Công tác dân số Nghệ An: Biến khó khăn thành hành động

Mỹ Hà 27/01/2023 16:10

(Baonghean.vn) - Dù còn những khó khăn nhưng công tác dân số, Nghệ An trong vài năm trở lại đây đã có những chuyển biến tích cực khi số trẻ sinh ra, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm và các chỉ số về nâng cao chất lượng dân số được cải thiện.

Điều đó cũng cho thấy, những giải pháp mà ngành thực hiện đang đi đúng hướng và tác động đến nhận thức của nhân dân và chính quyền địa phương.

Người dân được tiếp cận với nhiều dịch vụ

Buổi khám và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ tại xã Chi Khê (Con Cuông) được tổ chức trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Vậy nhưng, từ sáng sớm, rất nhiều chị em trong xã đã đến đăng ký để được thăm khám và làm dịch vụ. Chị Vi Thị Hà ( 35 tuổi) chia sẻ: Tôi đã có gia đình và sinh 2 cháu nhưng thực sự rất ít khi đi khám hoặc kiểm tra sức khỏe. Đến đây, được siêu âm, được tư vấn và khám sàng lọc tôi mới hiểu được đây phải là việc làm thường xuyên và nếu mình không chú ý sẽ dễ có nguy cơ mắc bệnh.

Qua nhiều năm đưa dịch vụ khám tư vấn các vấn đề về sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình xuống cơ sở, bà Thái Thị Tuyết – Trưởng phòng Dân số, Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh cho rằng: Vì nhiều lý do khác nhau, người dân còn chủ quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính vì thế, bằng nỗ lực của mình, chúng tôi luôn cố gắng đưa dịch vụ đến với từng người dân và giúp họ có cơ hội được kiểm tra toàn diện về sức khỏe và từ đó giảm thiểu ít nhất các nguy cơ bị các bệnh liên quan đến sinh sản – KHHGĐ.

Người dân xã Chi Khê (Con Cuông) tham gia điểm cung cấp dịch vụ dân số. Ảnh: Mỹ Hà

Huyện Con Cuông là một trong những địa phương quan tâm đến vấn đề dân số - KHHGĐ và thực hiện các mục tiêu chiến lược dân số. Chính vì lẽ đó, trong những năm qua, nhận thức của nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Dân số - Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức lẫn hành động.

Trên toàn huyện, phong trào thi đua xây dựng gia đình sinh đủ 2 con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc ngày càng phát triển rộng khắp, lan toả đến từng thôn xóm bản, làng. Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung, chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng được quan tâm, tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai được thực hiện khám thai định kỳ để chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm, việc tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thường xuyên được quan tâm. Hiện, tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận biện pháp tránh thai đạt 70%, tỷ suất sinh giảm, đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch.

Tư vấn về phương tiện tránh thai cho người dân huyện Con Cuông. Ảnh: Mỹ Hà

Không chỉ đưa dịch vụ đến với người dân, trong những năm qua, thông qua việc thực hiện Đề án 818 về xã hội hóa phương tiện tránh thai, người dân ở cơ sở cũng đã thay đổi cách tiếp cận, chuyển từ bị động sang chủ động sử dụng phương tiện tránh thai. Đây cũng là cách góp phần giảm sinh con ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Tại huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Hiền Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện rất vui bởi nhờ có Đề án 818 công tác dân số của huyện có những chuyển biến tích cực.

Trước đó, từ năm 2011 việc cung cấp miễn phí các phương tiện tránh thai dần bị cắt giảm, trong khi nhu cầu của người dân vẫn rất cao. Trước nhu cầu chính đáng này, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Thanh Chương đã mạnh dạn đề xuất xã hội hóa các phương tiện tránh thai lên các cấp ban, ngành trước khi có Đề án 818 nhiều năm. Khi được chấp thuận, trung tâm liên hệ để mua các sản phẩm này thông qua Hội Kế hoạch hóa gia đình hay các kênh uy tín do Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh hướng dẫn và được hầu hết mọi người tin dùng. Hiện, khi Đề án 818 đã triển khai sâu rộng, thì người dân đã tìm đến các viên chức, cộng tác viên dân số để gửi gắm và xem đây là kênh uy tín để vừa mua hàng, vừa được tư vấn miễn phí.

Linh hoạt, đa dạng trong triển khai nhiệm vụ

Cho đến thời điểm này công tác dân số của Nghệ An vẫn đứng trước rất nhiều thách thức khó khăn, đó là số lượng sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Mặc dù vậy, công tác dân số cũng đã có những chuyển biến tích cực khi trong năm 2022, nhiều chỉ số của Nghệ An đã giảm, với tổng số trẻ sinh ra giảm 1.682 và số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên giảm 686 trẻ so với năm 2021. Cuối năm 2022, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên toàn tỉnh là 29,45 %, giảm 0,41% so với năm 2021.

Với một tỉnh xuất phát điểm thấp như Nghệ An thì việc cải thiện một số chỉ số về dân số là một tín hiệu tích cực, điều đó cho thấy công tác dân số đã có những chuyển biến và đang từng bước tác động vào nhận thức của nhân dân.

Đây cũng là tiền đề tốt để Nghệ An kiên trì với những giải pháp đang thực hiện và thực hiện thành công hai nhiệm vụ, đó là vừa làm tốt công tác Dân số - KHHGĐ và vừa nâng cao chất lượng dân số.

Ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ chia sẻ thêm:

Trên thực tế, trong những năm qua, ngành Dân số Nghệ An đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu hơn các chính sách Dân số - KHHGĐ, vừa triển khai nhiều hoạt động hướng đến cơ sở để ngày càng có nhiều người dân, nhiều đối tượng được thụ hưởng.

Tư vấn về chính sách dân số cho người dân trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: TTYT Thanh Chương

Trong năm qua, nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dân số, y tế trong bối cảnh dịch Covid-19, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok,... đã trở thành kênh thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, hiệu quả của ngành về chính sách và các hoạt động dân số, y tế.

Vì vậy, đến nay, 100% viên chức dân số - y tế của 460 xã, phường, thị trấn, 100% trung tâm y tế của các huyện, thành thị trên toàn tỉnh Nghệ An đều có trang Facebook tuyên truyền về dân số - y tế của đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị từ xã đến huyện đều có sự kết nối chặt chẽ với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh qua trang Facebook "Dân số Nghệ An" và các trang thông tin truyền thông y tế - dân số của các huyện, thành, thị và đã phản ánh kịp thời các hoạt động, công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống đến người dân trên không gian mạng. Đây cũng là kênh tuyên truyền hiện đại, có khả năng tương tác, lan tỏa đến đông đảo người dân.

Năm 2022, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã chủ trì tổ chức được trên 90 buổi nói chuyện chuyên đề về công tác dân số và phát triển trong tình hình mới với nhiều nội dung như thực trạng và chính sách về công tác dân số cho các ban, ngành, đoàn thể cấp xã, xóm; Những kiến thức và kỹ năng về chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; Về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, xây dựng gia đình hạnh phúc và nâng cao chất lượng dân số, về xã hội hóa phương tiện tránh thai, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với 12 đơn vị cấp tỉnh về việc tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về công tác dân số và phát triển trong tình hình mới. Từ đó, nhiều hoạt động thiết thực cũng đã được tổ chức, thu hút được nhiều đối tượng tham gia như phối hợp với Hội LHPN triển khai cuộc thi "Phụ nữ với công tác dân số trong tình hình mới". Ngành đã nhiều năm phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức thành công cuộc thi "Người cao tuổi sống vui – Sống khỏe”...


Người dân huyện Anh Sơn tìm hiểu về chính sách dân số. Ảnh: Mỹ Hà

Bước sang năm 2023, với nhiều thách thức và khó khăn, ngành Dân số Nghệ An tiếp tục thực hiện các mục tiêu giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh và từng bước nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời, tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thích ứng được với xu hướng già hóa dân số trong những năm tiếp theo.

Mới nhất
x
Công tác dân số Nghệ An: Biến khó khăn thành hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO