Đình Chợ Rạng - chứng tích cuộc binh biến Đô Lương xuống cấp nghiêm trọng

Huy Thư 02/12/2019 10:03

(Baonghean.vn) - Tồn tại gần 160 năm, đình Chợ Rạng ở xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương - chứng tích của cuộc binh biến Đô Lương đang “kêu cứu” vì xuống cấp nghiêm trọng.

Đi trên Quốc lộ 46, khi đến cầu treo Rạng cũng là lúc mọi người nhìn thấy ngôi đình cổ hiện trong tình trạng xập xệ, đó chính là đình Chợ Rạng. Theo người dân địa phương, ngôi đình này vốn là đình của làng Thọ Sơn xưa, nhưng từ khi được sử dụng làm đình chợ, người dân quen gọi là đình Chợ Rạng.

Đình Chợ Rạng được khởi công vào năm 1861, khánh thành vào năm 1862, hiện vẫn còn những dòng chữ Hán nói về thời gian xây dựng đình. Đình Chợ Rạng là một ngôi nhà gỗ 5 gian làm theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền, trụ vững trên 24 cột (chia thành 4 dãy). Bộ khung của đình làm hoàn toàn bằng gỗ lim với kết cấu vững chắc.

Theo ông Dương Phúc Hiệu - nhà nghiên cứu lịch sử ở Đô Lương cho biết: Đình Chợ Rạng là một công trình cổ nằm trong quần thể các di tích tại Rạng, như ghềnh Rạng, bến đò Rạng, miếu Rạng, trường Rạng (do ông Tú Sỹ xây dựng năm 1925), chợ Rạng, đồn Rạng (đồn kiểm lâm, sau này là đồn lính khố xanh của Pháp) nơi phát xuất của cuộc binh biến Đô Lương năm 1941. Trong ảnh: Từ dưới đình nhìn lên, nhiều chỗ thấy trời.

Trong những năm chống Pháp, đình Chợ Rạng là nơi chứng kiến nhiều cuộc tra tấn dã man của giặc Pháp đối với các chiến sỹ cách mạng và là chứng tích của cuộc binh biến Đô Lương do Đội Cung lãnh đạo. Đêm 13/1/1941, từ đồn Chợ Rạng, Đội Cung cùng binh lính nổi dậy bạo động, đánh chiếm đồn Đô Lương, rồi tiến về Vinh phối hợp với binh lính ở đây chiếm trại Giám binh thành Nghệ An. Binh biến Rạng - Lường đã bị đàn áp khốc liệt, Đội Cung và một số đồng sự của ông đã bị thực dân Pháp xử tử, nhưng tinh thần yêu nước của họ thì vẫn sáng ngời. Trong ảnh: Mái đình bị rơi rụng ngói.

Sau gần 160 năm tồn tại, do di chuyển, nắng mưa gió bão, không được quan tâm, tôn tạo... đình Chợ Rạng đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi chợ Rạng mới được xây dựng và đưa vào sử dụng, đình không còn là nơi kinh doanh buôn bán, đứng chơ vơ giữa một khu chợ bỏ hoang. Phần mái đình nhiều chỗ đã bị gãy rui mè, rụng ngói từng mảng lớn, nắng thì dọi, mưa thì dột. Các cột gỗ lim đã bắt đầu mục rấm trên đỉnh do ngấm nước, kết cấu gỗ không còn vững chãi... Nếu không tu bổ kịp thời, chắc không bao lâu nữa, đình Chợ Rạng sẽ đổ sập là điều tất yếu. Trong ảnh: Nhiều chi tiết gỗ bị rụng gãy được người dân gác trên xà đình.

Thiết nghĩ, một ngôi đình cổ đã gắn bó với Rạng hơn 1,5 thế kỷ nay, là nơi hội họp, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, là chứng tích của những sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra ở địa phương này không thể sụp đổ... Hơn bao giờ hết, vào thời điểm này, việc tôn tạo lại ngôi đình cổ để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước, nơi lưu giữ kỷ niệm của bao thế hệ người dân vùng Rạng là mong muốn chính đáng của người dân địa phương. Trong ảnh: Hồi văn của đình xập xệ, gãy rụng.

Mặc dù đã được đưa vào danh mục phê duyệt kiểm kê di tích, danh thắng của tỉnh, nhưng đình Chợ Rạng vẫn đang “kêu cứu” vì sự xuống cấp, hoang tàn. Ông Lê Văn Nghị - Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết, hiện nay, chính quyền địa phương đã họp bàn, chủ trương tôn tạo lại đình, trước mắt là cứu giữ phần ngói và gỗ. Xã đã cho trồng cột bê tông và chằng dây thép gai bao vây quanh đình. Theo hạch toán sơ bộ để tu tạo công trình này phải hết hàng trăm triệu đồng, nhưng ngân sách xã không có, nên đang kêu gọi sự đóng góp các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương.

Mới nhất

x
Đình Chợ Rạng - chứng tích cuộc binh biến Đô Lương xuống cấp nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO