Chuyện những người phụ nữ ở Truông Bồn ngày ấy

Thanh Nguyễn 18/10/2018 16:05

(Baonghean.vn) - Không chỉ là “anh nuôi”, những bà, mẹ, chị tại tuyến lửa Truông Bồn ngày ấy còn tham gia cứu thương, đào hầm hào công sự, san lấp hố bom… Những người phụ nữ yếu đuối vốn chỉ quen với ruộng vườn, góc bếp trở nên kiên cường, quả cảm; là điểm tựa tinh thần, tiếp lửa cho tiền tuyến Truông Bồn những ngày đánh Mỹ.

Chuyện mẹ Thởm

Chị Trần Thị Thông - tiểu đội trưởng, là người còn sống duy nhất của tiểu đội cảm tử, đại đội TNXP 317 trong trận bom Đế quốc Mỹ trút xuống Truông Bồn sáng ngày 31/10/1968.

Sau khi phát hiện ra chị nhờ nòng súng nhô lên khỏi mặt đất, đồng đội đưa chị về sân kho HTX Mỹ Thái (thuộc xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày nay) trong cảnh đầu tóc rũ rượi, áo quần bê bết bùn đất, hơi thở rất yếu. Người dân xóm 9 ra sức cứu chị bằng tất cả tình thương.

Ông Nguyễn Tất Lữ - nguyên xóm trưởng xóm 9 xã Mỹ Sơn thời ấy kể: Nếu không có bà Thởm tận tình chăm sóc thì o Thông khó có ngày hôm nay. Chính bà Thởm đã giành giật sự sống cho o Thông từ tay tử thần. Mẹ Thởm, tên thật là Nguyễn Thị Phác.

Mẹ Thởm xúc động khi kể lại những ngày khói lửa ở Truông Bồn
Mẹ Thởm xúc động khi kể lại những ngày khói lửa ở Truông Bồn. Ảnh: Thanh Nguyễn

Dù đã 97 tuổi và sức khỏe rất yếu nhưng khi chúng tôi đề nghị muốn được nghe mẹ kể về những ngày chăm sóc cô TNXP bị thương ở Truông Bồn, mẹ Thởm đã gắng gượng ngồi dậy. Và rồi, câu chuyện hai người phụ nữ - mẹ Thởm, chị Thông - vượt qua cửa tử trong mái nhà tranh, vách đất dưới chân Truông Bồn ngày ấy dần hiện lên như một thước phim chiếu chậm.

Hồi ấy, nhà mẹ Thởm ở gần nhà ăn của bộ đội, TNXP tham gia phục vụ tại tuyến lửa Truông Bồn. Những bà Hồng, ông Lữ, ông Phác… vẫn còn nhớ rõ hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn một nách sáu đứa con thơ còn tình nguyện chăm sóc cho cô TNXP Trần Thị Thông.

Dịp này, về lại Truông Bồn (Mỹ Sơn - Đô Lương) trong khói hương nghi ngút, bâng khuâng bao niềm xúc động. Nơi đây đã có 1.420 cán bộ, chiến sĩ, TNXP hi sinh. “Tọa độ lửa” Truông Bồn, mãi ngân vang bài ca chiến thắng, kiên cường bất khuất của quân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Tư liệu
Mẹ Thởm nhớ lại: "Hắn nằm ở nhà tui mô hai tháng. Tui coi hắn (chị Thông) như con của mình. Thấy hắn bị thương nặng, nhìn rất tội. Tui nghĩ sẽ không qua khỏi nên cố gắng chăm sóc thật tốt, được ngày mô hay ngày đó. Nhưng thật kỳ lạ, sức khỏe hắn dần hồi phục".

Cuộc sống thời chiến khốn khó trăm bề, một nách mẹ Thởm mấy đứa con vất vả nay lại chăm thêm o Thông nhưng trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ… mẹ luôn ưu tiên để chị mau bình phục. Từng thìa cháo, muỗng nước… được mẹ Thởm bón cho chị bằng tất cả tình thương yêu của một người mẹ lam lũ, tảo tần.

Một góc xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày nay - nơi sinh ra những người phụ nữ quả cảm
Một góc xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày nay - nơi sinh ra những người phụ nữ quả cảm. Ảnh: Thanh Nguyễn

Mẹ Thởm nói đứt quãng: "Có bữa hắn sốt mê sảng gọi tên từng đồng đội khiến tui ứa nước mắt rồi lật đật ra vườn mò tìm lá diếp cá vò nát cho hắn uống. Cũng có bữa, hắn đòi ngồi dậy hỏi tìm Hiên, Phúc, Tâm…, tui chỉ biết động viên: các anh, chị ấy đang làm nhiệm vụ. Sợ hắn ngất nên không dám nói thật". "Con Thông đã không tiếc tuổi trẻ, gian khổ, hy sinh để đánh Mỹ, tui chăm nó khi bị thương thì có chi mô" - mẹ Thởm tâm sự.

Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông trong ngày gặp lại ân nhân. Ảnh: Hữu Nghĩa

Nguyên tiểu đội trưởng tiểu đội cảm tử, đại đội TNXP 317 Trần Thị Thông rưng rưng: Tôi rất biết ơn mẹ Thởm và người dân xóm 9 xã Mỹ Sơn. Trong thâm tâm của mình, mảnh đất xóm 9 như là nơi khai sinh lần thứ 2 của tôi.

Về với Truông Bồn để hiểu sâu hơn những năm tháng chiến đấu, hi sinh của quân và dân ta trên tọa độ lửa này. Ảnh: Huy Thư

Có một trung đội phụ nữ quả cảm

“Ngày nớ đàn ông, con trai ra trận hết; bầy tui ở lại không lẽ cứ khoanh tay nhìn giặc Mỹ giày xéo đất nước. Khi chính quyền xã Mỹ Sơn kêu gọi thành lập trung đội tham gia phục vụ Truông Bồn cùng bộ đội, TNXP, phụ nữ chúng tôi ai cũng hăng hái ghi tên”, bà Đặng Thị Hoa - Nguyên Phó Bí thư đoàn xã, trung đội trưởng trung đội mạnh xã Mỹ Sơn (ngày ấy) cho biết.

Trung đội có tất cả 30 thành viên, gần như hoàn toàn là phụ nữ và được chia thành hai tổ hoạt động trong quãng từ giáp xã Nhân Sơn đến chân Truông Bồn. Ngoài nhiệm vụ san lấp hố bom, đào hầm hào công sự cùng bộ đội, TNXP; trung đội còn tham gia cứu thương, tải thương, làm hoa tiêu để xe vượt truông…

Khu Di tích Truông Bồn, xã Mỹ Sơn (Đô Lương). Ảnh tư liệu

Bà Hoa kể: Sau mỗi trận bom, khi 3 tiếng kẻng từ trụ sở xã vang lên; chúng tôi lại cầm cuốc xẻng, súng đạn chạy băng qua đồng để đến trận địa Truông Bồn san lấp hố bom cho xe chở hàng. Không kể ngày hay đêm, sau trận bom là trung đội chúng tôi lại đi làm nhiệm vụ. Những năm 1967 - 1968, Truông Bồn là “túi bom”. Trong khoảng gần hai năm ấy, đế quốc Mỹ đã điên cuồng trút xuống tọa độ lửa này hàng ngàn tấn bom đạn. Bởi thế, bà Hoa và các đồng đội không thể nhớ hết bao nhiêu thương binh đã được chuyển về hậu cứ chữa trị, bao nhiêu hố bom mình đã san phẳng để đoàn xe lăn bánh kịp giờ ra trận.

Là một trong 6 thành viên phụ trách cứu thương của Trung đội, bà Nguyễn Thị Sinh - ở xóm 4 xã Mỹ Sơn còn nhớ tường tận những năm tháng được góp sức cho tiền tuyến Truông Bồn.

Nhiều cựu TNXP, cựu chiến binh về thăm Truông Bồn bâng khuâng như về lại chiến trường xưa, nơi họ đã một thời cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Nơi đó không ít bạn bè của các bác, các anh đã mãi nằm lại tuổi hai mươi như 13 liệt sỹ Truông Bồn. Ảnh tư liệu

Trò chuyện cùng chúng tôi, ký ức 50 năm trước trong bà chợt ùa về: khi nớ đói khổ, thiếu thốn nhưng ai cũng hăng hái lắm. Nói đăng ký là đăng ký, nghe tiếng kẻng báo động là chạy. Khi chúng tôi đề cập đến việc đã có công nuôi bộ đội, TNXP, tham gia đào hầm hào, công sự, cứu chữa thương binh… có mong được nhà nước ghi công?

“Khi nớ ai cũng rất vô tư làm nhiệm vụ, cái chết cũng không hề nghĩ đến mà chỉ mong đất nước sớm được giải phóng. Giờ nhà nước ghi công hay xét chế độ gì thì rất vui mà không có chế độ gì cũng vui”, bà Hoa cười. Bữa ăn thường ngày chủ yếu cơm độn, lắm lúc sắn khoai trừ bữa, nhưng dường như sức trẻ, chí căm hờn đã giúp họ vượt lên tất cả những gian khổ, khốc liệt của chiến tranh./.

Mới nhất
x
Chuyện những người phụ nữ ở Truông Bồn ngày ấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO