Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về phẩm chất chính trị của nhà báo
(Baonghean.vn) - Năm 1959, nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí’’ và “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ’’.
Với vũ khí sắc bén đó, người làm báo có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biểu dương những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tốt, đấu tranh phê phán hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu Công ty truyền hình “Sóng điện Nhật Bản” và trả lời phỏng vấn ngày 28-5-1962 |
Người còn cụ thể hóa phẩm chất chính trị của một nhà báo gồm: Việc xác định đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là để phục vụ nhân dân. Nhà báo phải cùng đồng bào, đồng chí cả nước tận tâm, tận lực phấn đấu cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới.
Người làm báo chân chính có trách nhiệm với xã hội, trước hết phải là người vui với niềm vui của toàn Đảng, toàn dân, lo với nỗi lo chung trước mỗi thử thách, khó khăn của toàn xã hội. Nhà báo với tinh thần trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân, luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động, hào hùng của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước nguồn đề tài vô tận, những chất liệu mới sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, cổ vũ, nhân rộng cái đẹp, cái tích cực trong xã hội.
Bác Hồ với phóng viên báo chí. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng, vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình’’. Đại hội lần thứ ba của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng’’.
Như vậy, từ yêu cầu về phẩm chất chính trị, Người đã đề cập đến một yêu cầu quan trọng nữa, đó là đạo đức cách mạng của người làm báo. Người phê phán chủ nghĩa cá nhân, một biểu hiện đi ngược lại đạo đức cách mạng “Có người chỉ muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài báo cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra, họ không hiểu rằng: Làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang’’.
Nhà báo Bùi Đình Túy (ngoài cùng bên phải) được chụp ảnh chung với Bác Hồ. |
Lời nhắc nhở của Người đến nay vẫn còn nóng bỏng tính thời sự. Trong cơ chế thị trường, nhiều nhà báo bị lợi ích cá nhân chi phối, có những bài viết thiếu trách nhiệm, mang tính trục lợi hoặc đơn giản chỉ vì chạy theo sự nổi tiếng. Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo, điều mà đội ngũ báo chí nhắc nhở hôm nay phải chăng là một cách nói khác đi của khái niệm “lập trường chính trị vững chắc’’ mà Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập. Đó cũng chính là “đạo đức cách mạng là quét sạch chủ nghĩa cá nhân’’ để làm tốt nhiệm vụ của báo chí phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhà báo trước hết phải là cán bộ cách mạng, làm việc với ý thức giác ngộ cao, với tinh thần “đánh thắng khó khăn của người cách mạng’’.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người làm báo phải có lập trường vững chắc’’ và “Chính trị phải làm chủ - chính trị đúng thì việc gì cũng đúng’’ càng thấy quan điểm chính trị sâu sắc của Người. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, một lần nữa nhắc nhở nhà báo phải hết sức tỉnh táo, giữ vững lập trường chính trị và đạo đức cách mạng để làm tròn trách nhiệm xã hội cao quý của mình, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay.
Thái Bình (Tổng hợp)