Chú trọng xây dựng chuỗi liên kết trong nông nghiệp ở Nghĩa Đàn
(Baonghean.vn) - Cùng với khuyến khích nông dân phát triển kinh tế hộ theo hướng hàng hóa bền vững, các cấp, ngành huyện Nghĩa Đàn đang nỗ lực tìm kiếm, hỗ trợ xây dựng các mối liên kết chuỗi. Điều đó, kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất, tiêu thụ nông sản.
NHỮNG MÔ HÌNH THÀNH CÔNG
Được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân, tổ hợp tác trồng na hàng hóa với diện tích 8ha, ở xóm Sơn Mông, xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) được trang bị kiến thức và nâng cao năng lực về lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Quá trình đó, những kỹ năng về nắm bắt thị trường, hoạt động quảng bá sản phẩm, phát triển tổ hợp tác, tăng cường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh… được trang bị đến các thành viên tổ hợp tác.
Đến nay, tổ hợp tác trồng na ở xã Nghĩa Hiếu phát triển và hoạt động ổn định, các thành viên gắn bó với tổ hợp tác, cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây na theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ sản phẩm do các thành viên trong tổ hợp tác sản xuất ra đều được ký kết với các cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp an toàn theo “chuỗi giá trị”.
Trồng VietGAP ở xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn). Ảnh: Minh Thái |
Ông Hồ Minh Chính - Tổ trưởng tổ hợp tác liên kết trồng na, xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu cho biết: “Đến nay, nhiều thành viên đã có thu nhập cao từ cây na. Từ khi tổ hợp tác được thành lập, thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ và trao đổi hàng ngày, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, khi có vườn cây của hộ nào xuất hiện tình trạng sâu bệnh, thì ngay lập tức các thành viên trong tổ sẽ xuống tận nơi để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, phối hợp để phòng và chữa trị bệnh kịp thời”.
Do đất đai và khí hậu phù hợp nên cây ổi lê trồng ở 2 xã Nghĩa Sơn và Nghĩa Lâm sinh trưởng, phát triển tốt. Cây ổi đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Để cây ổi phát triển bền vững, Hợp tác xã sản xuất dịch vụ Nông nghiệp 19/5 được thành lập, với 35 thành viên là những hộ dân tham gia trồng ổi lê theo tiêu chuẩn VietGAP.
HTX dịch vụ Nông nghiệp 19/5 (Nghĩa Đàn) trao đổi với hộ sản xuất về chất lượng ổi. Ảnh: Minh Thái |
Bảo đảm sản phẩm an toàn theo cam kết, HTX kiểm soát chặt chẽ chất lượng, lấy mẫu kiểm tra đột xuất các lô hàng. Ông Lê Sỹ Định – Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp 19/5 cho biết: “Tuy thành lập chưa lâu, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của huyện Nghĩa Đàn, 2 xã Nghĩa Sơn và Nghĩa Lâm, HTX đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng và phát triển kênh phân phối chính thức và uy tín, hình thành một số cửa hàng nông sản an toàn… Sản phẩm ổi lê trên đất Nghĩa Đàn lâu nay được người tiêu dùng ưa chuộng, khi ổi có dán tem, nhãn truy xuất rõ nguồn gốc, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm”.
Ổi tại HTX dịch vụ nông nghiệp 19/5 được dán tem và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Minh Thái |
Xã Nghĩa Thịnh được đánh giá là một trong những địa phương triển khai vụ đông xuân tốt nhất của huyện Nghĩa Đàn. Năm 2021, Nghĩa Thịnh trồng trên 70 ha ngô, chủ yếu là giống ngô lai HN88. Để bao tiêu sản phẩm, chính quyền xã Nghĩa Thịnh cũng đã ký kết hợp đồng bán ngô nguyên liệu cho Công ty cổ phần sữa TH, giá thu mua năm nay với mức giá 890.000 đồng/tấn. Một năm, có thể trồng 2 -3 vụ ngô sinh khối, mỗi ha cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Vụ ngô đông xuân năm nay, 100% hộ dân trồng ngô ở Nghĩa Thịnh đều tiến hành ký cam kết bán ngô sinh khối cho Công ty cổ phần sữa TH. Ông Nguyễn Danh Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh cho biết: “Năm nay, thời tiết ổn định, cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất sản lượng đạt 38 – 40 tấn/ha, giá bao tiêu sản phẩm được ký kết hàng năm với công ty, nên đầu ra rất ổn định. Sau khi thu hoạch xong bà con lại làm đất để gieo trồng ngay vụ khác”.
Thu hoạch ngô sinh khối ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Minh Thái |
CẦN THÊM SỰ CHUNG TAY CỦA DOANH NGHIỆP
“Quá trình nông dân tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các cấp, ngành huyện Nghĩa Đàn hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, Hội Nông dân Nghĩa Đàn đã có 23 tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi và có 2 tổ hợp tác xây dựng và mộc dân dụng hoạt động có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn.
Việc hình thành các mô hình Tổ hợp tác ở huyện Nghĩa Đàn đã đem lại nhiều lợi ích, kinh nghiệm cho người nông dân, khắc phục được tình trạng sản xuất tự phát, đầu ra không ổn định, giảm tình trạng “được mùa mất giá”. Ông Phan Thế Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn chia sẻ.
Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất trên địa bàn huyện còn một số hạn chế nhất định. Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu đang phân tán, một số vùng, các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát nên, chưa tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung, lượng sản phẩm đủ lớn, ổn định.
Mặt khác, đặc thù của sản phẩm nông nghiệp mang tính thời vụ và có độ đồng đều không cao; tình trạng tiêu thụ nông sản qua nhiều khâu trung gian gây khó khăn cho việc nhận diện sản phẩm tham gia chuỗi và giá bán thực tế bị đội lên cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Cùng đó, các doanh nghiệp cung ứng, phân phối nông sản chưa được phủ rộng.
Các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ vẫn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá bán với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh tới người sản xuất để mở rộng và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi. Một số loại nông sản đã có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường nhưng mới dừng lại ở việc sơ chế và tiêu thụ, chưa có chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thương mại.
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Đàn, cần thêm sự chung tay của nhiều doanh nghiệp. Ảnh tư liệu |
Với những lợi thế về vùng đất đỏ bazan, tiểu vùng khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp, huyện Nghĩa Đàn tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa theo liên kết chuỗi. Đồng thời, chú trọng sản xuất sạch, hỗ trợ tư vấn liên kết, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ về giống, vật tư; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời tăng khả năng bảo quản, chế biến, nâng sức cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung. Tất nhiên, quá trình đó, bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và người dân, rất cần sự chung tay thực hiện của hệ thống các doanh nghiệp trong xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản…