Nghệ An là tỉnh có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, tinh thần hiếu học; có tài nguyên văn hóa phong phú, đặc sắc, quê hương của Di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; là vùng “địa linh nhân kiệt”, quê hương của nhiều chí sĩ yêu nước, đặc biệt là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Suốt dặm trường lịch sử, Nghệ An là đất dừng chân trong quá trình ông cha ta đi mở nước, có lúc là tiền đồn, là chiến địa, là “thành đồng ao nóng”; có lúc là hậu phương, là căn cứ cho nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, là “then khóa của các triều đại”. Đặc biệt, trong cuộc trường chinh đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trong thế kỷ XX, Nghệ An là một trong những địa phương “đi đầu, dậy trước”, nhất là với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, là hậu phương lớn trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ…
Tuy nhiên, bước vào công cuộc đổi mới của đất nước, nhìn lại kết quả phát triển của tỉnh, phải chăng “Nghệ An đi trước về sau”, đang là câu nói trở thành vấn đề trăn trở trước thực tiễn đang diễn ra; nhất là trong lĩnh vực kinh tế, vẫn chưa thật rõ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh.
Nghệ An có nguồn lao động dồi dào (trên 2 triệu người trong độ tuổi lao động); giáo dục được khẳng định vị trí tốp đầu cả nước với truyền thống hiếu học, có nhiều trường đại học, cao đẳng, nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Từ rất sớm, Nghệ An đã có những mô hình nông nghiệp mới, nhưng đến nay vẫn chưa thể vươn lên trở thành một tỉnh mạnh về nông nghiệp và giàu lên từ nông nghiệp.
Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh sắc tươi đẹp, kỳ thú, “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”; dày dặn hệ thống các di tích văn hóa – lịch sử… Nghệ An từ rất sớm đã phát triển du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành một tỉnh có thương hiệu mạnh về du lịch. Ai đó đã nói, biển Cửa Lò đẹp, đồi chè ở Thanh Chương rất kiều diễm, rừng Pù Mát đa dạng hệ động – thực vật, rừng núi Kỳ Sơn kỳ vĩ,… nhưng các danh lam, thắng cảnh Nghệ An vẫn chưa thu hút được du khách.
Cảng Cửa Lò đã được xây dựng từ khá sớm (1979), nằm ở vị trí vô cùng thuận lợi cho giao thương hàng hóa quốc tế, đặc biệt là vận chuyển hàng cho nước bạn Lào và Đông Bắc của Thái Lan, có lợi thế khá tốt so với các cảng trong vùng, nhưng đã không thể cạnh tranh hiệu quả trong cơ chế mới, trong khi sản lượng hàng hóa bốc dỡ qua các cảng biển khác ở khu vực miền Trung đã ngày càng tăng lên rất nhanh…
Những vấn đề nêu trên, chỉ là một vài dẫn chứng có tính khái quát trong rất nhiều điều nghịch lý phát triển của Nghệ An mà chúng ta có thể nêu ra trong thực tế.
Tại hội thảo về phát triển kinh tế – xã hội của Nghệ An, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh từng đề cập đến “nghịch lý” nói trên: “Phải chăng, đó là sự trăn trở lớn nhất của người xứ Nghệ, của mảnh đất nổi danh hiếu học, kiên cường và khí phách. Thuở xưa, người xứ Nghệ luôn tự hào “nghèo mà học giỏi”. Ngày nay, có lẽ chúng ta nên đặt lại vấn đề: Tại sao người xứ Nghệ thông minh, học giỏi, cần cù, chịu khó nhưng quê hương mãi vẫn chưa giàu? Cái gọi là “nghịch lý xứ Nghệ” chắc chắn không phải là một vấn đề hiển nhiên, nhưng bao giờ và bằng cách nào để Nghệ An thoát khỏi nghịch lý đó vẫn là câu hỏi và nỗi ám ảnh qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đối với tỉnh”.
Còn chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tổ phó Tổ Tư vấn Kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An, cho rằng: “Trong mặt bằng phát triển chung của cả nước, ngay ở một số chiều cạnh cơ bản, Nghệ An vẫn đang là tỉnh tương đối kém phát triển. Xét trong một quá trình dài, giống như nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ, Nghệ An là địa phương được coi là “khó phát triển”. Đó thực sự là một nghịch lý, Nghệ An dù là đất “nhân kiệt” nhưng vẫn chưa tìm được lời giải từ thực tiễn. Đặt trong tương quan tầm vóc, vai trò và vị thế quốc gia của Nghệ An, có cơ sở để khẳng định rằng “nghịch lý phát triển” này là một bài toán tầm cỡ quốc gia”.
Như đã đề cập, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An luôn trăn trở, nỗ lực vượt khó để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, Bộ Chính trị cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt, bằng việc ban hành các các Kết luận, Nghị quyết riêng về Nghệ An, nhằm định hướng chiến lược, tầm nhìn và tạo động lực giúp tỉnh phát triển tương xứng với vị thế, vai trò, tiềm năng.
Ngày 2/6/2003, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Kết luận số 20-KL/TW về Nghệ An. Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 20-KL/TW, kinh tế Nghệ An tiếp tục tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 5 năm 2006-2010 đạt 9,75 %; bình quân giai đoạn 2011-2012 tăng trưởng 8,8%; năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 20 triệu đồng/năm; thu ngân sách hàng năm tăng khá, đạt 5.692 tỷ đồng, gấp 3,62 lần so với năm 2003.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Kết luận 20-KL/TW cho thấy, Nghệ An chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình, vẫn là tỉnh nghèo, mức tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa bền vững, chưa thu hút được đầu tư, tạo mũi nhọn đột phá, có những mặt có nguy cơ bị tụt hậu; thu nhập bình quân đầu người mới bằng 70% so với bình quân chung của cả nước; một số vấn đề xã hội cũng chưa giải quyết tốt.
Trong bối cảnh đó, trên cơ sở tổng kết Kết luận số 20-KL/TW và nhằm đưa ra những định hướng mới cho phát triển của tỉnh, ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, với mục tiêu “tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy nội lực, tận dụng, thu hút mọi nguồn lực cả trong, ngoài tỉnh và nước ngoài, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo”. Thời điểm ấy, Nghệ An là tỉnh duy nhất, ngoài 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị đối với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 26-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Nghệ An trước hết cần phải đổi mới mạnh hơn nữa tư duy, đi lên bằng chính sức của mình; huy động mọi nguồn lực trong tỉnh và ngoài tỉnh cho phát triển; đặt phát triển của Nghệ An trong tổng thể của vùng, để có liên kết, gắn kết với các tỉnh xung quanh và ngay các vùng trong tỉnh của mình. Nghệ An phải phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, trong đó gồm kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trung ương hỗ trợ là cần thiết, nhất định phải có, nhưng Nghệ An cần phát huy nội lực, đây mới là cái vô tận”.
Ngày 21/3/2019, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị có phiên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Tại phiên làm việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Qua thực tiễn Nghệ An đã thấy được hướng đi, thấy được chúng ta cần làm gì”.
Trên cơ sở kế thừa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chính của Nghị quyết số 26 NQ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019, trong đó cập nhật, điều chỉnh và bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển tỉnh Nghệ An; đồng thời thống nhất tiến hành tổng kết Nghị quyết số 26 NQ/TW vào năm 2023.
Kết luận số 20-KL/TW, Nghị quyết số 26 NQ/TW, Thông báo số 55 -TB/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt và tính thực tiễn trong các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển tỉnh Nghệ An; là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách nhằm bổ sung và thu hút các nguồn lực cho phát triển; là căn cứ quan trọng để tỉnh Nghệ An xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng và đặc điểm, tình hình thực tiễn của địa phương.