Đặt lợi ích chính đáng của Nhân dân lên trên hết
(Baonghean.vn) - Thực hiện Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Quế Phong đã triển khai thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
Giám sát có trọng tâm, trọng điểm
Nội dung, phương thức hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Quế Phong có nhiều đổi mới; quan tâm tăng cường thực hiện giám sát có trọng tâm, trọng điểm liên quan đến lợi ích sát sườn của người dân. Ngoài giám sát trực tiếp, còn giám sát gián tiếp thông qua hồ sơ, văn bản. Trong năm 2022, MTTQ huyện và các tổ chức thành viên đã triển khai được 19 cuộc giám sát trực tiếp.
Đoàn kiểm tra của MTTQ tỉnh làm việc với MTTQ huyện Quế Phong. Ảnh: CSCC |
Qua đó, chỉ ra được những khó khăn, bất cập, kiến nghị cấp ủy, chính quyền chỉ đạo khắc phục, giải quyết. Chẳng hạn như qua giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại UBND các xã, thị trấn, đoàn giám sát đã chỉ ra thực trạng: Việc tuyên truyền thực hiện chính sách hỗ trợ người dân ở một số đơn vị cấp xã chưa được thường xuyên; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, trong việc thực hiện rà soát, thẩm định hồ sơ đối tượng thụ hưởng chính sách còn có mặt hạn chế. Số lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) làm việc ở ngoài tỉnh trở về địa phương nhiều, nhưng chưa được hưởng hỗ trợ theo chính sách của tỉnh. Công tác rà soát đối tượng, lập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách còn chậm so với thời gian quy định của cấp trên…
Xây dựng nông thôn mới ở cơ sở là một trong những nội dung được MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Quế Phong quan tâm giám sát. Ảnh tư liệu: ĐC |
Hay qua giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện năm 2022. Bên cạnh nêu rõ những ưu điểm, báo cáo giám sát của MTTQ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Đó là việc tiếp thu, nghiên cứu, quán triệt các quy định của Đảng về công tác cán bộ, đảng viên ở một số đảng bộ còn chậm. Một số cán bộ chưa chịu khó nghiên cứu các văn bản của Đảng để tham mưu triển khai, thực hiện. Chưa phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là Ban Công tác Mặt trận, các chi hội, đoàn thể ở thôn, bản và Nhân dân trong việc giám sát và cung cấp thông tin phản ánh đối với cán bộ, đảng viên có biểu hiện vi phạm đạo đức, lối sống, đạo đức công vụ.
Giám sát và phản biện xã hội đã và đang là một nội dung công tác không thể tách rời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thực chất, không nên ôm đồm nhiều vấn đề mà cần lựa chọn từ thực tế cuộc sống để triển khai
Trong năm 2022, không chỉ riêng MTTQ mà các tổ chức thành viên cũng đã lựa chọn những vấn đề giám sát rất sát thực. Điển hình như Hội Phụ nữ huyện giám sát việc triển khai thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số tại UBND xã Thông Thụ. Liên đoàn Lao động huyện giám sát việc chi trả chế độ làm ngoài giờ cho đoàn viên công đoàn và người lao động tại Trung tâm Y tế huyện.
Huyện đoàn giám sát việc thực hiện Quyết định 289-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên tại các xã Tri Lễ, Hạnh Dịch, Nậm Nhoóng và tình hình triển khai thực hiện Luật Trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại UBND các xã Mường Nọc, Đồng Văn.
Hội CCB huyện giám sát việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế và mai táng phí đối với CCB theo Nghị định số 150/2006/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh cựu chiến binh” được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 157/2016/NĐ-CP.
“Kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất sau giám sát được thực hiện nghiêm túc, kịp thời; các ý kiến đều được MTTQ cấp huyện đến cơ sở tổng hợp phản ánh lên các ngành, các cấp giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý” - bà Hà Thị Tuyết cho hay.
Bám dân, bám cơ sở
Quế Phong là huyện miền núi cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, có trên 90,04% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc thù địa bàn rộng, dân số đông, bên cạnh các hình thức giám sát, MTTQ và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều kênh thông tin để nắm bắt những vấn đề phát sinh ở cơ sở, qua đó, phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời.
MTTQ xã Quang Phong, huyện Quế Phong thực hiện chương trình giám sát ở cơ sở. Ảnh: CSCC |
Điển hình như trường hợp theo đạo của một hộ dân ở bản Na, xã Nậm Nhoóng; việc truyền đạo trái pháp luật tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ. Hay tình hình xâm canh giữa nhân dân bản Pà Khốm, xã Tri Lễ với một số hộ dân giáp ranh tại bản Thăm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương.
Theo ông Vi Văn Du - Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ: Cấp ủy, chính quyền, BĐBP, MTTQ và đoàn thể các cấp đã tuyên truyền, vận động được 3 hộ cam kết không tuyên truyền, phát triển đạo Tin lành trên địa bàn; vận động 1 hộ/7 khẩu (đã phá bỏ bàn thờ tổ tiên) lập lại bàn thờ và quay trở lại sinh hoạt theo phong tục địa phương. Bên cạnh đó, việc xâm canh giữa nhân dân bản Pả Khốm, xã Tri Lễ với một số hộ giáp ranh tại bản Thăm Thẩm, xã Nhôn Mai (Tương Dương) cũng đang được chính quyền 2 xã, 2 huyện phối hợp giải quyết nhằm ổn định tình hình cơ sở.
Một số đơn vị cấp xã cũng đã làm tốt công tác này, điển hình như xã Châu Kim, trong năm 2022, thực hiện Quyết định số 2869/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch Khu du lịch cộng đồng và Bảo tồn văn hóa người dân tộc Thái tại bản Khoẳng, Ủy ban MTTQ xã phối hợp tổ chức 26 buổi tuyên truyền, vận động 34 hộ gia đình nằm trong quy hoạch dự án để giải phóng mặt bằng. Đến nay, đã vận động được 30/34 hộ nhận hỗ trợ, còn 4 hộ đang tiếp tục tuyên truyền, vận động. Trong quá trình vận động, MTTQ cũng đại diện cho các hộ dân để có ý kiến với đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án về thỏa thuận mức hỗ trợ, tạo việc làm sinh kế cho người dân trong quá trình triển khai dự án và khi đưa vào hoạt động. Đồng thời, phối hợp hòa giải thành công 2 đơn thư của công dân liên quan đến tranh chấp đất đai trên địa bàn.
Theo bà Vi Thị Ngân - Chủ tịch MTTQ xã Châu Kim: Trong năm 2022, bên cạnh việc tham gia với Thường trực và các ban của HĐND xã đã giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp HĐND, giám sát chính sách hỗ trợ nhà ở trên địa bàn, giám sát các công trình, chương trình dự án đã và đang đầu tư trên địa bàn, giám sát việc tiếp nhận và sử dụng xi măng hỗ trợ theo Nghị quyết 24/2020/NQ-HĐND tại bản Cọ Muồng…
Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ xã Châu Kim (Quế Phong) đã giám sát việc tiếp nhận và sử dụng xi măng hỗ trợ theo Nghị quyết 24/2020/NQ-HĐND tại bản Cọ Muồng. Ảnh: CSCC |
MTTQ xã đã tổ chức giám sát chính sách hỗ trợ đối với các bản về đích nông thôn mới tại Kim Khê, Hữu Văn. Thông qua công tác giám sát đã kịp thời đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, thiếu sót. Đó là thực trạng công tác lưu trữ hồ sơ của ban quản lý thôn, bản còn hạn chế, việc nắm bắt, tiếp nhận khi thay đổi nhân sự sau đại hội chi bộ, ban quản lý thôn, bản còn hạn chế. Nhiều tiêu chí còn nợ hoặc đạt thấp sau 3 năm vẫn chưa có phương án để thực hiện hiệu quả, tiêu chí thu nhập không ổn định…
MTTQ xã Quang Phong (Quế Phong) kiểm tra, giám sát chương trình hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ảnh: CSCC |
Còn tại xã Quang Phong, từ việc bám nắm cơ sở, MTTQ xã đã tổ chức kiểm tra giám sát chương trình hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo và hộ cận nghèo tại bản Tín Pủ và bản Cu; đồng thời, kiểm tra nguy cơ sạt lở của các hộ dân ở bản Cu sau bão số 4. Qua đó, kiến nghị cấp ủy, chính quyền có giải pháp xử lý kịp thời.
Theo thống kê, trong năm 2022, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trên địa bàn huyện Quế Phong đã tổ chức giám sát được 40 cuộc. Trong đó, một số đơn vị thực hiện tốt công tác giám sát như: Châu Kim (5 cuộc), Tri Lễ (4 cuộc), thị trấn Kim Sơn (9 cuộc), Đồng Văn (7 cuộc), Tiền Phong (8 cuộc)…
Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) một ngày mới. Ảnh tư liệu: Lê Quang Dũng |
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng bổ sung và tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện Quyết định 217, 218-QĐ/TW, đặc biệt là cấp cơ sở. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của các đơn vị đã được giám sát”- lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Quế Phong cho hay.