Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
(Baonghean.vn) - Từ tháng 3/2018, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại Nghệ An, bằng nhiều việc làm ý nghĩa, chương trình không chỉ tạo sinh kế mà còn giúp phụ nữ vùng biên vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Những sẻ chia
Một ngày cuối tháng 5/2022, vượt quãng đường hơn 600km, đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã đến với phụ nữ xã Na Loi (Kỳ Sơn). Trên chặng đường từ thị trấn Mường Xén vào Na Loi, câu chuyện kéo dài xoay quanh những mô hình, những hoàn cảnh mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã từng giúp đỡ. Để rồi, ai cũng háo hức để chờ xem thành quả của mình, chờ xem “món quà” ý nghĩa mà phụ nữ Thủ đô gửi đến các hội viên hội phụ nữ của xã biên giới Na Loi khi hưởng ứng chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.
Trước đó, bắt đầu từ năm 2021, hưởng ứng lời kêu gọi phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã chọn Nghệ An để triển khai giai đoạn 2 của chương trình nhằm hỗ trợ sinh kế cho người dân và hội viên hội phụ nữ của một số xã biên giới ở đây. Thế nhưng, thời điểm đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại khó khăn nên hội chỉ gửi kinh phí 100 triệu đồng xây mái ấm cho 2 phụ nữ tại 2 xã. Sang năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, đoàn công tác của hội mới có dịp quay trở lại.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội thăm, tặng quà các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn xã Na Loi (Kỳ Sơn). Ảnh: PV |
…Trạm dừng chân đầu tiên chính là thăm ngôi nhà gỗ - nhà “Mái ấm tình thương” của chị Lương Thị Nọi ở bản Piêng Lau. Đây cũng là hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhất bản bởi chồng chị mất sớm, chị một mình nuôi hai con nhỏ. Gặp lại những “ân nhân” của mình, chị Nọi xúc động không nói được thành lời. Từ ngày có nhà, chị Nọi không còn lo mưa, lo nắng, không thấy hoảng sợ mỗi khi nghe mưa lũ về. Nguồn động viên to lớn này cũng đã khích lệ để chị có động lực chăm lo sản xuất, nuôi dạy con cái ăn học. Cũng tại xã Na Loi, đoàn đã tặng 50 triệu đồng xây “Mái ấm tình thương” cho một hội viên phụ nữ khó khăn; tặng 50 triệu đồng vốn sinh kế cho 5 phụ nữ nghèo; tặng 20 suất quà cho 20 phụ nữ nghèo.
Đón nhận tấm lòng trên, chị Lương Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Na Loi nói thêm: Chúng tôi thực sự cảm ơn sự giúp đỡ của các đơn vị đối với phụ nữ trên địa bàn xã Na Loi. Những món quà ý nghĩa này không chỉ kịp thời động viên mà còn là khởi nguồn ban đầu để chị em phát triển kinh tế, cùng nhau xóa đói giảm nghèo. Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát, đồng hành để các mô hình được hỗ trợ sẽ phát triển và nhân rộng trong nhiều hộ gia đình.
Trong hơn 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn đã triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại nhiều xã biên giới trên địa bàn huyện như Na Ngoi, Mường Ải, Nậm Càn, Nậm Cắn, Mỹ Lý, Đoọc Mạy, Bắc Lý; Keng Đu,… Qua đó, đã triển khai được nhiều việc làm thiết thực như hỗ trợ làm nhà, vốn vay cho hộ hội viên, phụ nữ nghèo vay trong vòng 3 năm không tính lãi suất để mua con giống địa phương (gà đen, bò) phát triển kinh tế. Cùng với đó, hội kết hợp các Đồn Biên phòng sở tại để xây dựng các mô hình “Bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, mô hình “Cơ sở hội vùng biên”, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”.
Đây là một chương trình thiết thực và ý nghĩa. Qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ ở vùng biên giới về công tác xây dựng hội vững mạnh, nâng cao nhận thức về pháp luật, công tác đối ngoại, phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế, tham gia tích cực phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm của hội.
Trao tặng đàn bò sinh kế cho các hội viên hội phụ nữ trên địa bàn huyện Tương Dương. Ảnh: CSCC |
Ngoài các mô hình phát triển kinh tế, nhiều chương trình nhằm huy động sức dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, bảo đảm an ninh - trật tự tại địa bàn cũng được các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh chú trọng. Điển hình như mô hình "Phụ nữ tham gia công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới" của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương triển khai tại các xã Tam Quang, Tam Hợp, Nhôn Mai đã góp phần nâng cao nhận thức người dân. Bên cạnh đó, thông qua các buổi tuyên truyền đã hạn chế được tình trạng tự do qua lại biên giới thăm thân cũng như tình trạng xâm canh, xâm cư trong phát nương làm rẫy.
Bà Trần Thị Thanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương chia sẻ: Hai năm qua, dịch bệnh khiến cho nhiều hoạt động của các cấp hội phụ nữ bị gián đoạn. Tuy vậy, nhờ việc chủ động triển khai các mô hình và được sự ủng hộ của nhân dân nên các mô hình vẫn duy trì tốt giúp chị em xác định được nhiệm vụ trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới… Cũng trong chương trình này, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tương Dương đã nhận được sự hỗ trợ của Hội liên hiệp Phụ nữ các huyện Diễn Châu, TX Hoàng Mai, TX Thái Hòa, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Yên Thành, Hội Phụ nữ Công an tỉnh, Hội Phụ nữ Biên phòng Nghệ An. Qua đó, đã trao nhiều “Mái ấm tình thương”, triển khai mô hình chăn nuôi bò sữa sinh sản cho phụ nữ nghèo và nhiều món quá, vật dụng ý nghĩa khác.
Tiếp thêm động lực
Việc triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động đã đem đến nhiều giá trị thiết thực. Qua gần 4 năm triển khai với nhiều phần việc, nhiều món quà ý nghĩa, thiết thực, chương trình đã phần nào giúp đời sống hội viên phụ nữ các xã biên giới từng bước được cải thiện. Nhận thức về mọi mặt của phần lớn cán bộ, hội viên, phụ nữ ngày càng được nâng cao, đa số chị em chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tăng gia lao động sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Quỳnh Hoa trao quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Quế Phong. Ảnh: PV |
Nhìn lại quá trình thực hiện chương trình, một trong những yếu tố thành công, đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan và các đơn vị cơ sở xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả. Từ đó, từng bước nhân rộng các mô hình và mở rộng thêm các đối tượng được thụ hưởng.
Như tại xã Hạnh Dịch (Quế Phong), Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai giúp đỡ xã bằng việc hỗ trợ nguồn lực và chỉ đạo xây dựng các mô hình tuyên truyền và huy động các nguồn lực để thành lập các mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” tại bản Ná Sái, “Phòng chống mua bán người”, “Phụ nữ với pháp luật” “Giáo dục bà mẹ nuôi dạy con tốt” tại bản Quang Vinh, “Phụ nữ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội” tại bản Vinh Tiến, “Chi hội phụ nữ không có bạo lực gia đình gắn với địa chỉ tin cậy”...
Mô hình “Điểm sáng vùng biên” tại bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp (Tương Dương) được triển khai với nhiều hoạt động ý nghĩa như tổng vệ sinh môi trường, hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh, dọn vệ sinh nhà cửa. Ảnh: CSCC |
Thông qua các hoạt động của mô hình đã hướng dẫn chị em về xây dựng gia đình nuôi con khỏe, hạnh phúc và góp phần ổn định chính trị an ninh trên địa bàn. Hay như, từ 60 triệu đồng do Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình tài trợ, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” tại xã Nhôn Mai đã được xây dựng từ năm 2018 và đến nay duy trì và phát triển tốt. Từ nguồn vốn ban đầu cho 5 hội viên phụ nữ nghèo đầu tư vay vốn mua bò sinh sản, đến nay bò đã phát triển thêm 6 con, nâng tổng số lên 11 con bò, từ 5 hội viên phụ nữ nghèo đến nay đã có 4 chị thoát nghèo bền vững.
Sự thành công và lan tỏa của chương trình này cũng đã góp phần từng bước cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo và giúp người dân và phụ nữ vùng biên cương tự tin, mạnh dạn, vượt lên khó khăn, làm chủ cuộc sống.
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, vừa góp phần nâng cao đời sống phụ nữ, vừa phát huy vai trò của phụ nữ vùng biên trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân Việt Nam./.