Pháp luật

Cú lừa ngoạn mục của phu nhân tiệm vàng ở huyện miền núi Nghệ An

An Quỳnh 16/09/2024 10:16

Với vỏ bọc là bà chủ tiệm vàng, Nguyễn Thị Thảo (trú huyện Con Cuông) đã dễ dàng huy động vốn từ nhiều người dân trên địa bàn. Chỉ đến khi người dân nghe tin bà Thảo bị bắt giữ vì một tội danh khác thì mọi người mới hay mình bị “sập bẫy”... Vụ lừa đảo đã xảy ra cách đây 8 năm nhưng đến nay nhiều nạn nhân vẫn chưa thể lấy lại số tiền mình bị lừa.

Sập bẫy vì "lãi cao"

Vào khoảng tháng 6/2016, Công an huyện Con Cuông nhận được hàng trăm lá đơn tố cáo đối tượng Nguyễn Thị Thảo (SN 1959) trú tại thị trấn huyện lỵ Con Cuông về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói, tại thời điểm đó, Thảo vừa nhận bản án 7 tháng tù treo về tội đánh bạc. Được biết, vào tháng 5/2016, khi cơ quan chức năng đang triệt phá đường dây đánh bạc, ghi lô đề cá độ bóng đá xuyên tỉnh thì phát hiện Thảo là chân rết trong đường dây này.

Nghe tin bà Thảo bị tù, hàng trăm người dân đã nộp đơn lên cơ quan Công an huyện tố cáo bà Thảo hoạt động “tín dụng đen”, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Dựa vào tài liệu thu thập được cuối năm 2016, lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự bà Nguyễn Thị Thảo, người được xác định là đối tượng chính thực hiện hành vi lừa đảo. Danh sách số bị hại được thống kê tại thời điểm đó lên tới hơn 380 người, hầu hết các người dân trú trên địa bàn huyện Con Cuông cùng một số huyện lân cận.

Cửa hàng vàng bạc do gia đình bị cáo Nguyễn Thị Thảo quản lý. Ảnh tư liệu
Cửa hàng vàng bạc do gia đình bị cáo Nguyễn Thị Thảo quản lý. Ảnh tư liệu

Theo lời khai ban đầu của đối tượng, từ năm 2009, bà Thảo đã nhận tài sản “góp vốn” của hàng trăm người dân tại địa bàn với lời hứa hẹn sẽ trả lãi suất 1.000 đồng/1 triệu đồng/tháng. Thời gian đầu, nhiều người dân sau khi nhận được số tiền trả lãi đầy đủ nên đã kêu gọi người nhà đến góp tiền.

Điển hình như bà N.T.T (trú tại thị trấn Con Cuông) - một trong hàng trăm bị hại - đã “góp vốn” cho doanh nghiệp của bà Thảo. Được người hàng xóm rủ rê, bà N.T.T đã đưa 200 triệu đồng, tiền vốn tích cóp bao nhiêu năm bán hàng của mình để gửi “sinh lời”. Đã 6 năm trôi qua, bà N.T.T vẫn giữ quyển số có đóng dấu đỏ của tiệm vàng Hùng Thảo với chi tiết số lãi, thế nhưng số tiền thực nhận về chỉ mới 60 triệu đồng.

Sau thời gian không được trả tiền lãi với lý do tăng lãi suất nên phải tính lại tiền, bà N.T.T đến hỏi thì mới vỡ lẽ ra bà Thảo mới nhận án phạt tù treo vì tội đánh bạc. Hoảng hốt liên hệ những người hàng xóm cùng góp vốn, thì mới biết ai cũng được hứa hẹn giống mình, bà N.T.T mới ngậm ngùi làm đơn trình báo cơ quan công an.

Tương tự như trường hợp ông L.V.T. (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) như những nạn nhân khác, chỉ vì quá tin tưởng vào bà Thảo mà ông T. đã “giao trứng cho ác”. “Chắt chiu, dành dụm, vợ chồng tôi mới có được số tiền 65 triệu đồng. Quan sát chúng tôi thấy có nhiều người gửi, khi cần có thể lấy ngay, rất thuận tiện, lại nghĩ có con dấu của Nhà nước cấp cho doanh nghiệp nên tôi bàn với vợ gửi cho bà Thảo, vừa có tiền lãi, lại có thể tiết kiệm đề phòng lúc tuổi già ốm đau. Em gái tôi thấy anh gửi cũng gom hết số tiền trong nhà được 75 triệu đồng gửi luôn… Không ngờ lại xảy ra cơ sự này”, ông T. chia sẻ.

Đó chỉ là 2 trong số gần 400 nạn nhân bà Thảo vì “cả tin” mà phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Giải thể vẫn… huy động vốn!

Doanh nghiệp tư nhân Hùng Thảo được ông Nguyễn Phi Hùng (SN 1956), chồng Nguyễn Thị Thảo làm chủ. Doanh nghiệp chuyên kinh doanh mua bán vàng bạc, trang sức, đồ mỹ nghệ, mua bán xe máy các loại. Mặc dù biết doanh nghiệp mình không có chức năng huy động vốn gửi tiền tiết kiệm, nhưng bản thân bà Thảo với vai trò là vợ, đã phát hành phiếu gửi tiền rồi sử dụng con dấu đỏ của doanh nghiệp đóng lên phiếu gửi tiền, để tạo lòng tin làm cho người dân lầm tưởng việc huy động vốn phục vụ cho kinh doanh vàng bạc, xe máy của doanh nghiệp.

Do quá trình huy động tiền gửi của người dân trong thời gian dài (từ năm 2009 đến tháng 10/2015), với số lượng lớn, không có khả năng trả nợ nên ngày 23/10/2015, Nguyễn Thị Thảo đã chỉ đạo kế toán doanh nghiệp soạn thảo quyết định giải thể doanh nghiệp với lý do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có khả năng chi trả các chi phí phát sinh cho Chi cục Thuế huyện Con Cuông, nhưng không thông báo và niêm yết quyết định giải thể tại trụ sở, cũng như không thông báo cho những người dân đến gửi tiền.

Bị cáo Nguyễn Thị Thảo bị truy tố vì tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu
Bị cáo Nguyễn Thị Thảo bị truy tố vì tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu

Qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã xác định Thảo đã lừa đảo 383 người dân, chiếm đoạt 24,8 tỷ đồng. Trong đó, Thảo đã trả được hơn 2,3 tỷ đồng tiền gốc, 868 triệu đồng tiền lãi cho người dân.

Được xem là "nữ đại gia" vàng bạc giàu có ở phố núi phía Tây tỉnh Nghệ An, Thảo còn có cửa hàng kinh doanh xe máy lớn nhất nhì khu vực này. Với uy tín cũng như khối tài sản khổng lồ của mình và gia đình, nên mặc dù đã có quyết định giải thể nhưng Thảo vẫn ra sức kêu gọi huy động vốn nhận tiền gửi của dân với số lượng lớn. Sau khi nhận tiền gửi của dân, Thảo sử dụng vào việc chi tiêu trong gia đình và tiêu xài cá nhân, đến nay Thảo hoàn toàn không có khả năng chi trả lại tiền cho các bị hại. Rồi bỗng nhiên, "nữ đại gia" phố núi bất ngờ bị bắt vì tội đánh bạc và cùng lúc thông báo vỡ nợ khiến hàng trăm người điêu đứng.

143 bị hại đồng loạt làm đơn kháng cáo

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 9/3/2018, trong quá trình xét hỏi, Nguyễn Thị Thảo cho rằng việc giao nhận tiền là do người dân tự nguyện, khi mọi người gửi tiền vào chỗ Thảo sẽ được trả lãi 1.000 đồng/1 triệu đồng/1 tháng. Khi được hỏi về khoản tiền lớn đã huy động được của các bị hại, Thảo vẫn bình thản nói “đã chơi trò đỏ đen” và không còn tiền để trả cho bị hại. Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Thảo tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và buộc bị cáo phải bồi thường cho các bị hại với số tiền 21,6 tỷ đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, đồng loạt 143 bị hại đều nộp đơn kháng cáo. Ảnh tư liệu
Sau phiên tòa sơ thẩm, đồng loạt 143 bị hại đều nộp đơn kháng cáo. Ảnh tư liệu

Bản án sơ thẩm trên không có kháng nghị nhưng đồng loạt 143 bị hại đã nộp đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm yêu cầu làm rõ vai trò trách nhiệm của chồng và con của bị cáo Thảo trong vụ lừa đảo. Các bị hại cũng đề nghị xem xét Thảo có dấu hiệu tẩu tán tài sản cho con gái, đề nghị cơ quan chức năng thu hồi để trả lại tài sản cho các bị hại. Bên cạnh đó, bị hại X. cũng kháng cáo yêu cầu Thảo bồi thường thêm 9 chỉ vàng 9999.

Từ mờ sáng ngày 25/4/2019, hàng trăm người dân là bị hại trong vụ án đã bắt xe đò, đi xe máy vượt 130 km từ huyện miền núi xuống TP. Vinh tham dự phiên tòa phúc thẩm. Trong số 383 bị hại, có hàng trăm người thuộc diện hộ nghèo ở miền núi Nghệ An. Có người từng bán trâu, bò, gà, lợn, đi vay ngân hàng... vì tin tưởng Thảo “đại gia” và để đến khi bị lừa lấy hết tiền khiến gia đình thêm chồng chất khó khăn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau mỗi câu hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Thảo trả lời quanh co với thái độ tỉnh bơ. Bị cáo Nguyễn Thị Thảo một mực kêu oan, cho rằng, số tiền hiện đang ở trong dân. Theo bị cáo, số tiền mà gần 400 người dân gửi vào, Thảo đã mua xe máy rồi bán nợ lại cho 1.589 người dân tại huyện Kỳ Sơn…

Khi được HĐXX hỏi “Không có vai trò gì trong doanh nghiệp tư nhân Hùng Thảo, vậy lấy tư cách gì bị cáo lại nhận số tiền rất lớn của dân?”, thì Thảo cho rằng do chồng ốm nên đứng ra phụ giúp chồng.

HĐXX phúc thẩm nhận định, chưa đủ căn cứ xác định chồng và con trai của Thảo bàn bạc giúp sức cùng Thảo chiếm đoạt số tiền trên. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét các vấn đề mà Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa ra giải quyết trong vụ án. Do đó, nếu các bị hại có căn cứ xác định là việc chồng Thảo (hiện đã chết) và con trai Thảo có hành vi tiếp sức cùng Thảo sử dụng số tiền chiếm đoạt chi tiêu thì có thể tiếp tục làm đơn lên cơ quan điều tra để được xem xét.

HĐXX cũng cho rằng quá trình điều tra, hồ sơ vụ án và quá trình xét xử tại phiên tòa không có căn cứ chứng minh Thảo đã chuyển tài sản cho con gái, do đó, chưa có cơ sở để xem xét tình tiết này. Nếu những người bị hại có đủ căn cứ chứng minh Thảo đã chuyển tài sản cho con gái thì có quyền làm đơn lên cơ quan thi hành án để xác minh làm các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Sau 1 ngày xét xử, tòa phúc thẩm tuyên, chấp nhận một phần kháng cáo và sửa bản án sơ thẩm về bồi thường dân sự cho bà X., không chấp nhận kháng cáo của những người bị hại khác, giữ nguyên các vấn đề khác của bản án sơ thẩm, tuyên phạt Thảo tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Nguyễn Thị Thảo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh tư liệu
Bị cáo Nguyễn Thị Thảo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh tư liệu

Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Thảo phải bồi thường cho những người bị hại như bản án sơ thẩm đã tuyên, buộc anh Nguyễn Cao Cường (con trai của Thảo) phải liên đới bồi thường cho 9 người bị hại. Buộc bị cáo Thảo bồi thường cho bà X. thêm 9 chỉ vàng 9999.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cũng khuyến cáo người dân đang có ý định góp vốn lấy lãi suất cần tìm hiểu đến các cơ quan, tổ chức uy tín, tránh vì ham muốn lãi suất cao mà khiến bản thân rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”./.

Mới nhất
x
x
Cú lừa ngoạn mục của phu nhân tiệm vàng ở huyện miền núi Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO