Chuyển đổi số mạnh mẽ trong cơ quan nhà nước

Phạm Bằng 02/05/2022 08:49

(Baonghean.vn) - Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Qua đó, nhằm mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Quyết tâm hành động

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ có tầm quan trọng trong việc tháo gỡ các nút thắt, tạo động lực cho sự phát triển, Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác này, trong đó xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá. Trong nhiều năm qua, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng xây dựng chính quyền số. Và đến nay, Nghệ An đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử tại cơ quan nhà nước.

UBND tỉnh đã tiến hành hợp nhất Cổng dịch vụ và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nghệ An nhằm thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Hiện đã có 18 sở, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 3 cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn với hơn 1.300 thủ tục hành chính được tiếp nhận tại trung tâm.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Hiện ở cấp tỉnh việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đã được kiểm soát chặt chẽ qua Cổng dịch vụ và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Theo đánh giá, trong thời gian qua công tác này đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn cao, bước đầu được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Tại cấp huyện, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Nhiều huyện, thành, thị đã quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa như Đô Lương, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Quỳnh Lưu, thị xã Thái Hòa, Diễn Châu, Yên Thành.

Mới đây, UBND tỉnh đã đưa vào vận hành khai thác Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh. Hệ thống giúp thu thập, tích hợp dữ liệu báo cáo của các cơ quan, bộ phận chuyên môn từ cấp tỉnh đến cấp xã, nhằm tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Hệ thống đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng CNTT trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành.

"Đây là điểm nhấn quan trọng trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, góp phần tích cực để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước loại bỏ việc xử lý công việc bằng văn bản giấy, góp phần tiết kiệm ngân sách hàng năm".

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, sở, ngành nhấn nút khai trương hệ thống thông tin báo cáo tỉnh. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với một số hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia. Từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Việc xây dựng Đề án đô thị thông minh đã đạt được một số kết quả như đưa vào vận hành 9 phân hệ giám sát. Văn phòng UBND tỉnh đã rà soát, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.917 dịch vụ công, trong đó có 873 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, 386 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3. Ở cấp tỉnh, có 21 sở, ngành cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 724 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, 301 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 lên cổng dịch vụ quốc gia và cấp tỉnh
Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được cung cấp lên cổng dịch vụ quốc gia và cấp tỉnh.

Chuyển đổi số toàn diện, mạnh mẽ

Năm 2022, với chủ đề "Tập trung chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước", ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Nghệ An đã chú trọng đến việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cho rằng, trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, tỉnh Nghệ An đã quan tâm triển khai hợp tác với các doanh nghiệp Viễn thông công nghệ thông tin để cùng phát triển hạ tầng mạng Viễn thông CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, từng bước xây dựng khung chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để người dân và doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng CNTT vào việc giải quyết các thủ tục hành chính cần thiết, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mục đích cuối cùng của việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số là hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ định hướng chung này, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã tích cực xây dựng bộ máy chính quyền vì nhân dân phục vụ. Thực hiện Nghị quyết số 05/NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5158/QĐ-UBND ban hành Chương trình cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn này là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Tỉnh Nghệ An tham dự hội nghị trực tuyến với Chính phủ. Ảnh: PV
Tỉnh Nghệ An tham dự hội nghị trực tuyến với Chính phủ. Ảnh: P.B

Với quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác chuyển đổi số; xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương thực hiện số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; đảm bảo tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh dưới dạng điện tử đạt từ 90%-95%; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

Lễ khai trương Cổng du lịch thông minh tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng
Lễ khai trương Cổng du lịch thông minh tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Hiện tỉnh Nghệ An đang tích cực xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, xây dựng và phát triển chính quyền số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của chính quyền, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội. "Chúng ta cần quyết tâm thực hiện tốt và hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, một trong những mục tiêu quan trọng của năm 2022 là năm chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực liên quan đến thủ tục cho doanh nghiệp, người dân, các dịch vụ công chuyển đổi số" - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Mới nhất

x
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong cơ quan nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO