Cử tri huyện Quỳ Châu nêu những băn khoăn quanh Dự án Thủy lợi bản Mồng
(Baonghean.vn) - Cử tri xã Châu Bình kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Thủy lợi bản Mồng, đồng thời nhanh chóng thực hiện bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống của các hộ dân bị ảnh hưởng.
Chiều 4/10, tại trụ sở xã Châu Bình, các đại biểu Quốc hội được bầu tại đơn vị bầu cử số 2 tiếp xúc cử tri 3 xã Châu Hội, Châu Bình và Châu Nga của huyện Quỳ Châu.
3 đại biểu Quốc hội được bầu tại đơn vị bầu cử số 2 gồm các ông: Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Vi Văn Sơn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Ảnh: T.G |
Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Châu.
Nhiều kiến nghị, băn khoăn
Thay mặt các đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 2, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thông tin đến cử tri dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thông tin đến cử tri dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: T.G |
Diễn ra từ ngày 20/10-13/11/2021, kỳ họp sắp tới dự kiến chia thành 2 đợt, tổ chức bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh đó, kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV dành thời gian xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua - khen thưởng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các đại biểu cũng sẽ tập trung xem xét, nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Cử tri Nguyễn Minh Giảng - Bí thư Chi bộ bản Bình Quang, xã Châu Bình phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: T.G |
Phát biểu tại hội nghị, cho rằng Dự án Thủy lợi bản Mồng kéo dài, thực hiện bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhỏ giọt, ảnh hưởng đến sự ổn định đời sống của nhân dân, cử tri Nguyễn Minh Giảng - Bí thư Chi bộ bản Bình Quang, xã Châu Bình kiến nghị thực hiện bồi thường hỗ trợ người dân trước khi ra quyết định thu hồi đất, và mong muốn các hộ dân còn lại thuộc diện phải giải phóng mặt bằng sớm nhận được đền bù.
Cử tri Phạm Quang Tấn, xã Châu Bình đề cập tới những thiệt hại lớn mà địa phương phải gánh chịu do thiên tai trong những năm trở lại đây, đề nghị Quốc hội nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách, chế tài liên quan đến bảo vệ tài nguyên rừng, nhất là rừng tự nhiên, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc trồng rừng ở các địa bàn miền núi như Quỳ Châu.
Cử tri cụm các xã: Châu Hội, Châu Bình, Châu Nga dự hội nghị tiếp xúc với đại biểu Quốc hội tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu. Ảnh: T.G |
Trong khi đó, cử tri Hà Văn Hoài - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Châu Hội phản ánh khó khăn về nguồn nước sản xuất nông nghiệp tại bản Khứm và bày tỏ quan tâm đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ thân nhân người có công với cách mạng không nên phân biệt đối tượng thụ hưởng là hộ khá hay hộ nghèo…
Đại diện cho xã vùng sâu, vùng xa Châu Nga, cử tri Nguyễn Tất Diện nêu băn khoăn của người dân về việc sáp nhập với xã Châu Hội dự kiến triển khai thời gian tới sẽ gây khó khăn, bất tiện cho người dân khi đi lại, đến trụ sở xã sau sáp nhập để thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là khi trụ sở làm việc hiện nay của 2 xã này cách nhau gần 14 km.
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Nguyễn Thanh Hoài tiếp thu, giải trình các ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền. Ảnh: T.G |
Trước băn khoăn của cử tri về thực trạng “hạ nguồn đắp đập, thượng nguồn phát rừng trồng keo”, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, thời gian tới sẽ quan tâm triển khai các nội dung theo quy hoạch 3 loại rừng. Về chủ trương sáp nhập, ông Hoài cho biết, thời gian tới sẽ tập trung cho việc sáp nhập bản, còn sáp nhập xã cần có thêm thời gian để triển khai thực hiện. Lãnh đạo huyện Quỳ Châu sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa như xã Châu Nga, song điều căn bản nhất là địa phương phải nỗ lực phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội…
Về thắc mắc của cử tri liên quan đến thực hiện chính sách đối với người có công, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, đây là chính sách nhân văn được cân đối từ ngân sách của tỉnh để hỗ trợ, hướng tới đối tượng người có công, thân nhân người có công thuộc diện hộ nghèo nhưng chưa được hưởng trợ cấp tháng. Qua đó, đảm bảo đối tượng này có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân.
Đại biểu Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh trao đổi một số nội dung liên quan đến các vấn đề chính sách dân tộc, miền núi, chính sách bảo vệ rừng,... với cử tri các xã của huyện Quỳ Châu. Ảnh: T.G |
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, ông Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tâm huyết, những băn khoăn, bức xúc, trăn trở trên nhiều lĩnh vực của cử tri và nhân dân huyện Quỳ Châu. Đại biểu khẳng định, thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách mới được ban hành nhằm phát triển hơn nữa vùng miền núi, dân tộc...
Những ý kiến liên quan đến chính sách miền núi, dân tộc, chính sách bảo vệ rừng, chính sách cho cán bộ thôn, bản,… được đại biểu Quốc hội tổng hợp, xem xét kiến nghị các cấp có thẩm quyền hoặc chuyển các cơ quan quản lý Nhà nước trả lời theo quy định.