Cụ bà 110 tuổi ở Nghệ An đọc thuộc cả những bài thơ cách đây hơn nửa thế kỷ

Như Bình - 02/02/2023 16:30
(Baonghean.vn) - Bước qua ngưỡng 110 tuổi, cụ Hồ Thị Yên (trú khối 14, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai) vẫn ăn mỗi bữa một bát cơm, đọc thuộc cả những bài thơ cách đây hơn nửa thế kỷ.

Cụ bà 110 tuổi có 112 con, cháu, chắt, chút

Một ngày đầu Xuân, chúng tôi đến thăm cụ Hồ Thị Yên (tên thường gọi là cụ Khang, theo tên người con gái đầu). Hỏi thăm đường đến nhà cụ không khó bởi người dân ở đây hầu như ai cũng biết “bà cụ 110 tuổi”.

Dù tiết trời lập Xuân nhưng trời rét, cụ trùm chăn bông kín mít trong phòng. Người con út Nguyễn Đình Đàm (58 tuổi) mời cụ dậy nhưng chỉ nghe tiếng ừ hử. Sực nhớ ra, ông Đàm nói to “Mẹ ơi dậy thôi, các cháu đến lì xì mừng tuổi đây này”.

Cụ Yên và chút nội. Ảnh: Như Bình

Quay sang chúng tôi, ông Đàm cười: “Một người già bằng hai con nít mà. Bà từng này tuổi rồi nhưng thích mỗi lì xì thôi”. Nghe tiếng con trai, bà cụ liền mở chăn ra, tự mình ngồi dậy, buộc chiếc khăn nhung trùm qua đầu cho ấm rồi cười móm mém khi được khen đẹp lão. Những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt đã đầy vết đồi mồi mỗi khi cụ cười.

Clip: Cụ Hồ Thị Yên đọc thơ.

Ông Đàm bế mẹ ra sân phơi nắng. Quàng tay ôm cổ người con trai út chỉ 2 năm nữa là đủ tuổi vào Hội người cao tuổi, cụ Yên đùa “Mẹ béo nên nặng lắm đó”. Dưới sự cổ vũ của con, cụ bà vui vẻ đọc tặng khách bài thơ về Cách mạng Tháng 8: “Mùa Thu tháng Tám/Rạng mười Tư chừng khoảng canh năm/Trong chòm đội kẻ đứng người nằm/Nghe tiếng súng ầm ầm ngoài cửa bể/Hẳn quân địch đã sai tàu chiến/Cướp ngoài khơi một cái gì đây...”. Hỏi tuổi, cụ bà cười móm mém: “Tôi năm nay là 100 tuổi cộng 4 năm và 6 tuổi nữa. Tôi đẻ năm Quý Sửu (1913 - PV)”.

Cụ Hồ Thị Yên. Ảnh: Như Bình

Hỏi chuyện chồng con, cụ bà 110 tuổi tếu táo: “Tôi 12 tuổi, ông nhà tôi 10 tuổi là “ưng” chắc rồi, đợi lớn lên là lấy thôi. Tôi đẻ 9 người con cả thảy nhưng 3 đứa đầu không may bệnh, mất sớm, còn 6 đứa. Cháu, chắt, chút thì không nhớ hết. Ông nhà tôi trước có đi bộ đội nhưng “đi” trước tôi, lâu rồi”.

Nhắc tới người chồng quá cố, cụ Yên vui hẳn ra. Ông Nguyễn Đình Chế (SN 1915 - chồng cụ Yên) đi bộ đội, cụ Yên ở nhà thay chồng phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy các con. Như bao nhiêu người phụ nữ thời chiến tranh loạn lạc, người vợ trẻ động viên chồng ra trận, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Rồi cụ cao hứng đọc thêm một bài thơ: “Muốn bảo toàn lãnh thổ/Ta nên phải hy sinh/Nếu tư tưởng gia đình/Biết khi nào độc lập/Lời anh cu nói đó/Em đây cũng tán thành/... Gia đình ta đầy đủ/Không đến nỗi chi mô/Bố cu cứ ra đi/Để con thơ mặc thiếp/Cha mẹ già mặc thiếp/Việc gia đình em xếp/Việc xã hội em lo/Mai độc lập tự do/Toàn dân đều chung hưởng/Vợ chồng mình chung hưởng...”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chúc thọ cụ Hồ Thị Yên 110 tuổi. Ảnh: Như Bình

Như đọc được sự ngạc nhiên của chúng tôi về sự minh mẫn và trí nhớ mẫn tiệp của cụ bà đã sống xuyên qua 2 thế kỷ, ông Đàm giải thích: “Bà minh mẫn theo hồi thôi. Có khi tỉnh dậy, chuyện gì bà cũng nhớ, kể vanh vách, nhưng một lúc sau lại quên sạch. Con cái cụ cũng có lúc nhớ, lúc quên. Mắt cụ giờ không nhìn thấy gì nữa, chủ yếu phân biệt con cái qua tiếng nói”.

Ông Nguyễn Đình Ngữ (70 tuổi, con thứ 5 và là con trai cả, hiện đang trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng cụ Yên) lấy cuốn sổ ghi danh sách các thành viên trong gia đình ra. Thời điểm này, gia đình ông có 5 thế hệ, bao gồm cụ Yên, 5 người con (một người áp út mất năm 2021), 28 cháu, 72 chắt và 6 chút, tổng cộng 111 người, không tính dâu, rể.

Ăn cơm cá, ngủ ngày, thức đêm

Chiếc giường của cụ Yên được đóng thêm một thanh chắn, sau khi cụ bị ngã xuống giường cách đây vài năm. Cuộc sống của cụ nay chỉ quanh quẩn trên chiếc giường, với sữa, bánh... được để trên chiếc bàn con đầu giường, để đói lúc nào cụ có thể tự lấy ăn lúc đó. Tuổi già, cụ sống với ký ức là chủ yếu. Ban ngày, cả nhà đóng cửa đi làm đồng, cụ trùm chăn nằm ngủ. Đêm về, cụ thức đến sáng, nói chuyện một mình, toàn chuyện của nhiều năm về trước.

Cụ Yên và người con trai cả Nguyễn Đình Ngự. Ảnh: Như Bình

“Bà ăn mỗi ngày 3 bữa, mỗi bữa ăn một bát cơm, chủ yếu là ăn cơm với cá, không thích ăn thịt. Răng bà mới rụng mấy cái thôi, còn khỏe lắm, bà nhai rất kỹ. Ngoài ra bà ăn thêm hoa quả mềm và uống sữa, thực phẩm bổ sung cho sức khỏe”, ông Ngữ cho hay. Theo ông Ngữ, năm 87 tuổi, cụ Yên trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh, bị tràn dịch màng phổi. Xuất viện về nhà, cụ vẫn phải phải sử dụng kháng sinh liều cao trong thời gian dài. Thế nhưng sau đó, bà cụ hầu như không trải qua ốm đau nghiêm trọng gì ngoài cảm mạo bình thường. Cách đây 8 năm, mắt cụ Yên bị mờ rồi mù hẳn nhưng đôi tai vẫn khá tinh tường.

Gia đình cụ Yên hiện có 5 thế hệ với 111 con, cháu, chắt và chút. Ảnh: Như Bình

Dù tuổi già, nhiều khi bị lẫn, không nhận ra được ngay cả con ruột nhưng trong lòng ông Ngữ, người mẹ đã 110 tuổi luôn là người đức độ, hòa nhã, vui vẻ, tạo không khí vui đầm ấm trong nhà. “Con cái có làm sai, bà không bao giờ quát mắng, cũng chưa bao giờ to tiếng hay nặng lời. Những lúc vui vẻ, bà mới lựa lời, phân tích cho các con biết cái sai, cái đúng, biết cần bổ cứu những gì để giữ hòa khí trong gia đình. Bởi thế, nhà tôi dù có tới 5 thế hệ nhưng tuyệt nhiên không có chuyện mẹ chồng, nàng dâu”, ông Ngữ tự hào.

Theo ông Ngữ, cụ Hồ Thị Yên đã đi quãng đường đời rất dài nhưng vẫn khỏe mạnh, đó không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn là phúc phận của con cháu khi được tận hiếu với mẹ, với bà. Niềm vui và tự hào ấy nhắc nhở các con, các cháu phải luôn biết sống hiếu thuận, đoàn kết, trách nhiệm và yêu thương nhau.

Ông Ngữ cũng rất bất ngờ và rất vui khi thông tin về lễ mừng thọ mẹ tròn 110 tuổi khi đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được nhiều lời chúc mừng. “Mọi người gửi lời chúc mẹ tôi trường thọ. Đó cũng là mong muốn của đại gia đình chúng tôi. Cuộc đời mẹ đã trải qua hơn một thế kỷ với bao khó khăn, vất vả để nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành, nay chúng tôi chỉ mong mẹ sống khoẻ, luôn lạc quan, yêu đời và là chỗ dựa tinh thần cho con cháu trong cuộc sống”, ông Ngự chia sẻ./.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO