Nhiều khe, suối dần cạn, cán bộ, người dân lên núi tìm nguồn nước chống hạn
(Baonghean.vn) - Trải qua nhiều đợt nắng kéo dài, khe, suối ở nhiều huyện miền núi Nghệ An đang dần cạn nước, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương đã phải huy động lực lượng lên núi khơi thông dòng chảy, tìm nguồn nước chống hạn.
Ở xã Bảo Nam, huyện biên giới Kỳ Sơn, theo chia sẻ của lãnh đạo UBND xã, ngoài những ngày nắng nóng trên 40 độ C đang diễn ra, thì đợt nắng kéo dài gần 1 tháng trước đã khiến các nguồn nước khe, suối trên địa bàn xã đang dần cạn kiệt. Người dân xã Bảo Nam sinh sống và sản xuất hoàn toàn dựa vào nguồn nước lấy từ các khe, suối, vì vậy, thiếu nước không chỉ khiến mùa màng thất bát, ngay cả sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng.
Cán bộ UBND xã Bảo Nam đi kiểm tra nguồn nước khe, suối tại bản Hín Pèn. Ảnh: H.T |
Tại bản Hín Pèn, một trong những bản xa của xã Bảo Nam, Trưởng bản Cụt Phò Anh cho biết, những ngày nắng, khô hạn liên tục khiến nguồn nước từ khe đang cạn dần, người dân hàng ngày phải đi thăm ruộng, rẫy để nắm bắt tình hình khô hạn. "Đường giao thông đi vào các khu sản xuất của người dân bản Hín Pèn cũng như các bản lân cận hiện nay chưa có, hoặc bị sạt lở. Người dân phải đi men theo các sườn núi dốc. Hiện nay, bản Hín Pèn đang huy động nhân dân mở 700m đường vào khu sản xuất và khơi thông dòng chảy để chống hạn cho cây trồng" - anh Cụt Phò Anh cho biết.
Khu sản xuất của anh Cụt Phò Anh nằm giữa một vùng trũng, cách nhà ở khoảng 30 phút đi bộ qua các sườn núi. Để đảm bảo đủ nước cho đàn gia súc và nước tưới cho 0,5 ha ruộng lúa nước, anh phải đầu tư gần 20 triệu đồng mua thêm đường ống dẫn nước từ con khe cách gia trại gần 1 km.
"Tôi phải bán bò để mua đường ống nước. Đã cả tháng nay trời không mưa, nếu không có nước thì trâu, bò, lúa, ngô sẽ chết" - anh Cụt Phò Anh cho biết.
Trưởng bản Hín Pèn, xã Bảo Nam Cụt Phò Anh (bên trái) mua đường ống dẫn nước từ khe, suối về để chống hạn cho khu sản xuất của gia đình. Ảnh: H.T |
Lãnh đạo UBND xã Bảo Nam cho biết, không chỉ những tháng đầu năm 2023 nắng nóng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân nơi đây, mà trong năm 2022, những diễn biến thời tiết thất thường như các đợt rét đậm, rét hại, nắng nóng khiến cây trồng, vật nuôi bị giảm năng suất, chất lượng. Trong đó, lúa rẫy diện tích gieo trỉa chỉ đạt 89% kế hoạch (302 ha/340 ha). Còn diện tích lúa ruộng, do nắng hạn, mưa rét nên chỉ đạt 42,85% so với kế hoạch được giao (3 ha/7 ha). Năm 2023, nếu không chống hạn kịp thời, diện tích gieo trồng của xã Bảo Nam sẽ không đạt kế hoạch.
Cũng trong tình trạng khe, suối đang có dấu hiệu cạn nước, ở xã Tam Quang (Tương Dương), những ngày nắng nóng đầu tháng 5 này, cán bộ UBND xã, cán bộ các bản và người dân đang thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy các khe, suối nhằm duy trì nguồn nước đảm bảo phòng, chống hạn cho hơn 200 ha lúa nước, 250 ha ngô và gần 150 ha rau, đậu các loại và đàn gia súc hơn 5.000 con.
Cán bộ, người dân xã Tam Quang đi tìm nguồn nước và tổ chức khơi thông các dòng chảy khe, suối chống hạn cho cây trồng. Ảnh: CSCC |
Còn ở huyện Quế Phong, đợt nóng cuối tháng 4/2023 địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất là xã Tri Lễ, Tiền Phong, Cắm Muộn. Những ngày nắng đỉnh điểm đầu tháng 5/2023, nắm bắt thông tin dự báo thời tiết hàng ngày, những địa phương này tiếp tục chịu ảnh hưởng, cán bộ UBND các xã, bản đã chủ động tuyên truyền, nhắc nhở người dân có biện pháp phòng, chống nắng nóng, chống hạn cho cây trồng.
Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, địa bàn xã Tri Lễ thì bản Cắm bị ảnh hưởng nhiều nhất với khoảng 16 ha lúa bị hạn hán. Để chống hạn, cán bộ xã, bản cùng người dân ngoài khơi thông dòng chảy khe, suối còn phải thuê thêm máy bơm, góp tiền mua dầu chạy máy để bơm nước cứu lúa.
Nhiều ruộng lúa ở bản Cắm, xã Tri Lễ bị hạn nặng. Ảnh: CSCC |
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh, vụ hè thu-mùa năm nay, Nghệ An phấn đấu đạt 424.410 tấn lương thực có hạt, theo đó, toàn tỉnh sẽ gieo trồng 81.000 ha lúa. Theo nhận định, đây là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệt độ phổ biến cao hơn, trong khi tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm; đặc biệt, ngay từ vụ xuân đã phải điều tiết nước để phục vụ sản xuất, chống hạn vùng Thanh Chương và Đô Lương. Trong khi đó, các hồ, đập, sông, suối và các công trình đầu mối mực nước đang ở mức thấp. Dự kiến toàn tỉnh có đến trên 6.500 ha có nguy cơ hạn, thiếu nước.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 4/2023, mực nước trên các sông khu vực Bắc Trung Bộ biến đổi chậm theo xu thế giảm dần, thượng lưu chịu ảnh hưởng bởi điều tiết thủy điện, hạ lưu các sông ảnh hưởng của thủy triều. Vì vậy, khu vực Nghệ An lưu lượng nước trên các sông, hồ chứa, các khe, suối có chiều hướng giảm dần.
Người dân bản Cắm lấy nước sinh hoạt từ khe, suối dự trữ. Ảnh: CSCC |
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ cũng dự báo, từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 5/2023, mực nước trên các sông khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Trên các sông khu vực Bắc Trung Bộ từ tháng 4 đến tháng 6/2023 lượng dòng chảy trung bình trên các lưu vực sông Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 35%.
Dự báo tháng 8/2023, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên khu vực Bắc Trung Bộ, cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Vì vậy, khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế-xã hội. Thời tiết cực đoan như mưa lớn, nắng nóng, dông, lốc, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe, người dân cần nắm bắt thông tin và có những biện pháp chủ động phòng, chống hiệu quả.