Đoàn ĐBQH Nghệ An tích cực thảo luận dự án Luật đấu giá tài sản

24/10/2016 15:10

(Baonghean.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 24/10, các ĐBQH đã làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản. Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH cho ý kiến tại phiên thảo luận là đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Đa số ý kiến Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng ý với phương án 1 mà Chính phủ trình và được thể hiện trong dự thảo, bởi quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý đủ rõ góp phần xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo nhanh chóng hiệu quả hơn, sớm lành mạnh hóa hệ thống tín dụng và nền kinh tế.

Toản cảnh phiên làm việc tại hội trường
Toản cảnh phiên làm việc tại hội trường. Ảnh Anh Tuấn

Do vấn đề này còn có các loại ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án để xin ý kiến các vị đại biểu. Phương án 1: Tại khoản 9 Điều 4 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho VAMC. Do vậy, cụm từ này được tiếp thu bổ sung mục 3 gồm 2 điều về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương IV. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong luật như Khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng, điểm o khoản 1 Điều 3 về tài sản đấu giá...

Phương án 2 là không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của dự luật. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của luật.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Ảnh Anh Tuấn

Về vấn đề này, đa số ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng ý với phương án 1 mà Chính phủ trình và được thể hiện trong dự thảo. Nhiều đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý đủ rõ góp phần xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo nhanh chóng hiệu quả hơn, sớm lành mạnh hóa hệ thống tín dụng và nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần quy định rõ về hình thức hành nghề của đấu giá viên tại tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu tín dụng Việt Nam, được tự đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu…

Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng việc quy định VAMC được đấu giá nợ xấu có tài sản đảm bảo là hợp lý vì thời gian qua việc xử lý chậm, trong khi đây là nguồn lực quan trọng có thể phát huy để phát triển kinh tế. Quy định này cũng cần thiết vì việc xử lý nợ xấu hiện nay được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật nên tính ổn định chưa cao và chưa mang tính thị trường.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cũng cho rằng: Đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm chỉ quy định về nguyên tắc trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, đảm bảo tính khách quan của vấn đề thì việc đấu giá không do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam tự tiến hành mà phải được tiến hành một cách độc lập.

Đánh giá dự thảo luật lần này có tính đột phá, để ngăn chặn tình trạng thông đồng hay "quân xanh quân đỏ" là tình trạng đang nhức nhối hiện nay trong quá trình quản lý đấu giá bán tài sản. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, an toàn, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang kiến nghị ngoài đấu giá viên, một phiên đấu giá có sự tham gia tích cực của nhiều đối tượng khác như thư ký, chuyên viên…

Đai biểu Hoàng Thị Thu Trang
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang phát biểu. Ảnh: Anh Tuấn

"Đây có thể là một nhóm người có khả năng vi phạm rất là lớn, song dự thảo luật chưa đề cập đến. Vì vậy, cần bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, hành vi cấm" - đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề nghị.

Phân tích hoạt động đấu giá thường phát sinh ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển, do vậy địa điểm đấu giá nên quy định ở các trung tâm dịch vụ đấu giá để nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia được, các ý kiến khác của Đoàn đề nghị Điều 36 cần sửa lại là cuộc đấu giá tài sản được tổ chức ở trung tâm đấu giá hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận của người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...

Buổi chiều, các ĐBQH làm việc tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Diệp Anh

TIN LIÊN QUAN

TIN LIÊN QUAN

Đoàn ĐBQH Nghệ An tích cực thảo luận dự án Luật đấu giá tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO