Dịch tả lợn châu Phi kéo dài, nhiều địa phương thiếu đất để tiêu hủy
(Baonghean.vn) - Dịch tả lợn châu Phi đã kéo dài nhiều tháng, thiệt hại kinh tế đối với người chăn nuôi và ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một vấn đề đang "nóng" tại một số địa phương là không có đất để tiêu hủy lợn, chôn lấp.
Thành phố Vinh "bí bách"
Việc thiếu đất chôn lợn do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi đang khiến không ít địa phương trên địa bàn Nghệ An “đau đầu”, nhất là trong điều kiện số tượng lợn tiêu hủy đang có xu hướng tăng lên.
Lượng lợn bị nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy trên địa bàn TP Vinh ngày càng nhiều, khiến quỹ đất bị thu hẹp lại. Ảnh: Quang An |
Thành phố Vinh, nơi tập trung dân cư đông đúc, nhà cửa san sát, việc tìm được một khoảng trống hợp lý để tiêu hủy lợn bị dịch đang là vấn đề nan giải, nhất là tại những phường, xã nằm ở trung tâm thành phố.
Tại phường Hưng Dũng, một trong những địa phương nội thành Vinh đến thời điểm này đã tiêu hủy 90 con lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng trọng lượng trên 3,5 tấn. Tuy nhiên, việc tìm được nơi chôn lợn vừa đảm bảo xa khu dân cư, vừa đảm bảo mặt bằng cao, không gần khu vực mương nước là việc rất khó khăn.
Ông Nguyễn Phúc Trang – Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng cho biết: Đối với những gia trại có lợn dịch, chúng tôi tiến hành tiêu hủy tại chỗ để vừa tránh dịch bệnh lây lan, vừa tiết kiệm được quỹ đất. Đối với số lợn chết nhỏ lẻ tại các hộ dân, chúng tôi phải di chuyển ra nghĩa trang của phường để tiêu hủy. Nếu thời gian tới dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng lợn chết tăng lên thì việc xác định địa điểm tiêu hủy lợn sẽ gặp khó, nhất là trong điều kiện quỹ đất eo hẹp của thành phố.
Khối Quang Tiến, phường Hưng Bình (TP Vinh) là nơi có lợn chết do bệnh dịch nhưng không có đất để tiêu hủy lợn. Ảnh: Quang An |
Còn tại phường Hưng Bình, địa phương nằm ở chính giữa của thành phố Vinh, nơi có mật độ dân số cao, việc tìm được một mảnh đất để tiêu hủy lợn chết là điều “không tưởng”.
Vào đầu tháng 10, tại hộ ông Đậu Văn Xuân, khối Quang Tiến, có 6 con lợn bị chết với tổng trọng lượng gần 400 kg. Chính quyền phường Hưng Bình không thể tìm được nơi tiêu hủy lợn nên đã phải liên hệ với xã Nghi Liên để “chôn lấp nhờ”.
Ông Hồ Viết Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Bình cho biết: Đặc thù là phường trung tâm của thành phố nên việc chôn lấp lợn trên địa bàn phường là điều không thể vì không thể tìm được quỹ đất và nếu có chôn lấp cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường dân cư. Chúng tôi phải nhờ xã Nghi Liên (địa phương đang có dịch) để chôn nhờ lấp lợn tại khu đất xã Nghi Liên tổ chức tiêu hủy lợn.
Khi có lợn chết, chính quyền phường Hưng Bình phải liên hệ với xã Nghi Liên để có nơi tiêu hủy lợn. Ảnh: Quang An |
Hiện dịch tả lợn châu Phi đã bao trùm TP.Vinh, với 16/25 phường xã có dịch. Việc lợn chết do nhiễm dịch ngày càng nhiều đã làm các địa phương lúng túng trong việc chọn địa điểm chôn lợn, nhất là tại các phường xã nội thành, trung tâm. Còn với các xã ngoại thành, quỹ đất cũng sẽ dần eo hẹp nếu thời gian tới dịch tiếp tục lây lan mạnh.
Nông thôn gặp khó
Xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) là địa phương không những "nóng" về số lượng lợn nhiễm dịch nhiều nhất huyện mà còn rất "bế" về vị trí tiêu hủy lợn.
Người dân huyện Thanh Chương vứt lợn chết ra mép Sông Lam. Ảnh: Văn Lý |
Bởi theo ông Thái Văn An - Chủ tịch UBND xã, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã giao cho người dân quản lý, sử dụng, không còn quỹ đất để chôn lấp lợn. Bởi vậy, 330 con lợn của người dân trên địa bàn xã đã nhiễm dịch trong thời gian qua. Xã phải tiêu hủy tại các khu vực nghĩa địa của các xóm. Có những xóm, do khu vực nghĩa địa hẹp, phải mang lợn tiêu hủy trong các khu rừng tràm.
Hiện trên địa bàn xã còn khoảng 5.000 con lợn, nếu dịch kéo dài, số lượng lợn buộc phải tiêu hủy ngày càng nhiều, thì nhiều xóm sẽ không còn vị trí đất để chôn lấp. Bởi khu vực nghĩa địa vốn được quy hoạch đã hẹp, thì nay đưa lợn vào chôn lấp sẽ ảnh hưởng đến việc chôn cất người qua đời.
Xã Ngọc Sơn phải tiêu hủy lợn trong khu vực rừng trồng của người dân để giảm tải tại khu vực nghĩa địa. Ảnh: Xuân Hoàng |
Cũng chung hoàn cảnh như vậy, xã Đồng Văn (Thanh Chương) đang lo lắng trước tình trạng không có chỗ chôn lấp lợn an toàn về môi trường. Ông Nguyễn Quốc Chương - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho hay: Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã chia cho dân theo Nghị định 64, do vậy khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, địa phương không thể tìm được vị trí tiêu hủy lợn phù hợp. Tuy nhiên, xã đã quy hoạch được 1 vùng tiêu hủy lợn tập trung, nhưng vùng đất này thấp trũng, nên thường xuyên ngập nước.
Mỗi khi có mưa to, nước ngập cả khu vực tiêu hủy lợn, những lúc như vậy nếu có lợn tiêu hủy là rất khó khăn trong việc đào hố, buộc tổ tiêu hủy lợn phải múc hết nước mới tiêu hủy lợn được.
Huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu... cũng gặp tình trạng tương tự khi phải chôn lấp hàng tấn lợn dịch tả. Điều đó đòi hỏi người dân và các địa phương hơn lúc nào hết cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không vứt lợn chết bừa bãi gây ảnh hưởng môi trường.
Dịch tả lợn châu Phi sẽ còn kéo dài, do vậy nhiều xã sẽ lâm vào cảnh không còn đất để tiêu hủy lợn. Do vậy, theo ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, UBND cấp huyện cần có giải pháp trong vấn đề đất đai để những địa phương không còn quỹ đất có vị trí tiêu hủy lợn phù hợp.