Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có điểm dừng

Thanh Sơn 17/06/2018 19:18

(Baonghean) - Việc Mỹ và Trung Quốc liên tiếp công bố việc áp đặt mức thuế mới lên hàng hóa của nhau cuối tuần qua cho thấy thực tế đối đầu trong vấn đề thương mại vẫn chưa được giải quyết. Cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế, hai cường quốc lớn nhất thế giới đã tới lúc bùng nổ.

“Ăn miếng trả miếng”

Một cuộc chiến tranh thương mại song phương là khái niệm mô tả chính xác nhất mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc vào lúc này. Ngày 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mặt hàng của Trung Quốc tổng trị giá 50 tỷ USD bị áp mức thuế 25% với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông cũng răn đe bằng tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa.

1.Mỹ - Trung đang bước vào giai đoạn cạnh tranh chiến lược, trước tiên trong lĩnh vực thương mại (AFP)
Mỹ - Trung đang bước vào giai đoạn cạnh tranh chiến lược, trước tiên trong lĩnh vực thương mại. Ảnh: AFP

“Mỹ không thể tiếp tục bỏ qua tình trạng đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ thông qua các quy định kinh tế không công bằng”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), danh sách này bao gồm 818 danh mục sản phẩm, giảm so với 1.333 danh mục mà Tổng thống Trump đề xuất hồi tháng 4 vừa qua. Danh mục hàng hóa đánh thuế này chủ yếu là sản phẩm công nghệ cao, nhưng không bao gồm các hàng hóa mà người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng như TV, điện thoại di động…

USTR cùng ngày cho biết,mức thuế mới 25% đối với 818 danh mục sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/7 tới và sau đó Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế đối với 284 danh mục sản phẩm khác vốn được cho là hưởng lợi lớn từ các chính sách công nghiệp của Trung Quốc, như chương trình phát triển công nghệ mang tên “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”.

Và không mất nhiều thời gian để Trung Quốc quyết định đáp trả. Bắc Kinh đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ bị áp các mức thuế bổ sung.

Ủy ban thuế quan Trung Quốc cũng cứng rắn không kém khi quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ tổng trị giá 50 tỷ USD. Đây được coi là mức đáp trả tương xứng với thiệt hại mà Mỹ gây ra.

Theo tuyên bố của Ủy ban này, mức thuế bổ sung đối với 545 mặt hàng tổng trị giá khoảng 34 tỷ USD, bao gồm nông sản và xe hơi, sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7 tới. Thời gian áp thuế bổ sung đối với 114 mặt hàng còn lại sẽ được thông báo sau.

Thiệt hại thấy rõ

Thị trường đã có những phản ứng tiêu cực sau các diễn biến này. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thị trường giao dịch New York, Mỹ, đã đồng loạt giảm điểm trong phiên mở cửa sáng 15/6.

Nguyên nhân là do tâm lý quan ngại của giới đầu tư đã trở lại sau khi Mỹ chính thức công bố quyết định tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu - động thái có thể đẩy quan hệ thương mại vốn đang căng thẳng giữa hai nước lên một nấc thang mới.

Dù Tổng thống Trump khẳng định giảm nhẹ nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, nhưng giới chuyên gia đều có chung nhận định động thái áp mức thuế mới trên nhiều khả năng sẽ đẩy hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đến bờ vực một cuộc chiến thương mại mà các thị trường và giới công nghiệp đã lo ngại từ lâu.

Lo ngại của thị trường là có cơ sở. Các biện pháp “ăn miếng trả miếng” này không giúp các bên xóa đi bất đồng mà chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc.

1.Đậu tương là một trong những “nạn nhân” của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đây là tin buồn cho ngành nông nghiệp Mỹ và người tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh: ABC news
Đậu tương là một trong những “nạn nhân” của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đây là tin buồn cho ngành nông nghiệp Mỹ và người tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh: ABC news

Ví dụ, giới đầu tư và doanh nghiệp Mỹ đã thấy ngay tác động tiêu cực. Tập đoàn Cargill, công ty tư nhân lớn nhất của Mỹ chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đã kêu gọi Washington và Bắc Kinh đối thoại để các doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng sẽ không bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại.

Trong khi đó, một số công ty lớn của Mỹ như Boeing cho biết, đang bắt đầu đánh giá những tác động từ các biện pháp thuế của Trung Quốc. Boeing đã thu về khoảng 12,8% trong tổng doanh thu năm 2017 từ Trung Quốc và luôn được xem là một trong những công ty đa quốc gia Mỹ dễ bị tổn thương nhất trước một cuộc chiến thương mại “tổng lực”.

Người phát ngôn Boeing Charles Bickers đánh giá mọi hành động trả đũa có thể tác động đến chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại của hãng này.

Thế lưỡng nan với Tổng thống Trump

Bất chấp các vòng đàm phán thương mại song phương ở cấp cao diễn ra hơn 1 tháng qua, có vẻ Mỹ và Trung Quốc vẫn bế tắc trong việc tìm ra một giải pháp, hoặc chính quyền Tổng thống Trump đang chưa thấy hài lòng với thỏa thuận đạt được.

Chuyên gia Dennis Wilder, người đứng đầu chương trình về quan hệ Mỹ - Trung của Đại học Georgetown, nhận định đây là một quá trình thương lượng, trong đó chính quyền Tổng thống Trump cho rằng việc tiếp tục gây áp lực với Bắc Kinh sẽ giúp Washington có thể nhận lại được những đề nghị tốt hơn.

Theo một số nguồn tin, tại vòng tham vấn thương mại hồi đầu tháng 6 này, phái đoàn Mỹ trở về Washington với đề xuất của phía Trung Quốc về việc nhập thêm lượng hàng hóa có tổng trị giá gần 70 tỷ USD từ Mỹ.

Tuy nhiên, đề xuất này có vẻ chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Các yếu tố chính trị cũng giúp Washington tự tin hơn trong việc gia tăng áp lực với Bắc Kinh.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12/6, Mỹ nhận thấy vai trò trung gian của Bắc Kinh đã không còn quan trọng như trước khi mà Mỹ và Triều Tiên đã đạt được bước tiến trong việc thiết lập liên lạc chính thức. Đó có thể coi là bước ngoặt trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung về thương mại.

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang rơi vào “hỗn độn” khi giới chức Trung Quốc không chắc chắn được về mục đích thực sự của Tổng thống Trump.

Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Nicholas Lardy

Về phía Mỹ, cũng còn nhiều vấn đề cần đánh giá lại với các quyết định áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì các ý kiến phân tích đều hướng tới nhận định việc áp thuế với Trung Quốc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với quy mô của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Điều này có nghĩa dù có áp thuế cao và gây bất bình, Mỹ vẫn khó có thể buộc Trung Quốc nhượng bộ hoàn toàn theo mong muốn của Tổng thống Trump, thậm chí nó còn gây ra tác động xấu với kinh tế Mỹ và thế giới. Đó thực sự là thế lưỡng nan với Tổng thống Donald Trump vào lúc này.

Mới nhất
x
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có điểm dừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO