Đảm bảo quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân
(Baonghean.vn) - Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, điều cần quan tâm hiện nay tại các Khu công nghiệp chính là phải bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân, đảm bảo yêu cầu đồng bộ khu nhà ở và các thiết chế văn hóa kèm theo.
Sẵn sàng quỹ đất trong quy hoạch
Khu kinh tế (KKT) Đông Nam trải rộng trên địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, các thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò và thành phố Vinh. Ngoài khu vực KKT Đông Nam, hiện còn có 6 KCN với tổng diện tích 1.660 ha, bao gồm: Bắc Vinh (60ha), Nghĩa Đàn (200ha), Tri Lễ (200ha), Sông Dinh (300ha), Tân Kỳ (600ha) và Phủ Quỳ (300ha), thuộc địa bàn các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, thị xã Thái Hòa và thành phố Vinh.
Ông Đinh Minh Sơn – Phó Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng, KKT Đông Nam cho biết: Việc bố trí hoặc định hướng bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và các thiết chế của công đoàn luôn được Ban Quản lý KKT Đông Nam quan tâm thực hiện.
Một góc KCN Nam Cấm tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: Tư liệu |
Hiện nay, tại KCN VSIP Nghệ An đã bố trí quỹ đất để xây dựng khu nhà ở công nhân trong khu vực quy hoạch đất đô thị của dự án khu công nghiệp. Tại KCN Nam Cấm và KCN Thọ Lộc, quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân được bố trí trong các khu chức năng đô thị gần các KCN này. Hay như tại KCN Hoàng Mai I đã điều chỉnh quy hoạch để dành khoảng 30ha ở phía Bắc phục vụ đầu tư xây dựng ký túc xá cho công nhân. Tại KCN Hoàng Mai II và KCN Đông Hồi đã bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân trong các khu vực quy hoạch đất ở mới của quy hoạch thị xã Hoàng Mai.
Ngoài ra, tại KCN Bắc Vinh, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai xây dựng thiết chế của công đoàn tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh. KCN Nghĩa Đàn đã được định hướng để bố trí khoảng 80ha tại khu vực phía Tây trong quy hoạch chi tiết xây dựng KCN được phê duyệt để xây dựng khu nhà ở và thiết chế cho công nhân. Hay KCN Tân Kỳ đã được định hướng bố trí khoảng 22,2ha tại khu vực phía Đông Bắc trong quy hoạch chi tiết xây dựng KCN được phê duyệt để xây dựng nhà ở cho công nhân…
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện của một dự án tại KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: Tư liệu Thành Duy |
“Thời gian tới, Ban Quản lý KKT Đông Nam tổ chức lập các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong KKT Đông Nam theo Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể tại Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 15/02/2023. Trong đó, tiếp tục rà soát quỹ đất xây dựng các khu nhà ở công nhân đảm bảo nhu cầu phát triển các KCN” - ông Sơn cho biết thêm.
Cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch
Hiện tại, ở KKT Đông Nam và các KCN Nghệ An đã có 5 dự án nhà ở xã hội cho công nhân lựa chọn được chủ đầu tư (đáp ứng cho khoảng 22.780 công nhân), trong đó có 3 dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư, 1 dự án đang triển khai thi công, 1 dự án chưa triển khai đầu tư do gặp khó khăn về nguồn ngân sách.
Trong các KCN, KKT hiện có 138 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho khoảng hơn 30.000 người lao động, với thu nhập bình quân 7,299 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này nếu tính theo thu nhập bình quân của cả tỉnh thì có vẻ là cao, tuy nhiên trên thực tế ngoại trừ số ít cán bộ, công nhân lao động tại Công ty TNHH Luxshare-ICT Nghệ An tại KCN VSIP Nghệ An, cùng một số doanh nghiệp nhỏ là được bố trí nhà ở tập thể, còn rất nhiều lao động làm việc tại các KCN nhưng không có nhà ở, phải đi thuê trọ tại các dãy nhà trọ chật chội, ẩm thấp khiến chi phí sinh hoạt bị đội lên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động.
Chưa kể, việc thiếu nhà ở cũng như các thiết chế văn hóa, xã hội như nhà văn hóa cộng đồng, nhà trẻ, trường mầm non cho công nhân cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều lao động không mặn mà về Nghệ An làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kiểm tra quy hoạch tại huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng |
Ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho rằng, việc bố trí khu đất quy hoạch để xây dựng nhà ở công nhân cũng như các thiết chế về văn hóa cho công nhân lao động là điều hết sức cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật. Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch đã đề ra, đảm bảo tại mỗi KCN đều dành riêng quỹ đất để xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động.
Cần xác định yêu cầu rõ đối với các doanh nghiệp đầu tư KCN, khi xây dựng phải tính đến việc bố trí nhà ở cho công nhân và các thiết chế xã hội liên quan. Những địa phương có KCN đứng chân cũng cần xây dựng quy hoạch cụ thể, nếu tại các KCN chưa có quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân thì địa phương có thể chủ động lập quy hoạch, xây dựng các khu vực lưu trú cho công nhân gần với KCN; bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa nhằm đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó.