Chủ tịch Trung Quốc thăm Tây Ban Nha: Củng cố sáng kiến “Vành đai, Con đường” tại châu Âu

Thúy Ngọc 27/11/2018 21:06

(Baonghean) - Ngày 28/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Tây Ban Nha nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Bên cạnh việc tăng cường mối quan hệ song phương trong các lĩnh vực thương mại, du lịch, giới phân tích cho rằng một mục tiêu không thể thiếu của Trung Quốc trong chuyến thăm này là củng cố sáng kiến “Vành đai, Con đường” tại châu Âu.

Cân bằng quan hệ kinh tế

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Tây Ban Nha lần này là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc trong vòng 13 năm qua. Theo lịch trình, ông Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội kiến nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI và hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Pedro Sanchez - người vừa nhậm chức hồi tháng 6 vừa qua.

Theo thông báo của phía Trung Quốc trước chuyến thăm, hai bên sẽ tập trung vào những dự án, chương trình nhằm thúc đẩy quan hệ và du lịch song phương.

Chủ tịch Tập Cận Bình mang theo trọng trách củng cố sáng kiến “Vành đai, Con đường” tại châu Âu.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Tập Cận Bình đưa theo đoàn tùy tùng gồm nhiều quan chức cấp cao trong hai lĩnh vực thương mại và du lịch - những người sẽ gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp, tổ chức lớn của Tây Ban Nha như Ngân hàng BBVA, Tập đoàn Viễn thông Telefonica, Tập đoàn Dầu khí Repsol.

Có một điều đáng lưu ý trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Tây Ban Nha là sự “đảo chiều” theo quá trình phát triển của lịch sử. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên bắt đầu từ khá sớm, khoảng những năm 1500.

Dù vậy, quan hệ này đã suy yếu trong giai đoạn thế kỷ 19 và mới chỉ được khôi phục thời gian gần đây. Đặc biệt trong vài năm qua, Tây Ban Nha đã tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, với thương mại, đầu tư và du lịch đã mở rộng đáng kể sau khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ tại châu Âu.

Nếu như trước kia, Tây Ban Nha là bên cung cấp cho Trung Quốc các khoản vay lớn để tạo điều kiện cho các công ty nước này tiếp cận thị trường Trung Quốc, thì giờ đây, dòng vốn đã “đảo ngược” với Trung Quốc là quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU) nắm giữ trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha lớn nhất.

Hiện có khoảng 600 công ty Tây Ban Nha đang hoạt động tại Trung Quốc, song chủ yếu là các công ty nhỏ. Trong khi đó, chỉ riêng trong năm 2016, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 1,7 tỷ euro vào Tây Ban Nha.

Các công ty của Trung Quốc còn mua lại hai công ty lớn của Tây Ban Nha là Aritex và Eptisa. Aritex tập trung vào hàng không, ô tô và năng lượng tái tạo, trong khi Eptisa có các dự án về công nghệ thông tin và hạ tầng giao thông, cho thấy mong muốn của Bắc Kinh là có được công nghệ cao phục vụ kế hoạch “Made in China 2025” và trở thành một cường quốc sản xuất công nghệ.

Trong lĩnh vực thương mại, cán cân hiện cũng đang nghiêng về phía Trung Quốc. Mặc dù xuất khẩu của Tây Ban Nha sang Trung Quốc trong năm 2017 vừa qua đã tăng tới 28,3%, song nước này vẫn nhập siêu 19,4 tỷ euro, tăng 2,3% so với năm trước đó. Vì vậy, để tiến tới cân bằng cán cân thương mại này, Trung Quốc đã cam kết mở cửa nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ của Tây Ban Nha trong thời gian tới.

Phía Trung Quốc hy vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm Tây Ban Nha chất lượng cao xuất hiện tại thị trường nội địa và hai bên có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, truyền thông 5G, phát triển thành phố thông minh, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học và công nghệ hàng không vũ trụ.

Trong lĩnh vực du lịch, Tây Ban Nha là điểm đến du lịch nổi tiếng thứ 2 trên thế giới sau Pháp, chào đón hơn 700.000 du khách Trung Quốc năm ngoái.

Du lịch là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng ở Tây Ban Nha, và việc thu hút tỷ lệ lớn hơn trong số hơn 130 triệu công dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài mỗi năm có thể mang lại lợi ích tài chính đáng kể trong ngắn hạn và dài hạn.

Củng cố “Vành đai, Con đường”

Dù không được thông báo một cách công khai trước chuyến đi, song giới phân tích cho rằng mục tiêu quan trọng hơn của Trung Quốc là tìm kiếm sự ủng hộ của Tây Ban Nha đối với sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc được xem là một dự án đầy tham vọng, thiết lập một tuyến thương mại có phạm vi toàn cầu. Dù vậy tại khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia tại Thái Bình Dương, các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến này do Trung Quốc tài trợ được cân nhắc rất kỹ lưỡng do lo ngại phát sinh “gánh nặng nợ nần”.

Trong khi đó ở châu Âu, nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cũng có quan điểm khá thận trọng khi tiếp nhận nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch sang các nước Nam và Đông Âu – những nước có quy mô nền kinh tế nhỏ hơn, trong đó có một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary…

Quan hệ Trung Quốc - Tây Ban Nha đạt nhiều tiến triển trong thời gian gần đây. Ảnh: Shutter Stock
Quan hệ Trung Quốc - Tây Ban Nha đạt nhiều tiến triển trong thời gian gần đây. Ảnh: Shutter Stock

Giới phân tích cho rằng, so với nước láng giềng Bồ Đào Nha, nguồn vốn đầu tư mà Trung Quốc đổ vào Tây Ban Nha đang nhỏ hơn rất nhiều. Vì vậy, Tây Ban Nha đang rất muốn thu hẹp khoảng cách này bằng cách xây dựng mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc.

Chưa kể, Tây Ban Nha là một trong số ít quốc gia đã ủng hộ sáng kiến “Vành đai, Con đường” kể từ khi mới ra đời với kỳ vọng đưa Tây Ban Nha trở thành một trung tâm thương mại trong số các quốc gia tham gia sáng kiến này.

Bên cạnh mong muốn chủ quan, còn có một thực tế khác khiến Tây Ban Nha không thể tách rời khỏi sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Đó là việc tháng 6/2017, Công ty vận tải biển COSCO của Trung Quốc đã mua phần lớn cổ phần tại Công ty Noatum Port Holdings, một công ty hậu cần và khai thác cảng tại Madrid với cổ phần chi phối 51%.

Như vậy, Trung Quốc có khả năng tham gia kiểm soát các cảng chính tại Tây Ban Nha như Valencia, Bilbao, Barcelona, đồng nghĩa với việc Tây Ban Nha mặc nhiên là một phần của “Vành đai, Con đường”.

Song điều mà ông Tập Cận Bình mong muốn nhiều hơn trong chuyến thăm này là sự cam kết chính thức từ phía Tây Ban Nha trong một văn bản mà truyền thông Tây Ban Nha đưa tin rằng nước này vẫn chưa gật đầu đồng ý.

Có một thực tế rằng, trong khi Chính phủ Tây Ban Nha tỏ ra sẵn sàng đón nhận những khoản đầu tư lớn của Trung Quốc thì công chúng nước này lại tỏ ra khá thận trọng.

Một cuộc thăm dò do Viện Nghiên cứu Hoàng gia Elcano tiến hành cho thấy, nhiều người dân Tây Ban Nha nhìn nhận tiêu cực về các nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Liên minh châu Âu mới đây đạt được đồng thuận về các quy tắc sàng lọc nguồn vốn đầu tư áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên nhằm ngăn chặn các giao dịch có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia cũng sẽ “gây khó” cho quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Tây Ban Nha.

Vì vậy, dù cả Trung Quốc và Tây Ban Nha đều coi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Tây Ban Nha là “điểm khởi đầu cho một chương mới trong quan hệ song phương”, song rõ ràng hai bên sẽ còn nhiều bài toán phải cân nhắc trong sự ràng buộc của các mối quan hệ quốc tế khác.

Mới nhất
x
Chủ tịch Trung Quốc thăm Tây Ban Nha: Củng cố sáng kiến “Vành đai, Con đường” tại châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO