Chờ đợi gì khi V-League 2021 trở lại?
Hà Nội FC tìm hy vọng hồi sinh, HLV Kiatisuk thể hiện ra sao khi HAGL tiếp Bình Định và Lee Nguyễn đẳng cấp mức nào... sẽ là những điểm nhấn khi V-League 2021 tái xuất tuần này.
Hà Nội (áo tím) đang gặp khó khăn lớn khi lối chơi thiếu đột biến, còn các đối thủ thì luôn chơi máu lửa nhất khi gặp họ. Ảnh: Lâm Thỏa |
Kỳ vọng là một chuyện, thực tế có khi phải cần thêm thời gian phân định thành - bại. Sau hơn 1 tháng được nghỉ ngơi, chắc chắn Hà Nội FC sẽ thay đổi so với những màn trình diễn thất vọng ở hai vòng đầu. Nhưng thay đổi theo chiều hướng nào, nhiều hay ít, là câu chuyện hoàn toàn khác. Sự ổn định của đội bóng này trong 5 năm qua là một con dao hai lưỡi.
Nắm trong tay lực lượng tốt nhất V-League, đã quen áp đặt lối chơi, lại vẫn do HLV Chu Đình Nghiêm dẫn dắt, khả năng thay đổi của Hà Nội FC rất hạn chế ở khía cạnh chiến thuật, cách tiếp cận trận đấu. Có chăng là họ đã được "làm tươi mới" bản thân, và có khát khao thi đấu hơn vì đang... đứng chót bảng. Lòng kiêu hãnh bị tổn thương là động lực rất cần lúc này cho một tập thể thừa mứa vinh quang như Hà Nội FC.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ khả năng hồi sinh của Hà Nội FC đâu chỉ ở bản thân họ. Họ vẫn luôn được đánh giá cao nhất, nên đối thủ nào đá với Hà Nội FC cũng sẽ chơi hơn 100% năng lực, hoặc sẽ bằng mọi cách không cho Hà Nội FC chiến thắng. Trong khi đó, theo thống kê qua 16 trận đã đấu, tỷ lệ ghi bàn trung bình của V-League chỉ mới 1,9 bàn mỗi trận. Có đến 6 trận kết thúc với tỷ số 1-0 và 2 trận có tỷ số hòa. Hiện có đến 10 đội chỉ mới để thủng lưới từ 1 đến 2 bàn. Bất ngờ là Hà Nội đang có tỷ lệ bàn thua cao nhất giải khi mới 2 trận đã thủng lưới đến 5 bàn, hơn cả Nam Định (6 bàn qua 3 trận).
Thế nên, cứ cho là các học trò của HLV Chu Đình Nghiêm sẽ có tiến bộ hơn trước kỳ nghỉ, chắc gì các đội khác sẽ đứng yên chịu trận. Như trận đấu hôm nay ở sân Lạch Tray, gặp chủ nhà Hải Phòng - đội chơi cố thủ, đá kiểu "chém đinh, chặt sắt" theo phong cách của HLV người Nghệ An Phạm Anh Tuấn, thì Hà Nội cũng chẳng dễ ghi bàn mà giành thắng lợi. Đấy là chưa nói, với ngôi đầu hiện tại, Hải Phòng có đủ động cơ để chỉ cần 1 điểm.
V-League đã thay đổi rất nhiều sau chức vô địch của Viettel mùa trước. Đó là nhà vô địch có tỷ lệ ghi bàn kém nhất 10 năm qua, kể từ sau mùa giải vô địch đầu tiên của Hà Nội T&T (2010). Trung bình Viettel chỉ ghi được 1,4 bàn mỗi trận, cho thấy yếu tố ghi bàn không mang ý nghĩa quyết định, nhất là với thể thức thi đấu hết sức khắc nghiệt đang áp dụng do yếu tố dịch bệnh. Nói cách khác, đa số đội bóng sẽ tập trung vào khâu phòng thủ, sẵn sàng từ bỏ nghĩa vụ cống hiến phục vụ khán giả để bảo toàn suất đá V-League mùa sau. Hà Nội muốn chiến thắng, phải gồng mình lên gấp đôi so với trước.
Chờ Hà Nội thay đổi đã khó, đợi các chuyển biến từ HAGL có vẻ còn khó hơn. Với những gì mà HLV Kiatisuk đã làm từ khi sang Việt Nam, có vẻ như ông không phải chịu áp lực gì về mặt thành tích. Thay vào đó, "Zico Thái" đóng vai "đại sứ thương mại" nhiều hơn. Như vậy, chưa bàn đến việc Kiatisuk vì bận bịu chuyện quảng cáo, không có nhiều thời gian cho chuyên môn, việc thiếu áp lực thành tích có lẽ vẫn tồn tại ở HAGL - một đội bóng vốn đã chệch hướng trong thi đấu nhiều năm qua.
Kiatisuk chưa để lại nhiều dấu ấn chuyên môn sau khi trở lại HAGL. Ảnh: Đức Đồng |
Bóng đá Thái Lan cũng như bản thân Kiatisuk vốn thành công, có đẳng cấp cao hơn các đội cùng Đông Nam Á khác, là nhờ yếu tố kỷ luật cũng như nỗ lực thay đổi mình. Nhưng cứ xem từ cầu thủ đến HLV của HAGL hiện đều "chân trong, chân ngoài", vừa đá bóng, vừa làm kinh doanh, thì không thụt lùi cũng đã là tốt rồi. Không có cơ sở nào cho thấy họ sẽ lột xác chỉ sau một hay hai tháng.
Nên nếu cần tìm một sự mới mẻ cả ở tập thể lẫn cá nhân, thì CLB TP HCM là một điểm đến đáng chú ý. Đội bóng này có Lee Nguyễn, người đã trễ hẹn vòng 1, ra sân ở vòng 2 mà không cần nhiều thời gian để hòa nhập nhưng vẫn thể hiện tốt. Quãng nghỉ vừa qua thực sự rất đáng giá. Nếu chúng ta đã xem cách mà "lão tướng" Daisuke Matsui đã trình diễn ở tuổi 40 trong màu áo Sài Gòn FC đến mức mà đội bóng này sẵn sàng chuyển đội trưởng Cao Văn Triền sang Nhật Bản, thì sẽ có cơ sở tin rằng Lee Nguyễn vốn chưa qua đỉnh cao, còn có thể làm tốt hơn rất nhiều.
Bóng đá ở cấp độ V-League đang thiếu ngôi sao lớn. Dàn cầu thủ của Hà Nội FC vốn chiếm tâm điểm suốt 3 năm qua, ít nhiều cũng gây ra sự nhàm chán ở khía cạnh cá nhân. Các ngoại binh dù chơi xuất sắc, đóng vai trò lớn, vẫn không được quan tâm nhiều. Lee Nguyễn là người có đủ yếu tố tạo ra một sự khác biệt ở khía cạnh cá nhân. Anh có đẳng cấp, là một Việt kiều, tố chất thủ lĩnh thì miễn bàn. Quan trọng hơn nữa, Lee Nguyễn gánh vác trách nhiệm mang đến vinh quang cho CLB TP HCM. Trong một mùa giải mà nhóm ứng viên đang có 4 đến 5 cái tên, thì TP HCM vẫn đang là ẩn số. Suốt 5 năm qua, đội bóng này được đầu tư rất nhiều nhưng kết quả vẫn chỉ là con số 0. Họ có đủ tiềm lực để đi đường xa, chỉ thiếu một chiến tích để định danh. Nếu Lee Nguyễn tỏa sáng theo kiểu ngôi sao "gánh team", CLB TP HCM sẽ có lợi, và V-League cũng sẽ có thêm màu sắc hấp dẫn hơn.