Đám cưới ấm cúng, giản dị của đôi vợ chồng khuyết tật ở vùng cao Nghệ An

Hữu Vi 16/03/2024 16:49

(Baonghean.vn) - Không người dẫn chương trình, loa đài nhưng đám cưới của anh Lương, chị Hồng Hạnh (Quỳ Châu - Nghệ An) vẫn ấm cúng và giàu cảm xúc.

Đám cưới không ảnh cưới

Trong buổi sáng đầu tháng hai âm lịch năm Giáp Thìn 2024, khá đông người bản Tả Sỏi, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu đến dự cưới anh Lương Văn Lương, chị Lê Hồng Hạnh. Ai nấy chia sẻ niềm vui cùng đôi vợ chồng mới có hoàn cảnh đặc biệt này.

bna-anh-luong-1-1930.jpeg
Đôi vợ chồng trẻ không may mắc khuyết tật từ nhỏ nhưng luôn lạc quan yêu đời. Ảnh: Hữu Vi

Anh Lương (sinh năm 1979) bị khuyết tật ở hai chân khiến anh không thể đứng thẳng, đi lại rất vất vả. Chị Hạnh (sinh năm 1996) lành lặn hơn nhưng tay phải yếu, vóc dáng nhỏ nên làm lụng khó khăn.

Đêm trước ngày cưới, biết hoàn cảnh của hai người, anh Quang Văn Cường công tác tại Hội Chữ thập đỏ huyện Quỳ Châu dùng xe cá nhân giúp anh Lương đến nhà gái ở xã Tiền Phong (huyện Quế Phong) đón dâu. Theo tập tục người Thái, cô dâu về nhà chồng vào ban đêm mang theo những thứ đồ hồi môn gồm chăn, gối, đệm. Cha chị Hạnh là ông Lê Văn Ngoan chia sẻ: “Gia đình không khá giả, không cho con được nhiều quà”.

bna-3-3781.jpeg
Đám cưới giản dị nhưng vô cùng ấm áp của đôi vợ chồng khuyết tật. Ảnh: Hữu Vi

Để gia đình anh Lương đỡ gánh nặng, nhiều người dân giúp gạo, củi và phục vụ đám cưới. Đám cưới không có loa đài và người dẫn chương trình như thường thấy. Nhà chật hẹp, nên anh Lương chỉ thuê một rạp nhỏ, có sân khấu để mọi người chụp ảnh lưu lại kỷ niệm. Đôi vợ chồng cũng quyết định không làm ảnh cưới. “Miễn sao sống với nhau hạnh phúc. Ảnh cưới chụp sau cũng được” - anh Lương Văn Lương tâm sự. Đám cưới thêm phần long trọng khi có mặt của đại diện Mặt trận Tổ Quốc và Hội Người khuyết tật huyện Quỳ Châu.

Nghị lực của chàng trai khuyết tật

Dù hoàn cảnh không được may mắn như nhiều người, nhưng Lương Văn Lương và Lê Hồng Hạnh luôn sống nghị lực. Hai người biết vượt lên nghịch cảnh và tìm thấy nhau như một cơ duyên.

Từ sơ sinh, đôi chân của Lương Văn Lương đã quặt quẹo, yếu ớt. Lên 5 tuổi anh vẫn phải lết như trẻ mới tập đi. Về sau anh cũng chẳng thể đứng thẳng như người bình thường. Cha mất từ ngày anh còn bé, mẹ lại nghèo khổ, anh Lương chưa bao giờ đi khám bệnh viện. Mọi người chỉ đoán rằng do cơ chân kém phát triển nên thành ra khuyết tật.

Dù yếu ớt nhưng từ lâu Lương Văn Lương đã trở thành lao động chính trong nhà. Với một chiếc ghế gỗ, anh có thể ngồi cuốc đất, đào ao và lết đi khắp nhà lo cơm nước, giặt giũ, nhanh nhẹn, thuần thục chẳng kém người lành lặn.

“Cuộc sống của mình bắt đầu thay đổi lớn khi có chiếc xe ba bánh” - Lương Văn Lương tiếp tục kể. Hơn 3 năm trước, chính quyền địa phương hỗ trợ anh chiếc xe gắn máy 3 bánh dành cho người khuyết tật, chăn chiếu và một ít vật nuôi. Từ đó chiếc xe trở thành đôi chân thực sự của anh. Có phương tiện đi lại, anh Lương bắt đầu tìm đến những nơi trồng và bán các thứ rau, củ, quả ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong để thu mua và đem bán lại cho người dân. Dù vẫn vất vả nhưng nhờ đó mà Lương Văn Lương có thêm thu nhập giúp gia đình.

Hình ảnh chàng trai khuyết tật nhưng luôn cười tươi, chuyện trò hài hước đã trở nên quen thuộc với nhiều người buôn bán ở chợ ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong. Anh còn tìm đến xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong) cách nhà 45km để mua rau về bán.

Đánh liều cầu hôn

Hoàn cảnh của chị Lê Hồng Hạnh cũng khá đặc biệt. Ông Lê Văn Ngoan, bản Tạng, xã Tiền Phong (Quế Phong - Nghệ An) bố đẻ chị Hạnh chia sẻ: “Từ nhỏ tay phải của cháu nó đã yếu cơ nên lao động cũng vất vả. Gia đình đưa đi khám, chữa nhưng chỉ giảm nhẹ chứ không khỏi hẳn”.

bna-dam-ruoc-dau-cua-anh-luong-chi-ahnhj-anh-huu-vi-1681.jpeg
Lễ rước dâu của anh Lương và chị Hạnh có đông đủ bà con dân bản. Ảnh: Hữu Vi

Dù vậy chị Hạnh vẫn rất chăm chỉ và có thể tự lập trong cuộc sống. Ngày ngày, người con gái nhỏ nhắn vẫn đánh cá, bắt cua đem bán ở một chợ cóc cạnh quốc lộ. Chị cũng mua thêm các thứ rau, quả bán kèm. Một lần ngồi bán hàng, chị đã gặp được anh Lương Văn Lương. “Ngày đầu gặp nhau chỉ trêu đùa vì anh ấy vui tính còn em thì ngại nói chuyện. Ai ngờ quen được nhau” - chị Lê Hồng Hạnh bộc bạch.

Anh Lương Văn Lương chia sẻ: “Từ hôm gặp nhau cho đến khi mình hỏi cưới cô ấy chỉ có 4 ngày. Mới quen nhưng mình đã ngỏ lời cầu hôn. Tưởng “làm liều” thế người ta sẽ từ chối, ai ngờ cô ấy gật đầu luôn. Vậy là đưa về ra mắt gia đình rồi hai nhà chọn ngày cưới. Nhanh gọn lẹ lắm!”

Nói về dự định tương lai của đôi vợ chồng, anh Lương Văn Lương cho hay, sẽ vay ít vốn để gây dựng kinh tế gia đình. Anh Lương đưa ra một mục tiêu rất rõ ràng và có phần khiêm tốn: “Mình sẽ mua 20 con ngan, 2 con lợn để vợ ở nhà nuôi. Mình thì sẽ tiếp tục bán hàng”.

Anh Quang Văn Cường, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Quỳ Châu chia sẻ: “Bản thân tôi rất nể phục nghị lực của anh Lương, chị Hạnh. Đây có thể là tấm gương cho nhiều người chưa may mắn tìm thấy nguồn cảm hứng để vươn lên trong cuộc sống”.

Mới nhất

x
Đám cưới ấm cúng, giản dị của đôi vợ chồng khuyết tật ở vùng cao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO