Đặc sản cá lồng ở Anh Sơn sẵn sàng phục vụ Tết
(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng được các hộ dân ở ven Sông Lam huyện Anh Sơn đầu tư nuôi ngày càng nhiều. Hiện nay, các lồng cá đã bắt đầu có khách hàng đặt mua để phục vụ những ngày Tết, đây là kỳ thu hoạch lớn nhất trong năm của các hộ nuôi cá lồng.
Chúng tôi men theo bờ sông Lam đoạn qua xã Thạch Sơn, ghé thăm lồng cá của gia đình bà Nguyễn Thị Liễu. Đang chòng chành trên dãy lồng bên mép sông để cho cá ăn, bà Liễu chia sẻ: Hai vợ chồng bà gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông đã 15 năm nay.
Hiện nay, vợ chồng bà Liễu đang nuôi 2 lồng cá chuẩn bị bán ra dịp Tết này, chủ yếu nuôi loại cá trắm cỏ, với số lượng mỗi lồng 200 con, có cân nặng trung bình trên 5 kg.
Theo bà Liễu, ở đây người dân chủ yếu nuôi cá trắm vì loại cá này dễ nuôi và có giá trị cao. Cá nuôi bằng thức ăn tự nhiên, nguồn nước sạch nên dai thịt, thơm ngon, hơn nữa trọng lượng càng lớn càng ngon nên được khách hàng ưa chuộng. Cá bán dịp Tết giá trung bình 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi lồng cho gia đình bà thu lãi gần 40 triệu đồng.
Những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng được các hộ dân ở ven sông Lam huyện Anh Sơn đầu tư nuôi ngày càng nhiều. Ảnh: Thái Hiền |
Những ngày này, dọc theo bờ sông Lam đoạn động Bến Than tổ dân phố 1, thị trấn Anh Sơn luôn tấp nập người đến đặt hàng đặc sản cá lồng cho dịp Tết. Ông Trần Văn Huy, người có thâm niên nuôi cá lồng trên sông được gần 10 năm cho biết: Gia đình ông nuôi 1 lồng cá, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, nếu thả cá giống nặng từ 0,2-0,3kg/con, chỉ sau 1 năm đã đạt 5 kg/con trở lên. Lồng cá của gia đình ông làm diện tích lớn nên nuôi được dao động từ 200- 500 con.
Để có cá phục vụ thời điểm Tết, vào trung tuần tháng Giêng hoặc đầu tháng 2 âm lịch gia đình bắt đầu thả cá. Trong thời gian này, tiết trời vào Xuân ấm áp, nước sông trong xanh dịu mát, rất giàu ô xi; thích hợp để loài các loài cá phát triển. Để chất lượng cá đảm bảo, gia đình ông Huy đã tận dụng đất dọc bên bờ sông, vườn nhà trồng cỏ, trồng chuối để làm thức ăn cho cá nên được nhiều khách hàng trong và ngoài huyện tìm đến mua ngay tại lồng.
Đặc biệt, Tết luôn là thời điểm nhu cầu tiêu thụ cao nên đây là vụ nuôi quan trọng nhất trong năm. Ông Huy nhẩm tính, vụ Tết này ông sẽ bán ra thị trường ít nhất 5 tạ cá, với giá 120.000- 130.000 đồng/kg, trừ chi phí, sẽ cho gia đình ông thu về hơn 50 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Trần Văn Huy. Ảnh: Thái Hiền |
Bà Cao Thị Nguyên - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Anh Sơn cho biết: Nhận thấy nghề cá lồng là một nghề có triển vọng, Hội Nông dân thị trấn Anh Sơn vận động nhân dân nuôi cá lồng ven sông Lam trên địa bàn thành lập tổ hợp tác. Đến nay, tổ có 12 hộ dân tham gia, mỗi hộ nuôi 1 lồng cá số lượng dao động từ 200 - 500 con. Khi tham gia vào tổ mỗi gia đình sẽ được hỗ trợ 2,5 triệu đồng tiền làm lồng.
Tất cả các hộ nuôi cá lồng trong tổ đều tận dụng dọc bên bờ sông, vườn nhà trồng cỏ, chuối để làm thức ăn cho cá nên chất lượng cá rất đảm bảo. Năm 2020, sản lượng cá của các hộ dân trong tổ hợp tác bán ra thị trường 3-4 tấn cá mang lại nguồn thu không nhỏ cho các gia đình. Hiện nay, các hộ đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn cá để phục vụ cho thị trường Tết.
Mô hình nuôi cá lồng đang được huyện Anh Sơn chú trọng nhân rộng trong thời gian tới. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện Anh Sơn các hộ dân không chỉ trên sông Lam còn nuôi trên hồ đập như mô hình nuôi cá lồng nhựa ở Đức Sơn; mô hình nuôi cá lồng với quy mô lớn 17 lồng ở xã Lạng Sơn; mô hình ở xã Thạch Sơn, Tào Sơn, Tam Sơn. Từ đó, đã góp phần làm tăng sản lượng thủy sản trong năm 2020 lên 1.695 tấn, đạt 103% KH năm, tăng 8,8% cùng kỳ.
Hiện nay, bên cạnh việc chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản, giúp người nông dân tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả, huyện Anh Sơn cũng tuyên truyền, khuyến khích, cùng với đó hỗ trợ người dân kinh phí làm lồng nuôi theo cơ chế phân vùng.
Theo đó, vùng 1 sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng, vùng 2 được hỗ trợ 4 triệu đồng, vùng 3 được hỗ trợ 6 triệu đồng trên một lồng nuôi. Hiện nay, cá lồng tại các địa phương đã có để phục vụ Tết, được khách hàng khắp nơi từ Hà Nội đến thành phố Vinh và trong ngoài huyện đặt hàng trước. Với thị trường tiêu thụ dễ, nên đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, thời gian tới sẽ được Hội Nông dân huyện nhân rộng ra tại các địa phương có lợi thế nằm cạnh sông Lam.