Đồng hành cùng vùng tái định cư phát triển cây chè

26/10/2016 14:29

(Baonghean) - Báo Nghệ An đã có cuộc đối thoại với đồng chí Nguyễn Văn Quế - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương về một số vấn đề liên quan đến dự án cây chè công nghiệp trên vùng tái định cư.

P.V: Cây chè được huyện Thanh Chương xác định là giống cây chủ lực để ổn định và nâng cao đời sống người dân các xã tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Vậy, kết quả triển khai đến nay như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Quế: Năm 2006, thực hiện Dự án tái định cư thủy điện Bản Vẽ, có 2.123 hộ dân với 10.730 nhân khẩu được huyện Thanh Chương tiếp nhận về định cư tại 2 xã mới, gồm Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Địa bàn bà con về tái định cư đất đai chủ yếu là đồi núi. Vì vậy, ngoài việc ổn định đời sống trước mắt cho bà con, thì việc tìm các loại cây trồng đảm bảo nguồn thu nhập ổn định lâu dài cho bà con là điều huyện trăn trở.

Lãnh đạo tỉnh thăm vườn chè ông Vi Tuyền Quynh, bản Tân Lập, xã Thanh Sơn (Thanh Chương).
Lãnh đạo tỉnh thăm vườn chè ông Vi Tuyền Quynh, bản Tân Lập, xã Thanh Sơn
(Thanh Chương).

Trên cơ sở phân tích điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khí hậu và đặc tính một số cây trồng, cho thấy cây chè là cây vừa phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, vừa dễ trồng và thị trường tiêu thụ ổn định. Bởi vậy, năm 2010, sau khi tổ chức ổn định cuộc sống trước mắt cho đồng bào, huyện đã tập trung chỉ đạo 2 xã này phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân đưa cây chè vào trồng.

Cán bộ phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện rất dày công, trực tiếp xuống từng bản, với phương châm cầm tay chỉ việc để hướng dẫn người dân từ việc làm đất đến cách trồng; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc ở từng thời kỳ phát triển của cây chè. Sau gần 4 năm kiên trì chỉ đạo, ở 2 xã này đã trồng được gần 80 ha chè và bước đầu đem lại hiệu quả.

Để tiếp tục mở rộng diện tích, UBND huyện đã trình UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng dự án trồng chè cho đồng bào tái định cư 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm và đã được UBND tỉnh phê duyệt thông qua Quyết định số 4021/QĐ-UBND ngày 11/9/2013. Mục tiêu dự án, phấn đấu đến năm 2018, khu tái định cư sẽ trồng được 534 ha; trong đó xã Thanh Sơn 320 ha và xã Ngọc Lâm là 214 ha.

Tưới nước cho cây chè.
Tưới nước cho cây chè.

Những người tham gia trồng chè ở 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm cũng được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển cây chè theo Quyết định 87/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 được áp dụng cho khu vực miền núi cao như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, bao gồm tiền hỗ trợ làm đất là 5 triệu đồng/ha.

P.V: Việc phát triển cây chè đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, trong khi tập quán canh tác của đồng bào vùng tái định cư còn hạn chế. Giải pháp nào để cây chè thực sự “ăn sâu, bén rễ” đối với vùng này?

Đồng chí Nguyễn Văn Quế: Sau khi UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt dự án, UBND huyện Thanh Chương đã thành lập Ban chỉ đạo, giao Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách nông lâm trực tiếp chỉ đạo; giao trách nhiệm cụ thể cho Phòng Nông nghiệp; Phòng Dân tộc; các tổ chức đoàn thể cấp huyện: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Huyện đoàn; Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm phối hợp với Đồn biên phòng Ngọc Lâm vào cuộc theo phương châm “cầm tay chỉ việc”.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc đảm bảo, nhìn chung cây chè ở vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ phát triển tốt, diện tích chè ngày càng tăng lên theo từng năm.

Trên địa bàn 2 xã, năm 2014 trồng được 140,67 ha, trong đó Thanh Sơn 70,4 ha và Ngọc Lâm 70,27 ha; năm 2015 trồng được 70,8 ha, trong đó Thanh Sơn 26 ha và Ngọc Lâm 44,8 ha và đang tiếp tục triển khai trong 2016. Hiện tại, tính cả chè được trồng trước khi có dự án của tỉnh thì ở 2 xã này có đến gần 300 ha chè. Trong đó có hàng chục ha đã trồng được 6 - 8 năm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Bà con chăm sóc cây chè
Bà con chăm sóc cây chè.

Điển hình như hộ ông Vi Tuyền Quynh, bản Tân Lập, xã Thanh Sơn, thời điểm hiện tại đã có diện tích chè kinh doanh đạt hơn 20 tấn chè búp/năm; tương đương 50 - 70 triệu đồng/năm, hoặc như các hộ gia đình ông Lương Văn Thưởng, Lương Thanh Hoài, Lương Văn Thái, ở bản Muỗng, xã Ngọc Lâm, mỗi năm thu từ cây chè khoảng 10 - 12 tấn, tương đương khoảng 30 triệu đồng trở lên/năm...

P.V: Hiệu quả kinh tế do cây chè mang lại với đời sống đồng bào vùng tái định cư bước đầu được chứng minh. Thế nhưng gần đây, một số người dân còn chưa mặn mà với việc trồng và phát triển cây chè. Vậy “điểm nghẽn” ở đây là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Quế: Đúng vậy, hiện tại tâm lý một số hộ dân chưa mặn mà đối với việc trồng chè, dẫn đến số diện tích được quy hoạch trồng chè vẫn chưa triển khai đạt được tiến độ của dự án. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do phương thức, tập quán sản xuất cũ của đồng bào chưa thay đổi kịp với yêu cầu về quy trình sản xuất mới.

Thứ hai, do mấy năm gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt là những đợt nắng nóng năm 2014, 2015 làm cho một số diện tích chè bị chết, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.

Thứ ba, tư tưởng của đồng bào muốn trồng cây keo để tốn ít thời gian, dễ trồng, đầu tư ít, không đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao đúng quy trình như cây chè.

Trong thời gian tới, huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để “đột phá” được tư tưởng cho người dân. Bởi cây chè cho thu hoạch trong 30 năm và đã chứng minh được hiệu quả xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Thanh Chương trong nhiều năm qua.

Cùng với đó, chúng tôi kiên trì đồng hành cùng bà con, tuân thủ việc quy hoạch của dự án đã được phê duyệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các phòng chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo địa phương và công chức nông nghiệp của 2 xã; tổ chức cho đồng bào thăm quan một số mô hình đã cho hiệu quả, kết hợp với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chọn lựa các giống chè có năng suất cao, chống chịu với thời tiết, đảm bảo cho cây chè phát triển ổn định trong mọi điều kiện của thời tiết.

Trạm khuyến nông hướng dẫn người dân làm cỏ cho cây chè.
Trạm khuyến nông hướng dẫn người dân làm cỏ cho cây chè.

Khi cây chè cho thu hoạch, huyện cũng hướng dẫn đồng bào cách thu hái, khuyến khích những hộ có điều kiện có thể liên doanh, liên kết lắp đặt dây chuyền chế biến, kết hợp với việc kêu gọi thu hút các nhà đầu tư lắp đặt các dây chuyền chế biến để gắn sản xuất với chế biến và bao tiêu sản phẩm, nhằm đem lại nguồn thu ổn định, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Ông Vi Đình Tân - Chủ tịch HĐND xã Thanh Sơn

Do người dân đã quen với tập quán sản xuất đơn giản, còn bây giờ trồng chè, đòi hỏi quy trình, khoa học kỹ thuật cao hơn nên dẫn đến họ không mặn mà. Và xét về quy trình, khi xây dựng đề án không tiến hành khảo sát, tìm hiểu mong muốn, nguyện vọng của nhân dân thích trồng cây gì, nuôi con gì để xây dựng. Bởi vậy, huyện cần vào cuộc tìm hiểu kỹ thực trạng để có giải pháp phù hợp, có cơ chế hỗ trợ giống, phân bón cho người dân trồng chè.

Ông Lô Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn

Các đợt nắng nóng liên tiếp trong mấy năm gần đây cũng khiến cho người dân không hào hứng với dự án trồng chè. Đầu năm nay, có một số hộ gia đình chặt phá chè, khi xã biết thông tin đã xuống cùng với bản tuyên truyền, vận động người dân không phá bỏ.

Ông Vi Tuyền Quynh - bản Tân Lập, xã Thanh Sơn

So với cây keo, cây sắn và làm lúa thì cây chè vẫn là cây trồng đem lại hiệu quả nhất. Để cho người dân yên tâm trồng chè, thì cần phải phát huy vai trò ban cán sự các bản để người dân thu hái và bán sản phẩm một cách kịp thời, có địa chỉ, bán tận đồi.

Mai Hoa

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Đồng hành cùng vùng tái định cư phát triển cây chè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO