Dân vận khéo, sáng bản làng
(Baonghean.vn) - Là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90% dân số. Những năm qua, huyện Quế Phong đã áp dụng nhiều giải pháp “dân vận khéo”, tạo phong trào thi đua sôi nổi, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở thôn bản.
Đổi thay từ thôn bản
Bản Khủn Na, xã Đồng Văn (Quế Phong) có 107 hộ/446 khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái, trong đó, có 51 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo, trình độ dân trí không đồng đều, thu nhập của các hộ gia đình thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Để động viên nhân dân vượt khó, vươn lên xây dựng thôn bản, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" của huyện Quế Phong đã xây dựng mô hình đường cờ, đường điện tại bản Khủn Na, hình thành 30 cột đèn năng lượng mặt trời kết hợp treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên tuyến đường dài 900m với tổng giá trị 87 triệu đồng do tỉnh, huyện hỗ trợ, người dân tích cực đóng góp ngày công. Đoạn đường sáng - xanh - sạch - đẹp đã mang lại sức sống mới cho diện mạo của thôn bản.
Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Nhà máy Thủy điện Hủa Na. Ảnh tư liệu: Ngân Hạnh |
Còn tại bản biên giới Piêng Lâng, nằm ở đầu nguồn dòng Nậm Giải, sát biên giới Việt - Lào (điểm tái định cư của các hộ dân bản Pục, bản Méo bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét lịch sử năm 2007), cuộc sống của bà con nay đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, sau khi được Ban Dân vận Huyện ủy chọn làm điểm để xây dựng mô hình dân vận khéo "cải tạo tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội khu dân cư”, người dân đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, nếp làm.
Nếu như trước đây, đời sống sinh hoạt của người dân còn lạc hậu, toàn bản chỉ có 21/56 hộ (chiếm tỷ lệ 37,5%) có nhà vệ sinh. Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm còn tạm bợ hoặc nuôi thả rông, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường chung. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi còn hạn chế, đất đai, vườn nhà chủ yếu trồng cây tạp, cây có giá trị kinh tế thấp. Thì nay, nhờ “dân vận khéo”, toàn bộ 56/56 hộ đã làm xong nhà vệ sinh, trong đó, Ban Dân vận Huyện ủy hỗ trợ 30 triệu đồng, nhân dân đóng góp tự đầu tư làm công trình 860 triệu đồng; có 52/56 hộ di dời chuồng trại ra khỏi sàn nhà, đạt tỷ lệ 92,5%.
Mô hình trồng lúa nếp Cày Nọi ở bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải (Quế Phong). Ảnh: Gia Huy |
Theo Bí thư chi bộ Ngân Văn Minh, hiện tại, người dân trong bản đang triển khai mô hình trồng khoai sọ với diện tích 6 ha; bên cạnh đó, tích cực trồng keo, quế, sở, xoan và 10 ha hoa màu các loại. “Những năm gần đây, đời sống người dân trong bản cũng ấm no hơn khi chăn nuôi được đẩy mạnh, toàn bản hiện có tổng đàn trâu, bò gần 230 con, đàn lợn 150 con, đàn dê 30 con, gia cầm 2.000 con và gần 2 ha ao cá. Đã có một số hộ hình thành gia trại chăn nuôi quy mô lớn ”, ông Ngân Văn Minh nói thêm.
Người dân bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải (Quế Phong) tích cực phát triển mô hình trồng khoai sọ cho thu nhập cao. Ảnh: Gia Huy |
Về với bản Pục - bản đồng bào Thái thuộc xã Nậm Giải, ấn tượng đầu tiên là những tuyến đường mới đổ bê tông sạch sẽ bao phủ từ trục chính đến các tuyến nhánh.
Chị Ngân Thị Phượng - Bí thư Chi bộ bản Pục cho hay: “Đường mới làm xong, xi măng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ, còn bản vận động nhân dân đóng góp ngày công và kinh phí 36 triệu đồng mua cát, sỏi để làm 5 tuyến chính, 2 tuyến phụ. Nhờ “dân vận khéo” giờ đường giao thông ở bản Pục đã gần như được làm mới toàn bộ”.
Những con đường bê tông hóa đã mang lại diện mạo mới cho bản Pục, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Ảnh: Gia Huy |
Chi bộ, Ban Quản lý bản còn kiên trì vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hiện tại, ngoài trồng 30 ha quế, 20 ha keo, người dân bản Pục tích cực chăn nuôi trâu, bò. Hầu như gia đình nào cũng có từ 5-6 con trâu, bò, nhà nhiều lên tới 38 con… hướng tới xây dựng bản làng sáng, xanh, sạch và no ấm.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Quế Phong là huyện miền núi cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, với 74,793 km đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Toàn huyện có 12 xã và 1 thị trấn (trong đó, có 4 xã biên giới) với 107 xóm, bản; 16.043 hộ dân với hơn 73.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thông qua việc xây dựng chương trình công tác năm và đưa nội dung giám sát phong trào thi đua này vào chương trình làm việc và chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở hưởng ứng tích cực.
Đoàn đại biểu Quốc hội dự Ngày hội Đại đoàn kết ở bản Chà Lấu, xã Nậm Giải (Quế Phong). Ảnh tư liệu: Đ.C |
Năm 2022, toàn huyện xây dựng được 90 mô hình "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt, chú trọng xây dựng mô hình ở các thôn, bản. Cụ thể, trên lĩnh vực phát triển kinh tế, toàn huyện có 47 mô hình, nổi bật như “Tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả kinh tế, trồng thử nghiệm mô hình đu đủ Đài Loan”, “Tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng hàng hóa” của Đảng bộ, chính quyền; “đồng hành giúp dân nâng cao, cải thiện đời sống hướng tới thoát nghèo” của Đảng bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã giúp đỡ 3 hộ gia đình quản lý, chăm sóc, bảo vệ vườn trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp từ việc cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các loại hình dịch vụ, tạo việc làm cho người lao động, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, toàn huyện xây dựng được 22 mô hình, điển hình như “Dân vận khéo trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ tập tục lạc hậu gắn với xóa đói, giảm nghèo tại bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải” của Ban Dân vận Huyện ủy; “Hỗ trợ bản về đích nông thôn mới” gắn với “hỗ trợ con giống cho 4 hộ nghèo đặc biệt khó khăn tại bản Khủn Na, xã Đồng Văn” của Đảng bộ cơ quan Đảng - Đoàn thể; “Chi hội phụ nữ "5 không, 3 sạch" xây dựng nông thôn mới” lồng ghép “Tổ/nhóm hộ liền kề nhà sạch, vườn đẹp tại bản Khủn Na, xã Đồng Văn” của Hội LHPN huyện.
Bản Chiếng xã Hạnh Dịch (Quế Phong) vui Ngày hội Đại đoàn kết. Ảnh tư liệu: Châu Khang |
Lĩnh vực quốc phòng - an ninh cũng xây dựng được 7 mô hình hiện có dấu ấn như “An ninh tự quản đường biên, cột mốc tại bản Nậm Tột”, “đảm bảo an ninh, trật tự thôn, bản tại Huồi Mới” của Đồn Biên phòng Tri Lễ; “Chi hội CCB gương mẫu trong việc thực hiện và vận động nhân dân bảo vệ an ninh biên giới tại bản Mường Phú, xã Thông Thụ” của Hội CCB, “Dân vận khéo trong vận động nhân dân chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trôi nổi” của Công an huyện...
Các mô hình giúp tuyên truyền, hướng dẫn và vận động nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương gắn với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh biên giới, chống di, dịch cư trái pháp luật, chống tái trồng cây thuốc phiện, tàng trữ, buôn bán trái phép các chất ma tuý, chống phá rừng và công tác phòng, chống cháy rừng, chống truyền đạo trái pháp luật; xây dựng hệ thống chính trị vùng biên giới vững mạnh.
Theo lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong, thời gian tới, Ban Chỉ đạo của huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai sâu rộng, có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị.
Trong đó, chú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo" tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng đồng bào có đạo, từng bước vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, phát triển kinh tế, làm thay đổi diện mạo thôn, bản, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…