Chủ động tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện chương trình giảm nghèo, phát triển vùng dân tộc thiểu số

Mai Hoa 13/06/2023 18:31

(Baonghean.vn) - Tổ công tác của Quốc hội đề nghị các đơn vị ở Nghệ An chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: MH

Chiều ngày 13/6, tổ công tác của đoàn giám sát Quốc hội đã có cuộc làm việc với Ban Dân tộc tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An theo chương trình giám sát hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.

Tổ công tác của Quốc hội do đồng chí Trần Thị Thanh Lam - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, tổ trưởng tổ công tác làm trưởng đoàn.

Cùng tham gia cuộc làm việc có các đồng chí: Cao Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh.

Đồng chí Vi Văn Sơn - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An báo cáo với tổ công tác của Quốc hội về kết quả thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ảnh: MH

Chú trọng giải quyết các vấn đề cấp bách

Báo cáo với tổ công tác của Quốc hội, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn đã nêu rõ: đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An chiếm 83% diện tích tự nhiên và 41% dân số toàn tỉnh (riêng đồng bào dân tộc thiểu số gồm 47 dân tộc và chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt ở 4 huyện nghèo, 27 xã biên giới khó khăn; còn 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã.

Đồng chí Cao Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội yêu cầu làm rõ một số khó khăn trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: MH

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 của Quốc hội về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, Ban Dân tộc tỉnh được giao là Cơ quan Thường trực chương trình phối hợp cùng 8 sở, ngành và 12 huyện, thị xã triển khai thực hiện tại 131 xã. Nội dung triển khai gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư.

Kết quả phân bổ vốn chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Nghệ An tính đến ngày 30/5/2023 đạt gần 2.060 tỷ đồng, đạt 90,73% tổng kế hoạch vốn cả hai năm 2022 và 2023; giải ngân tổng vốn đầu tư phát triển gần 176.542 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 30 tỷ đồng.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã phân tích làm rõ nhiều khó khăn, bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Khó khăn nhất là hiện nay có quá nhiều đầu mối trong triển khai thực hiện; mỗi sở, ngành làm chủ đầu tư một dự án, trong khi đó sự phối hợp còn có những hạn chế. Mặt khác, có nhiều nội dung, tiểu dự án hiện chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để triển khai mà đang chờ các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị rà soát hộ nghèo đảm bảo thực chất, khắc phục tình trạng không muốn thoát nghèo để tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ (nếu có). Ảnh: MH

Một mặt tâm lý sợ sai trong cán bộ hiện nay cũng tác động đến tiến độ thực hiện chương trình, vẫn còn 8 dự án do các sở, huyện chủ trì chưa hoàn thành thủ tục đầu tư trình giao vốn theo quy định.

Chú trọng rà soát chính xác hộ nghèo

Liên quan đến Nghị quyết số 24 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai chỉ đạo; huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội vào cuộc.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ phát biểu tại cuộc làm việc.
Ảnh:MH

Thông qua thực hiện các dự án hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo và huy động nguồn xã hội hoá, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh năm 2022 tiếp tục giảm 1,39%; trong đó vùng miền núi giảm 2,45% và 4 huyện nghèo giảm 4,94%.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Văn Hoan phản ánh một số khó khăn trong thực hiện các dự án hỗ trợ thực hiện chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: MH

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn chương trình chậm, đạt tỷ lệ thấp; phần lớn các dự án, tiểu dự án đang trong quá trình triển khai, chưa xác định khối lượng cụ thể để thực hiện.

Tại cuộc làm việc, các thành viên tổ công tác của Quốc hội quan tâm đề xuất tỉnh nghiên cứu phương án tháo gỡ khó khăn cho các trường hợp nghèo không có sức lao động và dễ rơi vào nghèo “bền vững”.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Lam - Tổ trưởng tổ công tác đề nghị các sở, ban, ngành chủ động khắc phục và đề xuất Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đặt ra hiện nay. Ảnh: MH

Cùng với đó cần lưu ý rà soát hộ nghèo đảm bảo thực chất, khắc phục tình trạng không muốn thoát nghèo để tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ (nếu có); đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hạn chế, đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình, giải quyết các vấn đề cấp bách, nâng cao cuộc sống cho người dân, thúc đẩy giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai thực hiện, tổ công tác của Quốc hội cũng mong muốn các sở, ban, ngành của tỉnh chủ động khắc phục và đề xuất Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đặt ra hiện nay.

Chủ động tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện chương trình giảm nghèo, phát triển vùng dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO