Doanh nghiệp, người dân không mặn mà với gói vay 120.000 tỷ đồng?
(Baonghean.vn) - Mặc dù gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ đã sẵn sàng nhưng nguồn cung nhà ở hạn chế, trong khi đó, lãi suất cao, lại chỉ duy trì trong 5 năm, sau đó phải thương lượng lãi suất với ngân hàng... khiến người dân, doanh nghiệp băn khoăn.
Tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp
Hưởng ứng chương trình mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân của Chính phủ giai đoạn 2023-2030, Sở Xây dựng đang rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp. Từ nay đến năm 2030, Nghệ An dự kiến xây dựng khoảng 15.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân, trong đó chủ yếu tại các khu công nghiệp thuộc địa bàn TP. Vinh và các huyện phụ cận.
Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh đến nay đã chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện 39 dự án nhà ở có nhà ở xã hội, trong đó có 6 dự án nhà ở xã hội và 33 dự án dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Tổng diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội là 56,8ha. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng cho khoảng 29.017 căn hộ với 1.880.000m2 sàn. Hiện nay, đã có 6 dự án hoàn thành với 10 tòa nhà chung cư, 1.381 căn hộ, 69.054m2 sàn.
Khu nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp của Công ty cổ phần Trung Đô tại phường Trung Đô, thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải |
Trong 6 dự án nhà ở xã hội, có 5 dự án dành riêng cho công nhân KCN có tổng diện tích đất 34ha, tổng mức đầu tư 3.493 tỷ đồng; dự kiến đáp ứng cho 25.892 công nhân lao động với 8.276 căn hộ.
Hiện có 4 dự án mới được thông qua và đang còn hiệu lực với tổng cộng 8.200 căn nhà bao gồm 4 công ty lớn là Công ty CP Điện mặt trời miền Trung MK và Công ty cổ phần Thương mại quốc tế BMC tại xã Nghi Long và xã Nghi Thuận (Nghi Lộc); 1 dự án của Công ty cổ phần Địa ốc Kim Thi tại địa bàn xã Nghi Xá (Nghi Lộc) và 1 dự án của Công ty CP Xi măng Sông Lam đang làm thủ tục đầu tư.
Nhiều công nhân thu nhập thấp vẫn đang phải thuê phòng trọ chật chội, không đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Thu Huyền |
Về cho vay hỗ trợ nhà ở, theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An, trong thời gian vừa qua, ngành ngân hàng trên địa bàn đã cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP. Doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đến nay là 512 tỷ đồng tại 13 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn. Dư nợ còn lại đến thời điểm 28/2/2023 là 146 tỷ đồng, với 801 khách hàng.
Đối với cho vay theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9/12/2015 hướng dẫn cho vay ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 20/2021/TT-NHNN ngày 30/11/2021) là 250,5 tỷ đồng với 750 khách hàng (tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Nghệ An).
Giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Thu Huyền |
Mới đây, tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay vốn.
Lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường. Thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư là 3 năm và đối với người mua nhà là 5 năm. Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho biết: Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh cũng đã kịp thời triển khai đến các tổ chức tín dụng, Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện, tuy nhiên, trên địa bàn Nghệ An theo báo cáo của Sở Xây dựng là đang trình Bộ Xây dựng phê duyệt các dự án đủ điều kiện.
Lãi suất còn cao, thời gian ưu đãi ngắn
Việc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cam kết tung ra hỗ trợ vay là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại nhà nước cho biết khách hàng không mấy quan tâm, nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế. Nhiều người dân, doanh nghiệp cho rằng gói vay chưa hấp dẫn...
Chị Trần Thu Hà, công nhân của một nhà máy ở Khu công nghiệp Bắc Vinh, cho biết, sau hơn 10 năm từ Yên Thành vào Vinh làm ăn sinh sống, vợ chồng chị vẫn đang ở nhà trọ. Với thu nhập gần 20 triệu đồng của cả 2 vợ chồng, sau khi trừ chi phí chi tiêu tằn tiện, số tiền gom góp được không đáng là bao, trong khi một căn chung cư ở ngoại thành cũng ngót nghét tiền tỷ. Thỉnh thoảng chị nghe nói có chương trình nọ chương trình kia về cho vay mua nhà ở xã hội, nhưng thật không dám nghĩ đến.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước sẵn sàng cho vay gói 120.000 tỷ đồng. Ảnh: Thu Huyền |
Khi được hỏi về gói vay ưu đãi mới đây mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai, chị Hà cho rằng, với lãi suất 8,2%/năm, trong khi thời gian cho vay ưu đãi chỉ kéo dài 5 năm là rất khó, quá sức với gia đình.
Ngoài chuyện lãi suất cao, nhiều người cho rằng, thời gian cho vay ưu đãi chỉ 5 năm là quá ngắn, sau thời gian đó lãi suất thoả thuận giữa khách hàng và ngân hàng thì sợ rằng rủi ro. Vì thế, cần giảm lãi suất và kéo dài tối thiểu là 15 năm. Lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi của gói này là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội dù tốt hơn mức lãi suất thị trường hiện nay song vẫn rất cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm đối với người mua nhà ở xã hội.
Công ty cổ phần Địa ốc Kim Thi đang đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Đông Nam ở xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc với diện tích đất gần 34.000m2, tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng. Dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong hỗ trợ lãi suất cho người vay và doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch Công ty CP địa ốc Kim Thi cho biết, mức lãi suất 8,5%/năm cho doanh nghiệp và lãi suất 8,2%/năm cho người mua nhà ở xã hội quá cao so với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp.
Hiện nay, đầu vào nguyên vật liệu tăng, lãi suất tăng sẽ khiến giá nhà khó giảm, khó đến được với đối tượng cần. Và như vậy, tính thanh khoản thấp, cả người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn, chương trình hỗ trợ lãi suất, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.
Gói tín dụng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội là hết sức cần thiết, tuy nhiên, một số chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, để giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững, cần có thêm chính sách hỗ trợ vay cho người mua nhà thương mại. Làm như vậy sẽ giúp người dân sở hữu nhà ở, khơi thông thanh khoản thị trường, khuyến khích nhiều chủ đầu tư tham gia vào phát triển loại hình nhà ở vừa túi tiền.
Thời gian qua, thị trường bất động sản có cơ cấu hàng hóa không phù hợp, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, giá giao dịch tăng cao. Năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của thị trường bất động sản mà Chính phủ đặt ra là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân; hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay vốn. Tuy nhiên, với những khó khăn đặt ra hiện nay, việc gỡ nút thắt cho người thu nhập thấp, và cho thị trường bất động sản, vẫn là bài toán khó.