Chung tay vì một thế giới không còn bệnh lao

24/03/2017 08:46

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3 hàng năm được chọn là 'Ngày Thế giới phòng chống lao' để cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm với nhiều thách thức đối với sức khỏe con người trên thế giới.

Bệnh lao là một trong những bệnh nhiễm trùng mạn tính xuất hiện sớm nhất ở loài người. Vào đầu thế kỷ XVIII, bệnh lao đã hoành hành ở châu Âu, châu Mỹ và trở thành bệnh dịch nguy hiểm gây chết nhiều người nhất, cứ 7 người thì có 1 bệnh lao. Từ năm 1882 đến nay đã có hơn 200 triệu người chết vì bệnh lao. Ngày nay dưới tác động của đại dịch HIV/AIDS mỗi năm trên thế giới có thêm khoảng 9 triệu người mắc bệnh lao và gần 3 triệu người chết do lao.

(Ảnh:  nguồn worldtbday.org)
Ảnh: nguồn worldtbday.org

Ngày 24/3/1882, nhà bác học người Đức Robert Kock là người đầu tiên công bố tìm ra nguyên nhân gây bệnh lao, đó là trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis) khi xét nghiệm đờm của người mắc bệnh lao phổi. Phát hiện quan trọng của ông đã mở đường cho việc loại trừ căn bệnh nguy hiểm này.

Để kỷ niệm 100 năm ngày tìm ra trực khuẩn lao của R.Kock, năm 1982. Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Bài lao và Bệnh phổi quốc tế lần đầu tiên tổ chức, kỷ niệm ngày 24/3, và lấy ngày đó làm Ngày Chống lao thế giới để kêu gọi sự quan tâm của nhân loại đối với căn bệnh nguy hiểm này.

Từ năm 1998, Ngày Chống lao thế giới (24/3) được xem là ngày chính thức của Liên Hợp quốc và đã trở thành một sự kiện sức khỏe quan trọng trên toàn cầu. Nhưng Ngày Chống lao thế giới không phải là ngày lễ ăn mừng, bởi lẽ, kẻ giết người mạnh nhất trong lịch sử nhân loại là bệnh lao vẫn còn đang hoành hành cho dù các biện pháp chẩn đoán và điều trị hữu hiệu đã có.

Mít tinh hưởng ứng ngày phòng chống lao. Ảnh minh họa
Mít tinh hưởng ứng ngày phòng chống lao. Ảnh minh họa

Ngày Thế giới chống lao (24/3) là dịp để truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao, là dịp để huy động chính phủ các nước, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng cam kết tăng cường hoạt động phòng chống lao trong phạm vi mỗi quốc gia và trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là 1 trong 3 nước có kế hoạch nghiên cứu được đánh giá cao. Đặc biệt, Việt Nam đã có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu với một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi rộng khắp. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của WHO về phòng chống bệnh lao (STAG TB) - cơ chế điều hành và hoạch định chiến lược phòng chống lao cao nhất của WHO.

Việt Nam cũng là 1 trong 3 nước đi đầu chiến lược kết thúc bệnh Lao trên toàn cầu gồm: Việt Nam, Brazil và Nam Phi. Một trong những yếu tố giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong phòng chống lao là đã có nguồn tài chính đảm bảo.

Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam cấp ngân sách tăng lên hàng năm và qua đó vận động được hỗ trợ quốc tế từ Quỹ toàn cầu với gần 60 triệu Đô la và cộng thêm 20 triệu đô ngân sách khuyến khích vì thực hiện có hiệu quả nguồn viện trợ. Trong 3 năm 2015-2017 được phê duyệt là 42 triệu đô la. Các tổ chức đối tác khác cũng đã hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật đáng kể. Tuy còn thiếu hụt so với kế hoạch, nhưng đã đảm bảo được cơ bản.

Tuyên truyền cho người dân về bệnh lao tại trạm y tế xã
Tuyên truyền cho người dân về bệnh lao tại trạm y tế xã. Ảnh tư liệu

Dù đạt nhiều thành tựu nhưng công tác phòng chống lao của Việt Nam vẫn tồn tại khó khăn và thách thức. Đó là tình trạng bỏ điều trị hiện đang ở mức báo động và có xu hướng gia tăng. Điều này gây khó khăn lớn cho công tác điều trị và phòng chống bệnh lao tại cộng đồng.

Tình trạng lao đa kháng thuốc chủ yếu được xác định là do người bệnh điều trị không đúng, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ; thầy thuốc không đủ thời gian để tư vấn cho bệnh nhân và chưa hỗ trợ tích cực cho người bệnh. Trong khi đó, người dân và chính quyền địa phương chưa đánh giá hết tầm quan trọng của công tác phòng chống lao.

Những người mắc bệnh lao đa số là người nghèo, là lao động chính trong gia đình, cho dù thuốc lao đã được cấp miễn phí nhưng họ vẫn còn vô vàn khó khăn để theo đuổi liên tục 8 tháng điều trị cho tới khi khỏi bệnh. Người bệnh lao cần tiền ăn, tiền đi lại khi nằm viện, thậm chí họ vẫn phải kiếm tiền để nuôi sống gia đình, để cho con đi học, người mắc bệnh lao luôn luôn cần sự trợ cấp vật chất của chính quyền, sự chia sẻ và tương trợ của cộng đồng.

Nội soi khí quản chẩn đoán bệnh lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An.
Nội soi khí quản chẩn đoán bệnh lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An. Ảnh tư liệu

Chúng ta đã từng nêu khẩu hiệu “Phòng chống bệnh lao là trách nhiệm của toàn xã hội”, ý tưởng xã hội hóa công tác chống lao là một chủ trương đúng đắn. Để xã hội hóa công tác phòng chống bệnh lao thành công, đòi hỏi mỗi cá nhân trong cộng đồng dù ở vị trí công tác hay địa vị xã hội nào cũng cần phát huy hết trách nhiệm của bản thân để có đóng góp thiết thực cho công tác phòng chống bệnh lao.

Công tác phòng chống lao ở mỗi tỉnh có đạt mục tiêu hay không phụ thuộc vào sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư nhân lực, tài chính và xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ chống lao của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp và còn nhờ vào sự quan tâm hỗ trợ và hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể.

Phòng chống bệnh lao, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân chính là một trong những tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của cấp ủy Đảng và chính quyền ở mỗi địa phương.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Chung tay vì một thế giới không còn bệnh lao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO