Dấu ấn từ 'Dân vận khéo' ở xã biên giới Nậm Giải

Gia Huy 04/11/2023 15:59

(Baonghean.vn) -Là xã biên giới khó khăn thuộc huyện Quế Phong, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Giải luôn chú trọng thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, cuộc sống của người dân cũng no ấm, đủ đầy hơn.

Nhân rộng các mô hình kinh tế

Ấn tượng khi đến với Nậm Giải là những cánh đồng lúa trải dài, những đồi keo, quế hút tầm mắt. Dẫn chúng tôi đi thăm đồi quế hơn 3ha của gia đình mình, anh Ngân Đình Tuấn 34 tuổi ở bản Pục vui vẻ cho hay: Năm ngoái gia đình tôi khai thác 400 cây quế thu về 70-80 triệu đồng, phấn khởi lắm.

Ở bản Pục hầu như nhà nào cũng trồng quế, nhiều hộ trồng tới 5-6ha như gia đình ông Ngân Văn Chính, Vi Hải Thu.

Vườn quế anh Ngân Đình Tuấn 34 tuổi ở bản Pục xã Nậm Giải (ngoài cùng bên phải). Anh KL.JPG
Cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Quế Phong và cán bộ xã Nậm Giải thăm vườn quế của gia đình anh Ngân Đình Tuấn 34 tuổi ở bản Pục (ngoài cùng bên phải). Ảnh: GH

Cùng đi, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giải Lữ Thị Tiến thông tin thêm: “Bên cạnh cây keo, bo bo, quế Quỳ được xác định là 1 trong những loài cây sinh kế cho thu nhập cao ở xã Nậm Giải nên cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng quế. Trong đó yêu cầu gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu để bà con làm theo”.

Do vậy ở Nậm Giải, không chỉ cán bộ thôn, bản mà ngay cả hộ các cán bộ xã đều có vườn quế. Ví như gia đình Chủ tịch UBND xã Nậm Giải Lô Minh Tường có hơn 1.000 gốc quế, gia đình Phó Chủ tịch UBND xã Lữ Thị Tiến có 4.000 gốc.

Hiện tại toàn xã Nậm Giải có trên 75ha quế sản lượng khai thác đạt 3,3 tấn; 209ha keo/5 thôn, bản, diện tích khai thác 132ha; cây sở 31ha, năng suất đạt 25 tạ/ha; cây bo bo 436ha...

Người dân Nậm Giải thoát nghèo nhờ mô hình nuôi gà địa phương. Anh KL.JPG
Người dân Nậm Giải thoát nghèo nhờ mô hình nuôi gà địa phương. Ảnh: Gia Huy

Bên cạnh tập trung vận động nhân dân phát triển các loài cây sinh kế, bảo vệ rừng với tỷ lệ che phủ đạt 83,72%, xã còn chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh nhân rộng các mô hình HTX, gia trại, trang trại. Hiện trên địa bàn xã có 1 HTX dịch vụ nông nghiệp, 8 gia trại chăn nuôi trâu, bò từ 20 con trở lên, 16 gia trại chăn nuôi gà địa phương, 1 HTX chăn nuôi gà, 1 mô hình chăn nuôi lợn đen với 15 hộ tham gia.

Anh Ngân Văn Lâm ở bản Pục có gia trại chăn nuôi gà rộng lớn với quy mô từ 700-1000 con cho biết, năm nay anh đã xuất 4 lứa, mỗi lần xuất bán thu về khoảng 70-80 triệu đồng, từ đầu vào đến đầu ra đều có HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Tâm bao tiêu, gà chủ yếu nhập ở thị trấn Kim Sơn và các vùng lân cận.

Qua trao đổi, lãnh đạo xã Nậm Giải cho hay: Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn (2021 - 2023), cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Khối Dân vận cấp xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia xây dựng và duy trì thực hiện 30 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực.

Mô hình trồng lúa nếp cày nọi ở bản Piêng Lâng xã nậm Giải, quế Phong. Anh KL.jpg
Mô hình trồng lúa nếp Cày Nọi ở bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải. Ảnh: GH

Trong đó riêng lĩnh vực kinh tế có 14 mô hình cho hiệu quả cao. Điển hình mô hình cải tạo vườn tạp, trồng khoai sọ ở bản Piêng Lâng với 45 hộ tham gia; mô hình bảo tồn phát triển nguồn thủy sản (cá suối) tại khu vực khe suối tại các thôn bản trong toàn xã; mô hình nuôi lợn đen địa phương ở bản Piêng Lâng, bản Pục, bản Mờ; mô hình trồng rau màu tổng hợp ở bản Pòng, bản Piêng Lâng; mô hình trồng dưa nại, dưa hấu ở bản Chà Lấu, bản Mờ, bản Pòng…

Nhờ vậy, chỉ tính trong hơn 2 năm trở lại đây, xã Nậm Giải giảm được 60 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người ở mức 16-17 triệu đồng, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Các công trình, phần việc vì dân

Là xã biên giới có 10,5km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, với 488 hộ, 2.250 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái phân bố trong 5 thôn bản dọc theo sông Nậm Giải, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, bên cạnh tuyên truyền khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo và phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới từ sức dân, giai đoạn 2021-2023, cấp uỷ, chính quyền xã Nậm Giải đã tích cực phối hợp cùng Ban Dân vận Huyện ủy và các đơn vị như Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đội 5 - Đoàn kinh tế quốc phòng 4, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch triển khai thực hiện tốt các mô hình “Dân vận khéo” về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nhiều con đường dẫn tới nhà dân ở xã biên giới nậm giải đã được bê tông hoá.Anh KL.jpg
Nhờ "dân vận khéo" nhiều lối vào nhà dân xã biên giới Nậm Giải được bê tông hoá. Ảnh: GH

Điều này được minh chứng khi chúng tôi ghé thăm Piêng Lâng - bản biên giới nằm đầu nguồn Nậm Giải, nơi tái định cư của người dân bản Pục, bản Méo sau trận lũ quét lịch sử năm 2007, dễ nhận thấy mảnh đất xác xơ năm nào nay đã khởi sắc với màu xanh mướt mát của những nương ngô, khoai sọ, sắn, lúa nếp cày nọi…

Ông Ngân Văn Minh - Bí thư Chi bộ Piêng Lâng vui vẻ cho biết: Bản có khá nhiều dự án cây con như mô hình khoai sọ do Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong hỗ trợ, hay các loài cây giống để triển khai mô hình cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu do Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt triển khai, nhờ vậy, cuộc sống của người dân đã dần thay đổi. Hiện tại toàn bản có 6 - 5ha khoai sọ cho giá trị kinh tế cao, đàn trâu, bò gần 230 con, đàn lợn 150 con, đàn dê 30 con, gia cầm 2.000 con và gần 2ha ao cá.

Người dân bản Piêng Lâng xã Nậm Giải, Quế Phong tích cực phát triển mô hình trồng khoai sọ cho thu nhập cao. Ảnh KL.1.jpg
Người dân bản Piêng Lâng xã Nậm Giải, Quế Phong tích cực phát triển mô hình trồng khoai sọ cho thu nhập cao. Ảnh: GH

Đặc biệt sau khi được Ban Dân vận Huyện uỷ Quế Phong phối hợp với chính quyền địa phương chọn làm điểm để xây dựng mô hình dân vận khéo “cải tạo tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hoá và phát triển kinh tế - xã hội khu dân cư”, người dân đã có sự chuyển động trong nếp nghĩ, nếp làm.

Chẳng hạn trước đây, đời sống sinh hoạt của dân bản còn lạc hậu, chỉ có 37,5% hộ có nhà vệ sinh, còn lại thải ra môi trường, chuồng trại chăn nuôi còn tạm bợ hoặc nuôi thả rông, ảnh hưởng đến môi trường chung. Thì nay 56/56 hộ gia đình thuộc bản Piêng Lâng đã xây dựng được công trình phụ, nhà vệ sinh kiên cố với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng 920 triệu đồng. Trong đó, Ban Dân vận Huyện ủy hỗ trợ 43 triệu đồng, vốn nhân dân tự đầu tư 890 triệu đồng.

Dù là địa bàn biên giới  gặp nhiều khó khăn nhưng chi bộ bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải vẫn đảm bảo được chỉ tiêu Kết nạp đảng. Anh KL.jpg
Cán bộ và người dân bản Piêng Lâng trao đổi về sự đổi thay trong nếp nghĩ, nếp làm của thôn bản. Ảnh: GH

Không riêng ở Piêng Lâng, mà nhiều thôn bản khác trên địa bàn cũng được “cầm tay chỉ việc”, tuyên truyền vận động triển khai các mô hình sinh kế thiết thực như Đồn Biên phòng Hạnh Dịch hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn địa phương, trồng nấm rơm tại bản Pục, mô hình trồng rau sạch (cải bắp) tại bản Mờ với tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Đội sản xuất 5 - Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 hỗ trợ 70 con giống trâu sinh sản, 1.600 con gà, vịt giống, 30ha giống cây măng bát độ, 100 cây ổi giống, 10ha trồng chè hoa vàng, 5ha trồng cây mắc ca và các loại giống cây ăn quả khác… cho các hộ dân trên địa bàn xã, với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Theo ông Lô Minh Tường - Chủ tịch UBND xã Nậm Giải: Trong xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo phong trào thi đua dân vận khéo của xã đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia hiến đất, hiến vườn, giải tỏa hành lang an toàn giao thông, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp. Bên cạnh đó phối hợp với các đơn vị, ban ngành triển khai các công trình, phần việc vì dân.

bna-1-3805.jpg
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và lãnh đạo huyện Quế Phong kiểm tra chất lượng và bàn giao tuyến đường giao thông liên thôn, liên bản cho xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Hoàng Anh

Điển hình như phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, xã thực hiện mô hình xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình vệ sinh, sân bóng, sân nhà văn hóa cộng đồng tại bản Pục, Piêng Lâng; lắp đặt 50 bóng đèn đường tại bản Pòng; vận động đầu tư, hỗ trợ xây dựng nhà ăn bán trú cho học sinh điểm trường THCS và khắc phục sửa chữa đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh tại bản Chà Lấu.

Bên cạnh đó còn hỗ trợ xây dựng nhà ở (lắp ghép) cho 26 hộ nghèo trên toàn xã và xây dựng 5 phòng làm việc cho trạm y tế. Hay Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã hỗ trợ 40 tấn xi măng phục vụ xây dựng đường giao thông nông thôn liên thôn ở bản Pục, Piêng Lâng và khắc phục, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi tại các thôn bản khác trên địa bàn xã… Nhờ dân vận khéo, khơi dậy tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm, đến nay xã Nậm Giải đã đạt được 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng hạnh dịch giúp dân bản Piêng Lâng làm đường. Anh Hai Thuong.3.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hạnh Dịch giúp dân bản Piêng Lâng làm đường. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Bên cạnh đó để đảm bảo yên dân, yên địa bàn, Đảng ủy, chính quyền xã Nậm Giải cũng chú trọng, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; kịp thời giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc nảy sinh ngay tại cơ sở; chỉ đạo tập trung xây dựng hiệu quả các mô hình củng cố hệ thống chính trị , quốc phòng - an ninh trên địa bàn như mô hình giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ đường biên, mốc giới ở bản Pục, bản Piêng Lâng; mô hình xã, bản biên giới sạch về ma túy…

Những kết quả trong công tác dân vận khéo trên địa bàn xã biên giới Nậm Giải đã và đang từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Dấu ấn từ 'Dân vận khéo' ở xã biên giới Nậm Giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO