Chuyện người Anh hùng đất Nghệ 14 lần được phong Dũng sĩ

Công Kiên 22/12/2022 08:15

(Baonghean.vn) - Ngót 7 năm “quần nhau với giặc” ở chiến trường Đông Nam Bộ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Kim Cầu lập được nhiều chiến công, trong đó, 13 lần được phong Dũng sĩ diệt cơ giới, 1 lần được phong Dũng sĩ diệt Mỹ.

Trân trọng kỷ vật đời lính

Xấp xỉ bát tuần, Thiếu tá Trần Kim Cầu ở xóm Đỉnh Hùng, xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) đi lại vẫn vững vàng và còn minh mẫn khi trò chuyện. Đặc biệt là những câu chuyện về sự gian khổ, ác liệt và tinh thần quả cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của “thời hoa lửa”.

Ông kể: “Tôi quê xã Cát Ngạn, Thanh Chương, từ 3 tuổi đã mồ côi mẹ, nhà đông anh em nên cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tròn 18 tuổi xin làm công nhân Nhà máy chè Phú Thọ, mấy năm sau Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, phải 3 lần viết đơn tình nguyện, đến năm 1967 tôi mới được nhập ngũ. Nguyên nhân là do mình thấp, bé, nhẹ cân, không đủ tiêu chuẩn, lần thứ 3 mới được chiếu cố…”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Kim Cầu bên kỷ vật chiến trường. Ảnh: Công Kiên

Tiếp xúc với Anh hùng Trần Kim Cầu, chúng tôi nhận thấy ông là người luôn trân trọng những kỷ niệm thời quân ngũ, nhất là kỷ niệm với đồng đội. Bởi thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, ngót 40 năm trở về với cuộc sống đời thường với bao lo toan bộn bề, ông vẫn giữ được những kỷ vật đời lính.

Từ giấy khám tuyển nghĩa vụ quân sự, giấy xuất viện đến những giấy chứng nhận dũng sĩ, các loại Giấy khen và Huân, Huy chương vẫn đang được lưu giữ trong ngăn tủ. Bộ sưu tập kỷ vật của người anh hùng chiến trận còn có chiếc radio được cấp khi lên Đại đội trưởng.

Chiếc radio của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Kim Cầu. Ảnh: Công Kiên

Giữa chiến trường, chiếc radio như một người bạn, nhờ nó mà ông biết được tin tức chiến sự ở khắp nơi, nắm được tình hình hậu phương miền Bắc, nghe được tiếng nói thân thương ở quê nhà. Khi rời chiến trường ra Bắc an dưỡng, theo học trường sĩ quan và về quê nhà nhận công tác, chiếc radio vẫn theo ông “như hình với bóng”. Ông về hưu một thời gian, chiếc đài cũng hỏng dần và kết thúc “vai trò lịch sử”, được chủ nhân gói ghém và cất giữ cẩn thận, trở thành kỷ vật vô giá của đời lính.

Đặc biệt, Anh hùng Trần Kim Cầu còn có cuốn album với hàng chục bức ảnh đen trắng, phần lớn là ảnh cỡ nhỏ chụp cùng đồng chí, đồng đội trên mỗi bước đường quân ngũ. Cuốn album còn có ảnh những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa và những cô du kích miền Đông Nam bộ với chiếc khăn rằn và khẩu súng AK.

Bức ảnh chiến sĩ Trần Kim Cầu (bên phải, hàng đầu) cùng đồng đội năm xưa. Ảnh: NVCC

Đó là những người bạn tình cờ gặp nhau trên đường hành quân, là cô giao liên dẫn đường hay thành viên đội du kích phối tác chiến công phá đồn địch. Biết là chỉ gặp nhau trong thoáng chốc nhưng người lính trận xứ Nghệ ấy thường xin những bức ảnh gói vào album làm kỷ niệm, để nay mai lên đường tiếp tục với những trận chiến, có cảm giác như những người bạn luôn ở bên mình…

Những ngày rảnh rỗi, Thiếu tá Trần Kim Cầu lại lần giở những kỷ vật đời lính, tìm về với những kỷ niệm “thời hoa lửa”, sống lại ký ức thời trai trẻ gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi vinh quang và hào hùng. Những kỷ niệm ấy là nguồn động lực để người anh hùng tiếp tục sống vui, sống khỏe cùng gia đình, con cháu, đồng đội năm xưa và bà con lối xóm.

Chiến công phi thường

Nói đến Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Kim Cầu là nói đến chiến công tiêu diệt xe tăng địch. Gần 7 năm “nếm mật nằm gai” ở chiến trường Đông Nam Bộ, người lính ấy 13 lần được phong Dũng sĩ diệt xe cơ giới và 1 lần được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Với tổng số 13 xe tăng, hơn 100 tên địch bị tiêu diệt bởi bàn tay của một xạ thủ thiện nghệ, chưa kể hơn 10 khẩu súng chiến lợi phẩm, năm 1971 ông Cầu được Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Nguyễn Hữu Thọ phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

Bộ sưu tập Huân, Huy chương của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Kim Cầu. Ảnh: Công Kiên

Ông Cầu vốn thấp - bé - nhẹ cân nên trong chiến đấu ít khi được giao thực hiện nhiệm vụ quan trọng. Ông còn nhớ như in, nhận được tin quân địch sắp điều xe tăng càn quét các khu dân cư, đại đội được giao nhiệm vụ tiêu diệt đoàn xe tăng địch trên đường hành quân. Đơn vị cần một chiến sĩ là đảng viên, gan dạ, dũng cảm, có sức khỏe đảm bảo, đứng ở vị trí hàng đầu và sử dụng vũ khí chống tăng (B40 và B41).

Ông Cầu liền xung phong nhưng Đại đội trưởng động viên: “Cuộc chiến còn dài, còn nhiều trận, sẽ đến lượt cậu!”. Không nản chí, ông tiếp tục thuyết phục với “cái lý” thân hình nhỏ bé nhưng từ nhỏ đã mang vác nặng, lên rừng đốn củi, xuống sông lấy cát, lại nhanh như sóc… Cuối cùng, Đại đội trưởng đồng ý, người lính quê Nghệ được vác súng chống tăng mai phục đoàn xe tăng địch.

Thiếu tá Trần Kim Cầu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1971. Ảnh: Công Kiên

Trận đầu, ông cùng phân đội nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, trườn qua những đám ruộng đầy cây gai rậm rịt rồi nằm sát dưới vết xích xe tăng cũ. Đoàn xe của địch dần dần tiến lại gần, khoảng cách nằm trong tầm ngắm, sau cái siết cò, viên đạn lao vút vào tháp pháo rồi nổ tung, khói lửa bốc lên mù mịt. Các đồng đội cũng liên tục nổ súng yểm trợ khiến địch tháo chạy tứ tung.

Hoa khôi Hà Nội Vũ Thu Trà My tặng quà cho Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Kim Cầu. Ảnh: Công Kiên

Kết quả, đơn vị tiêu diệt được 50 xe tăng địch, riêng chiến sĩ Trần Kim Cầu nã cháy 3 chiếc, sau trận chiến đấu được tặng tặng thưởng Huân chương Chiến công. Từ đó, mỗi khi đơn vị thực hiện nhiệm vụ tổ chức đánh xe tăng địch, Trần Kim Cầu luôn được tin tưởng được giao ở vị trí hàng đầu. Không phụ lòng tin của chỉ huy đơn vị và các đồng đội, người dũng sĩ ấy luôn thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc…

Trải qua hàng trăm trận đánh, Thiếu tá Cầu bị thương tới 8 lần, hiện trong đầu, phổi và đầu gối vẫn còn những mảnh đạn và bom bi, mỗi khi trái gió trở trời chúng lại thi nhau hành hạ. Sau giải phóng (1975), ông được điều về công tác tại Quân khu 4, rồi làm Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Anh Sơn đến lúc nghỉ hưu (1985).

Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Kim Cầu luôn được đón nhận sự quan tâm của cộng đồng, xã hội. Ảnh: Công Kiên

“Đã nhiều lần đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Nhờ đồng đội, tôi đã may mắn được trở về với gia đình và quê hương và luôn ghi nhớ công ơn. Tôi cũng rất vui mừng vì quê hương, đất nước ngày càng khởi sắc, được đón nhận sự quan tâm, động viên của cộng đồng, xã hội…”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Kim Cầu

Mới nhất
x
Chuyện người Anh hùng đất Nghệ 14 lần được phong Dũng sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO