, biểu tượng cho trí tuệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh:Internet |
Đã 41 năm, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi, nhưng ý nghĩa to lớn, vĩ đại của nó vẫn còn mang tính thời sự về nghệ thuật chiến tranh nhân dân của dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm đánh giặc giữ nước và phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trước hết, đó là thắng lợi của lòng yêu nước, chí căm thù giặc với khí phách hiên ngang của một dân tộc Anh hùng được soi sáng bởi chân lý thời đại Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Mỗi người Việt Nam chúng ta khi tìm hiểu về lịch sử dân tộc, ai cũng biết rằng sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, hơn thế nữa đất nước bị chia cắt hai miền; miền Nam tiếp tục trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai, miền Bắc tuy hòa bình nhưng luôn hứng chịu bom đạn phá hoại của đế quốc Mỹ.
Đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men, vũ khí, đạn dược nhưng với lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc, nguyện hy sinh tất cả để giành trọn vẹn độc lập tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc Việt Nam đã làm nên một chiến thắng lẫy lừng, chấn động địa cầu.
Tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc được nung nấu của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Người luôn khẳng định quyết tâm giành độc lập, tự do và kiên quyết tổ chức thực hiện quyết tâm đó. Người từng nói "Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập". Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào xâm lược miền Nam và dùng không quân đánh phá miền Bắc, Hồ Chủ tịch khẳng định: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa…", "Không có gì quý hơn độc lập tự do…".
Trước khi đi xa, trong Di chúc, Người khẳng định: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn". Cùng với quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân miền Bắc hậu phương chính của chiến trường miền Nam cũng sục sôi tinh thần cao độ, với những khẩu hiệu vang lên "tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt"; "xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương"; "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"…
Mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Ảnh: Internet |
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử còn thể hiện rõ nét thắng lợi của trí tuệ, của tâm hồn, cốt cách và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Trí tuệ cách mạng ấy trước hết bắt nguồn từ đường lối khoa học và cách mạng của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương "kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện"; với tư duy quân sự đạt tới nghệ thuật: "kết hợp giữ gìn và phát triển lực lượng" với “tổng tiến công giành toàn thắng", "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", bám sát thực tiễn chiến trường, phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu của địch mà tìm ra cách đánh, địch co cụm ta phân tán; kết hợp ba thứ quân; nghệ thuật tác chiến đột phá lần lượt, liên tục, kết hợp với bao vây triệt phá đi đến đánh nhanh thắng nhanh.
Với cách đánh ấy đã đưa Chiến dịch Hồ Chí Minh trở thành một trận đánh mang đặc trưng riêng trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đưa trí tuệ Việt Nam, trí tuệ Hồ Chí Minh trở thành một trong những đỉnh cao của thế kỷ XX. Với cách đánh ấy, chúng ta đã buộc đế quốc Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam, ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng không điều kiện. Tính trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với hơn 50 ngày đêm thần tốc chiến đấu, ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn một triệu quân ngụy quyền, tiêu diệt hàng trăm máy bay, xe tăng, xe bọc thép của đế quốc Mỹ, xoá bỏ hoàn toàn chế độ thực dân mới của Mỹ đã ra sức xây dựng trong hơn 20 năm.
Nhân dân các vùng ven Sài Gòn tham gia đấu tranh chính trị - vũ trang góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet |
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử còn thể hiện tập trung nhất tinh thần của cuộc chiến tranh chính nghĩa thắng phi nghĩa. Nếu như thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân tàn bạo tụt dốc và tan rã, thì Chiến dịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định lại: Dù cho chủ nghĩa thực dân có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, sức mạnh lớn hơn, nhưng cuối cùng cũng bị thất bại bởi chân lý của chính nghĩa. Việt Nam có một nền văn hoá vững bền, có một học thuyết quân sự độc đáo đã được thử thách trong lịch sử. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử còn là hiện thân của cái đẹp, sự cao cả, cao thượng của dân tộc Việt Nam từ xa xưa.
Chính nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Mắc Namara, một trong những kiến trúc sư của chiến tranh xâm lược Việt Nam đã thừa nhận: "Thất bại của Mỹ ở chiến trường Việt Nam, là do Mỹ đánh Việt Nam mà không hiểu gì về lịch sử, địa lý, văn hoá, phong tục, tập quán, về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam nói chung và những người lãnh đạo Việt Nam nói riêng".
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. |
Nữ biệt động dẫn đường cho xe tăng quân giải phóng vào Sài Gòn. Ảnh: Internet |
Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm nói chung và kháng chiến chống Mỹ nói riêng, Nghệ An đều góp phần rất xứng đáng. Hàng ngàn người con ưu tú của quê hương Nghệ An đã lên đường nhập ngũ, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, và cũng hàng ngàn người nằm lại nơi chiến trường miền Nam hoặc để lại một phần xương máu.
Lịch sử Đảng bộ Nghệ An tập II nêu rõ: "Trên 2 thập kỷ (1954 - 1975), Đảng bộ Nghệ An đã quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược mà Trung ương Đảng đã vạch ra: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Nghệ An là tỉnh bắn rơi máy bay phản lực đầu tiên vào ngày 5/8/1964 và Vinh là thành phố đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi 100 máy bay Mỹ được Bác Hồ gửi thư khen ngày 14/9/1966".
Trong lao động sản xuất, ở hậu phương Nghệ An, nhân dân đã phát huy bản tính cần cù, hăng say lao động sản xuất, tạo khí thế mới, sản xuất thật nhiều của cải vật chất, lương thực, thực phẩm, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Kết quả đến năm 1972, Nghệ An đã có 6 huyện đạt năng suất 5 tấn/ha trên diện tích hai vụ lúa ổn định.
Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: Sỹ Minh |
Hiện nay, tiếp tục phát huy khí thế chiến thắng lẫy lừng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng truyền thống quê hương Nghệ An anh hùng bất khuất, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết 26- NQ/TW của Bộ Chính trị, xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ trên cơ sở tiếp tục thực hiện định hướng xây dựng 3 vùng kinh tế trọng điểm, với 5 trụ cột kinh tế đã xác định.
Để làm được điều đó, các cấp, các ngành cần nỗ lực thực hiện tốt kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội các cấp đã xây dựng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 -2020, trong đó chú trọng phát huy nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và công tác thông tin truyền thông; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của Nhà nước, sự phối hợp vào cuộc của hệ thống chính trị, tạo quyết tâm khí thế mới cho một Nghệ An phát triển bền vững.
Nguyễn Xuân Sơn
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy