Công nhân ngành may không còn phải lĩnh thưởng Tết bằng 'quần đùi, áo may ô'

23/01/2017 09:16

Đại diện một số doanh nghiệp cho biết thưởng trung bình của người lao động dịp Tết năm nay là 2 tháng lương, ngay cả những đơn vị khó khăn cũng cố gắng đưa ra mức một tháng.

Vừa nhận được thông báo lĩnh tiền thưởng Tết, chị Ngọc Hạnh - công nhân một công ty may tại Thanh Trì (Hà Nội) cho biết năm nay được “chốt” mức thưởng 2,5 tháng lương, tương đương 9-10 triệu đồng. Tuy không cao bằng các ngành sản xuất khác, nhưng với chị Hạnh và đồng nghiệp, đây là con số tương đối khả quan.

“Nhiều bạn bè làm ở các doanh nghiệp may khác cũng kêu năm nay khó khăn, thưởng kém đi mà công ty mình vẫn giữ được mức thưởng bằng mọi năm là may mắn rồi”, chị Hạnh nói và tiết lộ sẽ dành một phần thưởng chi tiêu mua sắm Tết cho gia đình, phần nhỏ còn lại “bỏ lợn tiết kiệm”.

Sau 5 năm làm việc tại công ty, Tết này là dịp chị Thanh Loan cảm thấy vui hơn cả khi thoát khỏi cảnh nhận thưởng bằng hiện vật. Năm ngoái, chị Loan còn chưa hết bùi ngùi khi nhận 2 triệu đồng và 3 bộ quần áo là hàng tồn kho của doanh nghiệp. “Năm nay công ty làm ăn khá hơn, đơn hàng đều hơn nên mỗi người lao động được thưởng 1,5 tháng lương”, chị Loan chia sẻ.

“Không còn chuyện doanh nghiệp dệt may thưởng Tết bằng áo may ô, quần đùi như các năm trước”, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, dù là năm khó khăn nhưng lần đầu tiên trong 10 năm qua, ngành dệt may đạt mức tăng trưởng 5,7%.

"Khó khăn, song các doanh nghiệp vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, năng suất lao động tăng và đảm bảo được các đơn hàng", ông Giang nêu thực tế. Vì thế thu nhập trung bình của lao động dệt may năm 2016 tăng trên 10% so với năm 2015.

cong-nhan-nganh-may-khong-con-phai-linh-thuong-tet-bang-quan-dui-ao-may-o

Năm 2017 vẫn là một năm thách thức với ngành dệt may Việt Nam. Ảnh: Anh Quân

Ông Trương Đình Vấn - Phó giám đốc Công ty Dệt may Châu Giang (Hà Nam) cho biết dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt tăng trưởng nên thưởng Tết cho công nhân vẫn ở mức 2 - 3 tháng lương. Ngoài tiền thưởng, doanh nghiệp còn tặng giỏ quà gồm bánh chưng, giò lụa để "hành trang" về quê ăn Tết của mỗi người lao động thêm đủ đầy.

Nhận định thưởng Tết không chỉ có ý nghĩa động viên người lao động sau một năm vất vả, mà còn là khoản nuôi dưỡng tương lai, nhằm giữ ổn định nguồn lao động sau Tết, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, bình quân đơn vị trực thuộc tập đoàn thưởng 2 tháng lương cho người lao động. Với mức thưởng này, người lao động tại khu vực phía Nam được nhận khoảng 16-20 triệu đồng tiền thưởng Tết, còn miền Bắc thấp hơn, 12-14 triệu đồng một người.

Ông Trường cũng thông tin, năm 2017 hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã có đủ đơn hàng tới hết quý I nhưng sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh đơn hàng xuất khẩu với các quốc gia như: Campuchia, Bangladesh, Trung Quốc... Theo ông Vũ Đức Giang ngoài chuyện giải quyết yêu cầu ngắn hạn trước mắt là đơn hàng thì các doanh nghiệp dệt may vẫn phải có cái nhìn dài hạn là đầu tư cho ngành công nghiệp sợi, dệt, nhuộm… để làm sao đến năm 2018, 2019 đáp ứng được 55% đến 60% nhu cầu của toàn ngành.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may vẫn ít quan tâm tới thị trường nội địa và chiến lược cho thị trường này. Dù chỉ có giá trị 4,5 tỷ USD, song lãnh đạo Vinatex cho rằng để thành công các doanh nghiệp dệt may cũng cần chiến lược, chứ không thể theo kiểu “nhà nhà làm dệt may” để bao phủ thị trường.

Ngoài thị trường nội địa thì xuất khẩu vẫn là “át chủ bài” của ngành trong năm 2017. Để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần nhạy bén thích ứng với thị trường; chuyển hướng từ làm gia công sang đầu tư theo sản xuất đầu - cuối (thiết kế, may mẫu, đóng gói, vận chuyển...); cũng như hạn chế tối đa bán hàng qua các khâu trung gian.

Với việc dự báo còn khó khăn nên năm 2017, ngành dệt may không phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 10-12% như mọi năm mà chỉ dự kiến tăng 6,5-7% trong năm 2017, tương đương trên 30 tỷ USD.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Công nhân ngành may không còn phải lĩnh thưởng Tết bằng 'quần đùi, áo may ô'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO