10 năm trước, khi đánh giá kết quả thực hiện Kết luận 20- KL/TW, Bộ Chính trị đánh giá “Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo”. Tròn một thập kỷ sau (2013-2023), qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 NQ/TW, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa trên nhiều mặt, song tỉnh vẫn chưa tạo lập được xu thế phát triển vượt trội, vị thế vùng nổi bật, tương xứng với vai trò “trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ” được giao phó; thậm chí ở phương diện kinh tế, Nghệ An đang có nguy cơ “tụt hậu” so với một số tỉnh trong khu vực. Bộ Chính trị đánh giá: “Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách”.
Đến nay, mặc dù quy mô GRDP vào tốp 10 của cả nước, song Nghệ An mới chỉ đứng thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Thu ngân sách dù đã vượt mốc 20 ngàn tỷ đồng nhưng vẫn chưa cân đối được thu chi (năm 2022, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh khoảng 32,5 ngàn tỷ đồng). Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê (tại Khảo sát mức sống dân cư năm 2022), thu nhập bình quân đầu người một tháng ở Nghệ An mới chỉ đạt 3,629 triệu đồng, đứng thứ 42/63 tỉnh, thành, xếp 9/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ; trong khi đó con số bình quân của cả nước đạt 4,67 triệu đồng. Công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đầu năm 2023 cũng cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều của Nghệ An là 12,62%, cao hơn bình quân chung của cả nước (7,52%).
Đánh giá về thực trạng nền kinh tế Nghệ An, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nghệ An chưa đủ cao để tạo bứt phá, làm “xoay chuyển” vị thế và thay đổi căn bản quỹ đạo phát triển của tỉnh. Diện tích và dân số lớn, song thu nhập dân cư thấp nên quy mô kinh tế nói chung còn nhỏ, chưa đủ tạo lợi thế về quy mô “xứng tầm” để có thể phát huy đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan chủ yếu giải thích tại sao trong giai đoạn đầu sang quỹ đạo phát triển mới, Nghệ An lại khó và chậm bứt phá như các tỉnh khác.
Đặc biệt, doanh nghiệp được xem là “xương sống” của bất cứ nền kinh tế nào, song từ con số thực tế cho thấy, dù môi trường kinh doanh của tỉnh được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, song dường như Nghệ An vẫn chưa có một chiến lược thực sự hiệu quả để giải quyết vấn đề then chốt nhất của kinh tế thị trường là phát triển doanh nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá: Quy mô doanh nghiệp tại Nghệ An nói chung còn rất nhỏ trên tất cả các tiêu chí: Vốn kinh doanh, giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, doanh số, số lao động và cả lợi nhuận trước thuế. Đa số doanh nghiệp tập trung hoạt động trong ngành sử dụng lao động giản đơn, cần ít vốn.
Lực lượng doanh nghiệp của tỉnh còn nhỏ và yếu, tính đến năm 2021, chỉ chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tỉnh còn thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế mạnh, đóng trụ cột phát triển trong một số lĩnh vực để tạo thế dẫn dắt phát triển và thu hút đầu tư. Tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới rất chậm, chỉ khoảng 1%, trong khi cả nước là 7,4%. Cấu trúc ngành công nghiệp, dịch vụ cũng còn khá manh mún, phân tán. Nỗ lực phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo chuỗi sản phẩm công nghiệp đặc trưng cho đến nay vẫn chưa thành công, một phần quan trọng là do thiếu các doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt.
Trong thời gian 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 – NQ/TW, về khách quan, tình hình quốc tế và trong nước có những thời điểm không thuận lợi cho phát triển của địa phương như: Hậu quả kéo dài của khủng hoảng kinh tế toàn cầu các năm 2009 – 2010, những khó khăn trong nội tại nền kinh tế cả nước giai đoạn 2011 – 2015, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung năm 2016 và đại dịch Covid -19 mới đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển của tỉnh.
Về chủ quan, theo các chuyên gia, việc tạo cơ hội cho Nghệ An bứt phá, phát triển từ Trung ương và việc tận dụng cơ hội để có được cơ chế, chính sách vượt trội và có các giải pháp đột phá từ phía tỉnh Nghệ An vẫn còn chậm, chưa có sự phối hợp đồng bộ từ hai phía.
Một ví dụ điển hình là sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 26 – NQ/TW, việc thể chế hóa tinh thần Nghị quyết thành các “ưu tiên, hỗ trợ” cho Nghệ An mới được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 36/2021/QH15, ngày 13/11/2021, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Song theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mức độ “ưu tiên, ưu đãi” tại Nghị quyết số 36/2021/QH15 cũng còn khá hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu đảm bảo cho Nghệ An tiến vượt, hoàn thành sứ mệnh mà Nghị quyết số 26 – NQ/TW giao phó.
Rồi trường hợp Hoàng Mai “lên” thị xã sớm, nhưng chậm bứt phá kinh tế cũng là ví dụ về sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa một bên là “tầm nhìn đón đầu” và “nỗ lực đột phá” của Nghệ An; một bên là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho Hoàng Mai thiếu “lực hấp dẫn”, nhất là trong sự so sánh với Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) bên cạnh, cùng là bộ phận cấu thành động lực tăng trưởng Nam Thanh – Bắc Nghệ của vùng Bắc Trung Bộ.
Nghị quyết số 26 – NQ/TW đã xác định vai trò trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ của Nghệ An và thành phố Vinh, song việc triển khai vai trò này trên quan điểm hội nhập quốc tế chưa thể hiện rõ; nhất là cách tiếp cận Cảng hàng không quốc tế Vinh là sân bay hội nhập quốc tế của khu vực còn rất mờ nhạt. Trong khi đó, việc Trung ương hỗ trợ thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn, xây dựng sớm cảng biển nước sâu để “mở toang” cánh cửa thông thương, làm cú hích cho Nghệ An phát triển thành một trung tâm công nghiệp, logistics lớn của khu vực chưa được đặt ra kịp thời và triển khai mạnh mẽ.
Đặc biệt, cách tiếp cận phát triển thành phố Vinh, dù được xác định là trung tâm phát triển khu vực, có vai trò dẫn dắt, song cơ bản vẫn theo tinh thần “thủ phủ tỉnh”, chưa thể hiện rõ định hướng chiến lược “phát triển trung tâm khu vực” như Nghị quyết số 26 – NQ/TW xác định. Cách tiếp cận có phần “khiêm tốn” này chứa đựng khả năng không có nhu cầu bức thiết, không cần đòi hỏi các cơ chế và giải pháp “khác biệt” để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhanh trung tâm phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ. Đây có thể là căn nguyên của việc bỏ lỡ thời cơ phát triển thành phố Vinh đúng tầm chiến lược trung tâm khu vực, phù hợp với xu thế thời đại: đô thị, khoa học công nghệ, đổi mới – sáng tạo, thông minh và với lợi thế của chính Nghệ An là “địa linh nhân kiệt”.
Bên cạnh việc thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết, đủ mạnh từ Trung ương, thì quy mô kinh tế của Nghệ An nhỏ so với tiềm năng, thực lực yếu, xuất phát điểm thấp, làm cho tỉnh không đủ nguồn lực để vượt qua “ngưỡng” của nền kinh tế “kém phát triển”, chưa tạo lập các điều kiện ban đầu tối thiểu cần thiết cho công cuộc bứt phá.
Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 NQ/TW về Nghệ An đúc kết nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là: Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với điều kiện của tỉnh; cơ chế, chính sách đặc thù chậm được ban hành. Liên kết với các địa phương lân cận có quy hoạch nhưng thiếu cơ chế vận hành. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất, thậm chí xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch; thiếu kết nối chiến lược – quy hoạch – kế hoạch – đầu tư. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương còn hạn chế, nhiều dự án, đề án không bảo đảm được nguồn lực để thực hiện. Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, triển khai các dự án trọng điểm còn thiếu quyết liệt; thiếu giải pháp mang tính đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, huy động hiệu quả nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào tỉnh.
Theo các chuyên gia, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế – Xã hội tỉnh Nghệ An, để khắc phục được những “điểm nghẽn” nêu trên, Nghệ An cần những động lực mang tính đột phá, phát triển mới, phù hợp với xu thế thời đại.